|
|
Nhà điêu khắc, họa sĩ Nguyễn Thị Kim |
Ngoài ra, bà từng đảm nhiệm nhiều chức vụ như Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam , Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, thành viên Ủy ban Hoà bình Thành phố Hà Nội… Những tác phẩm nổi tiếng của bà gồm: Chân dung Hồ Chủ tịch, 11 cô gái thành phố Huế, Chân dung cháu gái…
Bà Nguyễn Thị Kim sinh ra ở Hà Nội, cha bà là họa sĩ Nguyễn Văn Khải. Năm 1937, bà theo học lớp bàng thính của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do họa sĩ Nam Sơn phụ trách, và trúng tuyển vào học khóa XIII (1939-1944) sau 2 năm học. Bà sớm tham gia vào các hoạt động tuyên truyền của Hội truyền bá Quốc ngữ. Trong thời gian còn là sinh viên, bà đã có tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật và được tặng giải thưởng năm 1943. Sau khi tốt nghiệp, bà kết hôn với họa sĩ Phạm Văn Đôn, là sinh viên cùng khóa với mình.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim cùng họa sĩ Phạm Văn Đôn trở thành thành viên của Hội Văn hóa cứu quốc trong Ban biên tập Tạp chí Tiền Phong - cơ quan ngôn luận của Hội Văn hoá cứu quốc, đồng thời vẽ tranh cổ động và triển lãm phục vụ kịp thời những yêu cầu của cách mạng. Năm 1946, bà được mời làm giảng viên của Trường Mỹ thuật Việt Nam mới thành lập.
|
|
Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim bên tác phẩm tâm huyết “Chân dung Hồ Chủ tịch” |
Tháng 5/1946, với sự giới thiệu của nhà văn Nguyễn Đình Thi, Hội Văn hóa cứu quốc đã cử bà cùng họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung vào Bắc Bộ Phủ vẽ và nặn tượng chân dung Bác Hồ. Bức tượng đồng Chân dung Hồ Chủ tịch được hoàn thành trong hơn 10 ngày. Trước ngày Toàn quốc kháng chiến, gia đình bà đã nhận trọng trách bảo quản và cất giấu bức tượng trong vườn nhà cho đến ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954 mới được lấy lên. Hiện bức tượng đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài, bà tham gia Đoàn kịch Giải Phóng để tuyên truyền, cổ động về đề tài tòng quân, toàn dân sản xuất, xoá nạn mù chữ... Khi được điều lên Việt Bắc công tác vào năm 1952, bà tiếp tục sáng tác thêm bức phù điêu Bác Hồ và sau đó là bức phù điêu Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau khi Hiệp định Genève được ký, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim được Trung ương cử làm đại biểu tham gia Đoàn Hữu nghị Việt - Xô đi thăm Liên Xô. Bà là nhà nữ điêu khắc duy nhất của nước ta từ trước Cách mạng được cử tham gia Đoàn, cùng với các anh hùng quân đội, chiến sĩ thi đua công nông nghiệp, đại biểu các dân tộc ít người và đại biểu văn nghệ sĩ như Văn Cao, Song Kim...
|
|
Bức phù điêu sơn đắp “Hạnh phúc” (1950) |
Bà Nguyễn Thị Kim được họa sĩ Nguyễn Khắc Tiệp miêu tả là người "còn lưu giữ phong thái mực thước, sang trọng cùng vẻ đẹp duyên dáng của những thiếu nữ thành thị Hà Nội trước năm 1954" và "bà có một "tình yêu luôn được thắp lửa xuyên suốt các giai đoạn của đời sống và nghệ thuật". Nhiều tác phẩm của bà đã tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958 và nhận được giải thưởng. Bà trở thành "cánh chim đầu đàn" của điêu khắc nữ Việt Nam, đóng góp một lượng không nhỏ tác phẩm vào kho tàng nghệ thuật nước nhà.
Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim qua đời năm 2011, hưởng thọ 94 tuổi.
Thiên Ánh (tổng hợp)