Tuổi thơ êm đềm nơi đất Thần kinh

BS. Nguyễn Thị Thùy Loan sinh năm 1928 trong một gia đình trí thức yêu nước. Nhà có 6 chị em nhưng em trai út mất sớm, chỉ còn 5 chị em gái. Thân phụ bà là cụ Nguyễn Văn Lanh, nguyên cựu học sinh trường Bưởi vào Huế làm hiệu trưởng trường Trung học, còn thân mẫu là cụ Vương Thị Đào, con gái Thượng thư bộ Công Vương Tứ Đại.

Tuổi thơ mấy chị em họ Nguyễn trôi qua rất nhẹ nhàng, thơ mộng trên đất Thần kinh. Thời gian đó, tại Huế cũng như khắp các tỉnh Trung Kỳ khác trong giai đoạn từ 1920-1945 đã hoàn toàn xóa bỏ nền giáo dục Hán học, thay vào đó là giáo dục Pháp-Việt dạy tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ. Hệ Tiểu học có 2 cấp là Ấu học và Tiểu học (6 lớp). Cuối bậc có kỳ thi lấy bằng Tiểu học Pháp-Việt. Hệ Trung học gồm 2 ban: i) Cao đẳng Tiểu học (Lớp Nhất niên, Nhị niên, Tam niên, Tứ niên); ii) ban Tú tài (đệ nhất niên, đệ nhị niên, đệ tam niên; học xong đệ nhị niên thi lấy bằng Tú tài bán phần, học thêm đệ tam niên là thi Tú tài toàn phần).

Cả 5 chị em gái bà Loan tuổi sàn sàn nhau, được cha mẹ cho học trường nữ sinh Đồng Khánh (trước năm 1954, trường Đồng Khánh chỉ có cấp I và cấp II, thi bằng Thành chung xong phải sang trường Quốc học để học ban Tú Tài). Tại trường Đồng Khánh (thành lập năm 1917), mấy chị em học đầy đủ các môn theo mô hình trường Pháp như toán, văn, lịch sử, khoa học, tiếng Pháp… nên có thể nói tiếng Pháp lưu loát.

Ở nhà, họ được cha răn dạy về lẽ sống, luân lý, về tấm gương của anh hùng hào kiệt quê hương, đất nước và danh nhân trong, ngoài nước; được mẹ cùng nhũ mẫu dạy các thiếu nữ mới lớn cách ăn mặc, trang điểm lịch duyệt, lời ăn tiếng nói ôn nhu, phép ứng xử văn hóa, nữ công gia chánh…

Người chị cả là Nguyễn Thị Minh Lý sớm nổi tiếng về tài sắc khiến nhà thơ Đoàn Phú Tứ xúc động nảy sinh những vần thơ đặc biệt: "Hương thời gian thanh thanh/Màu thời gian tím biếc…"

Nữ bác sĩ đi qua 2 cuộc trường chinh của dân tộc - Ảnh 1.

Trường nữ sinh Đồng Khánh nay là trường THPT Hai Bà Trưng, tỉnh Thừa Thiên Huế

Tham gia cách mạng

Đầu năm 1945, phong trào Việt Minh do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo không ngừng lớn mạnh, trở thành lực lượng nòng cốt tổ chức cách mạng trong cả nước.

Nữ bác sĩ đi qua 2 cuộc trường chinh của dân tộc - Ảnh 2.

Chiến sĩ quân y Thùy Loan và đồng đội năm 1949

Thời kỳ này, cán bộ Việt Minh chú ý đến cả tầng lớp học sinh trung học, khi giới trẻ đã có những nhận thức bước đầu về sự thức tỉnh, yêu nước, thương dân và bầu máu nóng vì chính nghĩa… Nhiều cán bộ Việt Minh có kinh nghiệm đã vào học đường tuyên truyền vận động thanh niên học sinh. Nam sinh trường Quốc học và nữ sinh trường Đồng Khánh hăng hái tham gia phong trào yêu nước với khát vọng trở thành con dân quốc gia độc lập. 

Cách mạng Tháng Tám đến gần, mới 17 tuổi, thiếu nữ Thùy Loan hăng hái tham gia binh vận, tích trữ cất giấu phương tiện cho lực lượng tự vệ. Nữ sinh Thùy Loan cùng các chị em ruột của mình và bạn bè cùng trang lứa đã tự nguyện, hào hứng đi vào cách mạng bằng những hành động kể trên, kể cả thức thâu đêm may cờ đỏ sao vàng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa 1945 ở Huế.

Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội, Huế và nhiều địa phương khác. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ít lâu, thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, cuộc trường chinh của dân tộc bắt đầu. Ông Nguyễn Văn Lanh ra chiến khu Việt Bắc, bà Đào tản cư vào Quy Nhơn, cô gái lớn Minh Lý cũng theo chồng là Thái Văn Trừng tiếp bước cha đến Việt Bắc cùng cô út Nguyễn Thị Nguyệt Minh. Cô Nguyễn Thị Dương Liễu ngược ra Thanh Hóa, còn hai cô Nguyễn Thị Thùy Loan và Nguyễn Thị Hoàng Phụng gia nhập bộ đội.  

Nữ sinh Thùy Loan trở thành y tá trưởng trong Trung đội quân y thuộc Trung đoàn 9, Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, với túi thuốc trên lưng, nữ quân nhân trẻ Thùy Loan có mặt trong chiến dịch Lê Lợi, chiến dịch Hà Nam Ninh ở khu 4, khu 3… Cứ thế ròng rã suốt gần 1 thập niên, nữ quân y gắn đời mình với sự nghiệp vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

Thời gian trôi nhanh, từ trong khói lửa chiến tranh, bà Thùy Loan gặp và nên duyên với cựu học sinh Trường trung học Huế là Lê Toàn khi ông là bộ đội Liên khu 4. Ông Lê Toàn quê ở Quảng Trị, tham gia cách mạng từ năm 1945 rồi đi bộ đội suốt 9 năm chống Pháp, sau chuyển sang công tác ở Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục cống hiến cho đất nước.

Trở thành bác sĩ nhãn khoa

Sau khi xây dựng gia đình, y sĩ Thùy Loan xuất ngũ khỏi quân đội khi hòa bình lập lại năm 1955, về công tác tại Bệnh viện Hà Tĩnh. Từ 1955 đến 1962, bà Loan sinh hạ 4 người con. Bà cùng con cái sống với phụ mẫu của chồng tại mảnh đất thân thương Hà Tĩnh đầy kỷ niệm. Suốt thời gian máy bay Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, bà vẫn bám trụ tuyến lửa khu 4 ác liệt để chăm sóc đồng bào, chiến sĩ và gia đình. Cứ thế qua thời gian, bước chân của y sĩ Thùy Loan đến với bệnh nhân tại các bệnh viện ở Nam Định, Thường Tín (Hà Nội), vừa học tập rồi trở thành bác sĩ chuyên khoa cấp I về nhãn khoa.

Do có nhiều cống hiến, bà Thùy Loan được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng, nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua… nhưng có lẽ tấm huân chương quý giá nhất cuộc đời bà chính là một gia đình mà "hầu hết đều biết cầm súng khi đất nước có chiến tranh và biết cầm bút thời bình".

Nữ bác sĩ đi qua 2 cuộc trường chinh của dân tộc - Ảnh 3.

BS Thùy Loan thăm Moscow (Nga)

Bản thân từng tham gia quân đội, rồi là vợ của một cựu quân nhân nên bà Thùy Loan luôn chú ý giáo dục con cháu về truyền thống yêu nước của gia đình. Con trai trưởng tham gia quân đội trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, rồi trở thành một nhà giáo có học hàm học vị PGS.TS, nối nghiệp giáo dục của gia đình nội, ngoại. Con trai thứ 3 cũng từng khoác áo lính tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc... Trong 4 người con, có 2 người nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp vụ, chuyên gia cao cấp. Cả 4 người con đều thích đọc sách, viết sách và hoạt động văn hóa nghệ thuật. Với bà, vậy là đã trọn vẹn một đời với quê hương và gia đình.

Các bạn cùng thời ở trường Đồng Khánh với bà Loan như bà Vũ Thị Thanh (vợ nhà thơ Tố Hữu), bà Nguyệt Tú (con họa sĩ Nguyễn Phan Chánh), các bạn bộ đội như bà Nguyễn Thị Sính (vợ cố họa sĩ Bùi Xuân Phái), đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Viện Mắt Trung ương, bác sĩ Nguyễn Thị Khánh (vợ cố GS. Trần Đại Nghĩa)… luôn nhắc đến bà Loan với sự tin yêu, quý mến. Với phụ mẫu, chồng con, bà luôn chân thành, thủy chung. Bà là người bạn tâm tình, luôn hỗ trợ đồng nghiệp lúc khó khăn. Đặc biệt, đối với bệnh nhân, bà luôn là một tấm gương lớn về đức hy sinh, tận tụy.

Giờ đây ngoài việc quây quần bên con cháu, bà dành thời gian gặp lại bạn bè, hồi tưởng về đồng đội và dặn lòng tiếp tục sống hữu ích. Trước con cháu, cộng đồng vẫn là tấm gương giữ mình trong sạch, khiêm tốn trọn đời. Vị bác sĩ Nhãn khoa phúc hậu từng mổ hàng trăm ca đem lại ánh sáng cho đôi mắt nhiều bệnh nhân, đến hôm nay dù tuổi đã cao, vẫn đọc sách, vui vẻ với con cháu, sống giản dị, lạc quan. Có người bạn đã chúc thọ bà Nguyễn Thị Thùy Loan bằng đôi câu đối: "Trâm anh - thục nữ, tình dân quốc/Tài đức - lương y, nhãn tuệ quang". Đó là một đúc kết đầy đủ về bà và phần nào đúng với nhiều đồng đội cùng thế hệ với bà mà bà là một điển hình.

* Bài viết có sử dụng tư liệu của nhà giáo Thái Đức Khải

PGS.TS Lê Thanh Bình