leftcenterrightdel
 Giáo sư Lê Thi, người phụ nữ kéo cờ Ngày độc lập 2/9/1945

GS Lê Thi và bà Đàm Thị Loan là hai phụ nữ vinh dự có mặt trong thời khắc quan trọng của đất nước, kéo lá cờ Tổ quốc lên cao tung bay trong gió vào sáng mồng 2/9/1945.

Người được chọn

Sinh ra trong một gia đình trí thức nổi tiếng, cha là nhà sư phạm mẫu mực Dương Quảng Hàm, Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa) sớm được vun đắp tình yêu quê hương đất nước và truyền thống hiếu học của gia đình. Trong những năm học thành chung ở trường nữ sinh Đồng Khánh, bà tham gia các hoạt động bày tỏ lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc.

Đầu năm 1945, được sự giác ngộ của Tuyết Minh - một người bạn cùng lớp, Dương Thị Thoa tham gia mạng lưới hoạt động bí mật của Việt Minh. Nhiệm vụ của bà là phổ biến báo chí yêu nước cho nhiều người đọc, tổ chức quyên tiền, gạo, muối, tôm, cá khô, thuốc men để gửi lên chiến khu, cũng như tuyên truyền cho mặt trận Việt Minh.

Tháng 1/1945, Dương Thị Thoa được kết nạp vào Đoàn phụ nữ cứu quốc. Nhóm bí mật đó bao gồm một số thành viên học cùng lớp như: Tuyết Minh, Hảo, Tâm Khanh, Hoàng Lê Vân. Họ cùng tham gia các hoạt động mít tinh, biểu tình, tập quân sự…

Giáo sư Lê Thi, người phụ nữ kéo cờ Ngày độc lập 2/9/1945, vừa qua đời ngày 28/8/2020.

Những ngày đầu tháng 8/1945, bà được lệnh lên chiến khu cùng với nhóm hoạt động bí mật để chuẩn bị nhận các nhiệm vụ mới. Dẫu vậy, trên thực tế bà không lên chiến khu mà hoạt động bí mật ngay trong thành Hà Nội, tại nhà bà Tuyết Minh. Ở đó, bà cùng các đồng chí luyện tập những ca khúc cách mạng như: Tiến Quân ca, Du kích ca, Diệt Phát xít… đọc một số tài liệu của Mặt trận Việt Minh và chuẩn bị hành động cho ngày tổng khởi nghĩa.

Ngày 17/8, Dương Thị Thoa cùng các đồng chí dự cuộc mít tinh của Tổng hội công chức tổ chức tại quảng trường nhà hát thành phố Hà Nội. Đoàn người biểu tình biến cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc biểu dương lực lượng cách mạng của Mặt trận Việt Minh. Từ quảng trường nhà hát lớn, đoàn mít tinh tỏa ra các phố phường, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm” và giơ cao cờ đỏ sao vàng được làm bằng giấy đã mang sẵn trong người.

Sau cuộc mít tinh, bà cùng các bạn của mình được chỉ định tham gia vào cánh quân cướp trại Bảo An Binh ở phố Hàng Bài. Đoàn quân nam nữ thanh niên không có vũ khí ùn ùn đến bao vây trại, chiếm hết cả lòng đường phố. Nhóm phụ nữ được đưa lên hàng đầu, giáp mặt với lính Nhật gác ở cửa trại. Cả đoàn hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh, yêu cầu lính Nhật mở cửa, hạ súng. Sau khi chiếm xong trại Bảo An Binh, nhóm của bà được phân làm công tác hậu cần, chuẩn bị cho các chiến sĩ Việt Minh đóng ở trại này…

Ảnh chụp gia đình bà Lê Thi năm 1943.

Sau những ngày cách mạng tháng Tám sôi sục, Dương Thị Thoa trở về gia đình với tâm trạng lo lắng vì sợ bố mẹ phản đối. Nhưng cả gia đình đều ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh, trong khi đó các anh chị em của bà đều tham gia các công việc của các đoàn thể cách mạng.

Sớm mồng 2/9/1945, Hà Nội rực cờ hoa, dòng người từ khắp nơi đổ về Quảng trường Ba Đình để đón chờ thời khắc quan trọng của lịch sử.

“Hôm đó tôi vận áo dài trắng, đi giày bata, tay cầm một cái gậy, vừa đi vừa hô “một - hai”... Đến quảng trường Ba Đình, chúng tôi tập trung lại bên dưới lễ đài. Đoàn phụ nữ cứu quốc của quận Hoàn Kiếm tình cờ lại đứng ngay phía trên cùng, bên trên rất nhiều đoàn khác như thanh niên, phụ lão... Khi đó các anh ở trên gọi bảo các chị cho một người lên kéo cờ, đúng lúc tôi đang đứng trên cùng. Lúc đó tôi quá bất ngờ và lo lắng cho nên vẫn đứng im không dám bước lên, vì thế mọi người lại càng giục”, bà nhớ lại.

Bà Lê Thi (trái) và bà Đàm Thị Loan năm 1987 - hai người phụ nữ kéo cờ tại sự kiện lịch sử trọng đại năm 1945

Lúc đó, bà run lắm, vừa đi vừa lo vì lần đầu tiên được kéo cờ trong một sự kiện trọng đại như thế này mà không hề tập dượt trước. Lên đến nơi, bà gặp một chị nữ du kích người Tày mặc quần áo chàm đã đứng sẵn trên đó, hai chị em cùng kéo cờ. Bà nói với người nữ du kích: “Chị nâng cờ, để em kéo cờ cho khỏi bị mắc”. Cả hai người đều lo lắng, căng thẳng. May mắn sao, khi bài Quốc ca kết thúc cũng là lúc lá cờ tung bay rực rỡ trên cột cờ. 

“Tiếng hát của bài Quốc ca vang lên và lá cờ Tổ quốc cũng từ từ được kéo lên trong tiếng Quốc ca của hàng vạn người có mặt tại Quảng trường. Khi bài Quốc ca vừa kết thúc cũng là lúc lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên lễ đài, trong tiếng vỗ tay vang rền của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình. Khi lá cờ lên tới đỉnh cao, tung bay lồng lộng trong cơn gió mùa thu và nắng tháng Tám, cũng là lúc chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, vui sướng. Nước mắt bỗng ứa ra vì xúc động xen lẫn tự hào” - bà Thi từng hồi tưởng. Mãi về sau này, những năm 80, bà mới được biết người phụ nữ kéo cờ cùng mình chính là bà Đàm Thị Loan, phu nhân của Đại tướng Hoàng Văn Thái.

Sau này, bà chia sẻ: “Đó là một điều vô cùng may mắn đối với tôi - một người con gái bình thường, để nay trở thành - như mọi người nói - một nhân chứng lịch sử cho sự kiện trọng đại nhất của dân tộc Việt Nam: ngày nước Việt Nam tuyên bố độc lập sau gần 100 năm bị đế quốc Pháp thống trị”. 

Đi vào cuộc chiến

Từ sau ngày Độc lập đến ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Dương Thị Thoa là Hội trưởng hội phụ nữ cứu quốc khu Hoàn Kiếm, đồng thời tham gia Đoàn thanh niên cứu quốc, đội tự vệ chiến đấu, đội tuyên truyền xung phong.

Những ngày tháng 12/1946 sôi sục khí thế, cả Hà Nội ai ai cũng sẵn sàng tâm thế để bước vào một cuộc chiến đấu mới. Không khí ở Hà Nội rất căng thẳng, lính Pháp liên tục gây hấn. Nhóm của Dương Thị Thoa được lệnh tích cực chuẩn bị chiến đấu và có trách nhiệm vận động nhân dân tham gia chiến đấu.

Sau khi được kết nạp Đảng (9/1946), bà được chi bộ phân công vào đội tuyên truyền và thông tin liên lạc của khu Hoàn Kiếm, dưới sự chỉ đạo của ông Hồng Lĩnh. Bà được chi bộ giao cho một quả lựu đạn, một khẩu súng lục nhỏ và sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu với tinh thần hăng hái, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, không nghĩ đến tương lai cá nhân, chỉ nghĩ đến việc phải chiến đấu để bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Sau này, như bà viết lại: “Khi đó chúng tôi đều rất còn trẻ, vừa mới thoát khỏi vòng tay cha mẹ, chẳng có nghề nghiệp gì, nên rất vô tư, chẳng có lo sợ gì cho tương lai, cũng chẳng tính toán gì cuộc sống sẽ ra sao, mặc dù đều là những cô gái những năm trước đây sống đầy đủ trong mái ấm gia đình”.

Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ (19/12/1946), Dương Thị Thoa tạm biệt gia đình, đến tập trung ở số 78 Hàng Gai, nơi đội tuyên truyền liên lạc khu Hoàn Kiếm do ông Hồng Lĩnh phụ trách để nhận nhiệm vụ. Bà và các đồng chí nữ khác có nhiệm vụ thu thập tin tức chiến đấu của mặt trận Hoàn Kiếm, gặp gỡ đồng bào, giải thích về chủ trương, chính sách của Chính phủ, động viên nhân dân nêu cao tinh thần chiến đấu.

Bà Lê Thi 3 năm trước.

Từ ngày 26/12/1946, bà được chuyển công tác lên Ban Tham mưu Trung đoàn Liên khu I, gia nhập vào Ban tuyên truyền của Trung đoàn. Ở đội nữ Tuyên truyền úy lạo, trong điều kiện mặt trận giáp lá cà giữa ta và địch, bà cùng với các chị em khác tới các ụ chiến đấu để động viên các chiến sĩ, thu thập tin tức cung cấp cho Tòa soạn báo Chiến Thắng - tờ báo in ngay trong Liên khu 1, ra hàng ngày gồm 2 trang. Mặc dù công việc vụn vặt đơn giản nhưng ngày nào bà cũng cùng các đồng chí ở đội Tuyên truyền úy lạo đi suốt từ sáng cho tới tối, chia làm 2 tốp để làm nhiệm vụ.

Sau những ngày chiến đấu ở Hà Nội, những ngày đầu tháng 2-1947 địch xiết chặt vòng vây, quyết tiêu diệt Trung đoàn Thủ đô. Chúng mở các trận tấn công ác liệt trên các mặt trận. Trước tình hình đó, Đảng và Chính phủ, Bộ tổng tham mưu có quyết định cho Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội. Ngày 17-2, Dương Thị Thoa cùng với Ban tuyên truyền trong đội ngũ Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn Thủ đô bí mật rút ra khỏi Hà Nội.

60 ngày đêm chiến đấu ở Hà Nội khiến cho Dương Thị Thoa trở nên dạn dày, không còn sợ hãi chiến tranh. Kể từ khi rời Hà Nội, bước vào cuộc chiến chống Pháp trường kỳ, bà tham gia tích cực trong công tác phụ nữ. Bà đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Bí thư Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Vĩnh Yên, Bí thư Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Tuyên Quang, Ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội. Bà hoạt động không biết mệt mỏi, nay đây mai đó, có khi hoạt động bí mật trong phong trào phụ nữ ở nội thành Hà Nội, khi lại ngang dọc, tích cực ở ngoài vùng tự do.

Cũng chính những năm tháng hoạt động sôi nổi trong các phong trào phụ nữ ở khắp mọi nơi mà Dương Thị Thoa quyết định chọn hướng nghiên cứu chuyên về phụ nữ và bình đẳng giới. Sau này bà trở thành nữ Viện trưởng của Viện Triết học, người khai sinh Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ (tiền thân của Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ và Gia đình, hiện nay là Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới). Bà cũng là một trong những nhà khoa học đầu tiên lên tiếng vì những hoàn cảnh éo le, hẩm hiu của phụ nữ Việt Nam.

Mỗi năm, vào dịp kỷ niệm ngày lễ Độc lập, nhiều người vẫn nhắc nhớ tới hình ảnh cô nữ sinh kéo cờ Dương Thị Thoa năm xưa. Chỉ có một chút đượm buồn là cũng chính những ngày này, người ta phải vĩnh viễn chia tay bà - một nhà khoa học, một người được lịch sử gọi tên.

Theo Khám phá