|
|
Bức họa Anh hùng Võ Thị Sáu bị dẫn ra pháp trường Côn Đảo (năm 1952) được trưng bày tại Khu di tích Nhà tù Côn Đảo |
Chuyến ra Côn Đảo đầu tiên
Tôi được ra thăm Côn Đảo từ năm 1983. Vậy là đã 40 năm. Côn Đảo thời ấy còn hoang sơ. Tôi được tham gia đoàn viếng mộ liệt sĩ Võ Thị Sáu. Mộ người nữ liệt sĩ năm ấy chưa được khang trang như bây giờ. Nhưng chính sự hoang sơ ấy gây cho tôi sự xúc động mãnh liệt.
Tôi tự hỏi điều gì khiến một cô gái mới 14 tuổi đã trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội chiến đấu Công an xung phong Đất Đỏ, 17 tuổi bị bắt, nếm những đòn nhục hình dã man, 19 tuổi bị đưa ra Côn Đảo, bị xử tử hình. Tôi được người thuyết minh kể, vào phút cuối, chị vẫn kiên cường từ chối lời rửa tội, yêu cầu không bịt mắt để được nhìn non sông đất nước lần cuối và hiên ngang hô to những khẩu hiệu, nói những lời khẳng khái, bất khuất khiến quân giặc khiếp sợ.
Chi tiết khiến tôi xúc động mãnh liệt là khi trên đường ra pháp trường, chị Sáu đã hồn nhiên nhặt một bông hoa sứ cài lên tóc. Những người chứng kiến lúc chị nhặt hoa cho đến nay không còn sống nhưng hình ảnh cô gái trẻ trước khi ra pháp trường còn cài hoa lên tóc luôn in sâu vào tâm thức nhiều người, đặc biệt là giới nữ...
Chuyến đi ấy đánh dấu một bước ngoặc trong cuộc đời cầm bút của tôi. Giữa trùng trùng mộ chí, có những nấm mồ chưa biết tên, tôi tự hỏi ai cũng có một cuộc đời, sao có những người anh hùng, dũng cảm đến vậy?
Khi trở thành một nhà văn, nhiều người hỏi vì sao tôi viết nhiều về sự hy sinh, mất mát, về những anh hùng liệt nữ. Thật giản dị để nói rằng, những con người hy sinh vì dân vì nước quá cao đẹp.
|
|
Đoàn công tác Hội LHPN Việt Nam chụp hình lưu niệm trước tượng đài Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu trong hoạt động dâng hương, tưởng niệm tại Đền thờ, Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày 20/7/2023. Trong dịp này, đoàn công tác và Cụm thi đua Hội LHPN các tỉnh Đông Nam Bộ đã đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách và trao học bổng cho học sinh mồ côi, hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập tốt trên địa bàn huyện Đất Đỏ, Long Điền và TP Vũng Tàu |
Lịch sử có nhiều con người kỳ diệu, những tấm gương anh hùng. Mình được sống trong hòa bình, chỉ viết lại những câu chuyện ấy mà còn không làm được thì thật có lỗi. Và vì vậy, cho đến khi không còn thở được, tôi vẫn miệt mài với những trang viết về những người đã ngã xuống cho đất nước...
Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu trong tâm thức nữ tù Côn Đảo
Sau này, khi về công tác ở Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, tôi có nhiều chuyến về Côn Đảo để làm phim, viết sách. Chuyến về nguồn Côn Đảo với các nữ cựu tù chính trị và tù binh gây cho tôi nhiều xúc động và những liên tưởng.
Sau chiến tranh, nhiều cựu nữ tù chính trị và tù binh đều có chung ước nguyện ra thăm Côn Đảo, nơi "địa ngục trần gian" đã từng là trường học to lớn cho những người chiến thắng trở về. Và thật dễ hiểu, vì sao những cựu nữ tù chính trị và tù binh được ra thăm Côn Đảo đều không bỏ lỡ những giây phút thiêng liêng, được ra thăm mộ chị Võ Thị Sáu, được thắp lên nén hương, kính cẩn nghiêng mình gởi đến người liệt nữ đã kiên cường nhận án tử hình.
Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu nơi nghĩa trang Hàng Dương lồng lộng giữa mây trời ngày nay đã được xây mới hơn thời gian đầu tôi ra thăm Côn Đảo. Đôi mắt người con gái được người nghệ sĩ điêu khắc thể hiện với mái tóc ngang vai trong phút cuối cùng, mênh mang, sâu thẳm nỗi nhớ quê hương…
Tôi cũng đôi lần được theo chân các cựu nữ tù Côn Đảo quê hương Đất đỏ của chị Sáu. Chính tại ngôi nhà nơi chị Sáu được sinh ra và lớn lên, chúng tôi biết thêm nhiều chi tiết sống động về một nữ anh hùng, qua những người thân của chị.
|
|
Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu |
Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933, tại xã Phước Long Thọ, huyện Long Đất, thị trấn Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa. Chị xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Cha chị, ông Võ Văn Hợi, làm nghề đánh xe ngựa, thường chạy tuyến đường từ chợ Đất Đỏ đi Long Điền, Phước Hải. Mẹ chị, bà Nguyễn Thị Đậu bán bún bò, chả giò tại chợ Đất Đỏ.
Chị là người con thứ sáu trong gia đình. Dưới chị còn có cô em út là Võ Thị Bảy, sinh năm 1934. Chị Bảy năm ấy kể: "Thực dân Pháp chiếm Đất Đỏ, hai người anh chúng tôi lần lượt thoát ly kháng chiến. Chị Sáu đang học lớp ba trường làng đành bỏ học, cùng tôi ở nhà phụ giúp ba má.
Hồi nhỏ chị đã nổi tiếng gan dạ. Tôi còn nhớ có lần vì bận việc nhà, không thuộc bài, bị thầy giáo bắt đặt tay lên bàn đánh 7 thước. Tay sưng vù nhưng chị Sáu nhất định không khóc. Lần khác, mấy cậu trai nghịch ngợm bắt kỳ nhông dứ vào mặt mấy đứa con gái, nhiều bạn sợ khóc thét. Chị Sáu bình tĩnh nắm cổ con kỳ nhông liệng trở lại. Thấy vậy, mấy đứa trai hoảng hồn, xanh mặt nhìn chị Sáu!".
Không ai nghĩ cô bé hòa lẫn trong làng quê vùng đất đỏ ấy tham gia nhiều trận đánh xuất quỷ nhập thần, như trận đánh vào cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp 14/7/1948. Trận đánh khiến tên tỉnh trưởng mất mặt với quan Tây, được đồng bào hả hê khen ngợi, chị Sáu được tuyên dương trước toàn Đội.
Chị còn tham gia diệt ác trừ gian, đưa ra phương án diệt tên Cai tổng Tòng gian ác, ngay tại văn phòng của hắn. Sau trận chết hụt, bị thương nặng, Cai tổng Tòng cùng đám hội tề biết sợ hơn. Nhưng hai tên Cả Suốt, Cả Đay vẫn ngày càng hung hăng, sách nhiễu dân lành. Chị Sáu đề nghị Ban chỉ huy Đội tiêu diệt hai tên ác ôn để trừ họa cho dân.
Tuy nhỏ tuổi nhất nhưng chị Sáu thường đưa ra những sáng kiến đánh địch táo bạo nhất. Đó là cách đánh riêng của chị nhưng cũng là "định mệnh" của chị…
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - người con gái tham gia trận đánh vào rạp Majestic đêm 10/6/1948 bị địch kết án tử hình khi mới 16 tuổi từng ở tù chung với chị Võ Thị Sáu - kể về những kỷ niệm sâu sắc với người nữ tù cùng trang lứa với mình:
"Trong trận này, hai tên ác ôn Suốt, Đay đền tội. Nhiều tên khác bị thương. Nhưng chị Sáu sa vào tay giặc. Năm đó (1950), chị mới 17 tuổi. Suốt ba ngày ba đêm bị tra tấn tại bót Đất Đỏ, Cai tổng Tòng không moi được lời khai nào của chị. Chúng giải chị về khám Bà Rịa, tiếp tục khai thác.
Tháng 4 năm 1950, địch chuyển chị Sáu về khám Chí Hòa, Sài Gòn. Chị Sáu sống trong vòng tay thương yêu, chăm sóc của những bạn tù, được các chị lớn dạy văn hóa, dạy cách đối phó với kẻ thù trong nhà tù. Chị cảm động trước phần thưởng do Liên đoàn tù nhân khám Chí Hòa tặng, dù đó chỉ là cây bút chì, cuốn tập và đôi bông tai bằng gáo dừa được mài giũa công phu, láng bóng như sừng. Với chị đó là món quà trang điểm đẹp nhất mà chị có được.
Phiên tòa xử chị Sáu không có luật sư, không có công chứng, chỉ có những tên chánh án, bồi thẩm tay sai cho giặc. Chúng tuyên án tử hình chị vì tội: Giết người, phá rối trật tự trị an, có hành vi chống lại nhà nước bảo hộ Pháp. Án lệnh do Thủ tướng Pháp ký. Bản án tử hình với người con gái chưa đủ tuổi thành niên đã gây dư luận bất bình, phẫn nộ thời ấy.
Nghe tin dữ, mẹ chị Sáu, bà Đậu đau đớn, vật vã. Bà tìm đủ mọi cách, tìm gặp nhiều người, hỏi thăm đường vào khám Chí Hòa. Nhờ một người lính tốt bụng chỉ đường, bà Đậu được vô khám thăm con.
Chị Sáu làm ra vẻ bình thản cho mẹ yên tâm. Chị Sáu xin mẹ một chiếc áo bà ba màu hoa cà, một chiếc quần lụa đen, một chiếc khăn rằn và một khăn tay. Tới phút chia tay, chị vẫn không nói về cái chết. Chị chỉ thốt lên nghẹn ngào: "Đừng buồn nữa nghen má!".
Những người bạn tù kể lại: "Những ngày cuối cùng ở khám Chí Hòa, chị Sáu vẫn tiếp tục học văn hóa, thêu thùa và ca hát. Khiếp sợ bản án tử hình không phải là chị Sáu mà chính là bọn thực dân Pháp. Chúng không dám xử tử chị ở Sài Gòn, mà lén lút đưa chị ra Côn Đảo để hành hình. Khi tên chánh án quay ra đọc lệnh thi hành án, chị Sáu bắt đầu hát Tiến quân ca.
Giọng hát tha thiết, trong trẻo của chị Sáu vút lên, vang ngân giữa đất trời lồng lộng Côn Đảo. Dũng khí của chị Sáu khiến bàn tay cầm súng của bảy tên đao phủ run lên. Bảy tiếng nổ khô khốc chệch choạc. Những tên sát thủ chuyên nghiệp là vậy mà chỉ có hai viên đạn găm vào bả vai và sườn trái chị, tuôn đỏ thắm vạt áo, chị vẫn tiếp tục hát Tiến quân ca.
Những tên sát thủ chuyên nghiệp kinh hoàng, run rẩy. Tên đội trưởng Lê Dương rút khẩu súng ngắn, lầm lũi bước lại, dí tận mang tai chị, bóp cò! Lúc đó là 7 giờ sáng ngày 23 tháng 1 năm 1952…".
Trong nhiều năm sau đó, tấm gương anh hùng của chị Võ Thị Sáu được truyền đi, đến từng phòng giam, từng người tù, cả thường phạm lẫn tù chính trị. Kỳ lạ thay, người con gái hy sinh khi mới 17 tuổi trở thành biểu tượng linh thiêng trong cả bọn chúa đảo, cai ngục, ngay cả những tên ác ôn nhất.
Khí phách của chị Võ Thị Sáu đã truyền dẫn đến nhiều thế hệ, đặc biệt những nữ tù Côn Đảo. Với các cựu nữ tù chính trị Côn Đảo và tù binh, tấm gương anh hùng của chị Võ Thị Sáu là nguồn động viên to lớn, giúp các chị vượt qua những thử thách nghiệt ngã nơi nhà tù được mệnh danh là "địa ngục trần gian", khét tiếng vì sự khốc liệt, tàn bạo.
Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hơn 2.000 tù nhân đã bị giam giữ tại Côn Đảo. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống, tiếp sức cho đồng đội vững bước, đi theo con đường đã chọn, làm nên huyền thoại Côn Đảo…
Hơn ai hết, các cựu nữ tù chính trị và tù binh khi trở lại thăm Côn Đảo hay về quê chị Đất Đỏ, Bà Rịa đều có niềm tin về sự thiêng liêng của chị Sáu. Bởi nhờ có sức mạnh anh hùng của chị Sáu truyền dẫn, mà các chị đã được che chở, được cưu mang bằng những tấm lòng, ngay trong hàng ngũ địch, có thêm dũng khí để chiến đấu và chiến thắng trở về…
Tại nhiều tỉnh, thành phố ở nước ta hiện nay, có đường phố, trường học mang tên Võ Thị Sáu. Khi nhắc đến Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh hoa lêkima. Tại nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu thuộc xã Phước Long Thọ (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nơi chị Sáu từng sống thời niên thiếu cùng gia đình, bên cạnh các kỷ vật còn có cây lêkima được trồng trước sân. Bà Lê Thị Đến, Phó Trưởng Ban quản lý di tích huyện Đất Đỏ, cho biết, theo kể lại, lúc nhỏ, chị Sáu thường nhặt những bông lêkima xỏ thành vòng đeo tay. |
Trầm Hương