|
|
Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn của các nhà báo |
Mốc son lịch sử
Cách đây 50 năm, ngày 27/1/1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) được ký kết, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Ngoài tên tuổi của những nhà ngoại giao như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy thì bà Nguyễn Thị Bình, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris năm ấy, vẫn được nhắc đến với lòng ngưỡng mộ.
Trong cuốn hồi ký "Gia đình, bạn bè và đất nước", bà Nguyễn Thị Bình gọi ngoại giao là một mặt trận đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một nhiệm vụ nặng nề, "một trang rất quan trọng trong cuộc đời hoạt động của tôi". Sự kiện bà Nguyễn Thị Bình nhận trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris gây ra "cơn bão" với giới truyền thông quốc tế. Báo chí đã săn lùng hình ảnh và tiểu sử của người phụ nữ trưởng đoàn "Việt Cộng".
|
|
Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp) |
Những năm tháng tham gia đàm phán ở Hội nghị Paris, hình ảnh "Madam Bình" theo cách gọi của giới truyền thông vẫn luôn gây ấn tượng mạnh với báo chí phương Tây bởi những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc rắn rỏi, khi dí dỏm làm cho thế giới nể trọng, nhân dân nức lòng. Theo nữ nhà báo Pháp Madeleine Riffaud, mọi chính khách đều nhận xét: "Việt Cộng đã thắng lớn qua cuộc đón tiếp Madam Bình ở Paris. Bà Bình như bà hoàng, được đón như quốc trưởng, đủ nghi thức chính quy, lại được hoan nghênh nhiệt liệt. Bà Bình đã làm chấn động dư luận Paris và thế giới. Cờ Mặt trận đã tung bay ở Paris. Rất tuyệt! Thật hiếm có!".
Hiệp định Paris đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Cứ vào thứ Năm hàng tuần, người dân Paris lại chứng kiến "Madam Bình" với phong thái lịch lãm, sang trọng, trong bộ áo dài truyền thống Việt Nam tới Nhà Hội nghị Quốc tế để tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn, tham dự các hội nghị quốc tế với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao. Bà kể, có những cuộc họp báo quốc tế tới 400 nhà báo, hoặc có lần truyền hình trực tiếp, bà phải trả lời phỏng vấn (bằng tiếng Pháp) với hàng chục phóng viên Pháp, Mỹ. Một mình giữa các nhà báo sừng sỏ, dưới ánh đèn sáng chói, bà đã bình tĩnh đối đáp, mạnh mẽ nhưng hòa nhã, nêu rõ thiện chí muốn tìm giải pháp chính trị chấm dứt chiến tranh. Hãng tin Pháp AFP mô tả: "Madam Bình mặc áo dài truyền thống của Việt Nam bằng lụa vân màu xanh lá cây, trông rất thoải mái. Đôi lúc Madam Bình nở nụ cười làm khuôn mặt càng rạng rỡ, trả lời các nhà báo rõ ràng, khúc chiết, làm cho người ta có cảm giác đứng trước một quý bà đầy bản lĩnh, đầy tự tin".
|
|
Bà Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 |
Nhà thương lượng tài ba
Suốt nhiều năm gắn bó với công tác ngoại giao, bà gọi công việc đó là ngoại giao nhân dân. Nghĩa là, con người đến với con người, trái tim đến với trái tim. Bà đưa bạn bè về với dân tộc. Bạn bè của bà thuộc nhiều màu da, nhiều giai cấp, nhiều ngành nghề, từ người dân thường đến các nguyên thủ quốc gia thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau. Bà đi khắp các châu lục tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, chuẩn bị thông tin để đưa ra những đòn tấn công ngoại giao sắc bén cho cuộc đàm phán... Những lý lẽ đanh thép nhưng có tình, có lý đã tỏa đi khắp các nước, trong dư luận quốc tế, qua báo chí, các phương tiện truyền thông, khơi dậy tình cảm mến phục của mọi người đối với một dân tộc nhỏ, dám đứng lên chống lại nước lớn để bảo vệ quyền được sống trong độc lập và tự do.
|
|
Bà Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn của các nhà báo |
Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam là cuộc đàm phán ngoại giao dài nhất trong lịch sử quá trình đàm phán thế giới với 4 năm 8 tháng 16 ngày. Bà đã tạo ấn tượng khi thể hiện là người có thể kết hợp "cương - nhu". Những đề nghị cứng rắn và phong cách ngoại giao sắc sảo của người phụ nữ duy nhất trên bàn đàm phán đã thu hút sự chú ý của dư luận phương Tây. Trên bàn đàm phán, mọi người đều nhận thấy Nguyễn Thị Bình là một người phụ nữ mềm mại nhưng khéo léo và đầy bản lĩnh.
Trong cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt giữa một nước nhỏ chống lại một đế quốc, mà đứng đầu phái đoàn là một người phụ nữ vừa gây sự chú ý, vừa tranh thủ được thiện cảm của dư luận thế giới, rõ ràng tạo thêm thuận lợi cho hoạt động đối ngoại, như lời nhận xét của bà sau này: "Nếu mình là phụ nữ biết ứng xử khôn khéo thì người ta cũng dễ có tình cảm hơn, sẽ nghe những điều mình muốn nói về lập trường của mình".
Khi nói về cuộc sống tình cảm riêng, bà Nguyễn Thị Bình khẳng định: "Tôi là người hạnh phúc", vì "đã lấy được người mình yêu". Cả mấy cái Tết, bà đều không có mặt bên cạnh chồng con, mà phải ăn Tết ở xứ người. Mỗi khi nhớ chồng con, bà chỉ biết lặng lẽ kìm nén lòng mình… Người phụ nữ ấy đã tự nhủ: "Hoạt động cách mạng tốt là thương các con nhỏ". Làm sao mà không nhớ, không thương bởi khi bà đi, người con lớn của bà mới 8 tuổi, còn con nhỏ mới 4 tuổi, cái tuổi đang rất cần vòng tay chăm sóc, yêu thương của người mẹ. Vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm với đất nước, bà đã phải gửi các con cho người thân nuôi dưỡng.
Thời đó, điều kiện vật chất rất khó khăn. Bà Nguyễn Thị Bình đã chia sẻ trong hồi ký: "Chúng tôi sống rất đạm bạc. Có những nhà báo muốn quay phim cảnh sinh hoạt, ăn ở của trưởng đoàn "Việt Cộng", chúng tôi kiên quyết từ chối, lấy lý do phong tục Việt Nam không cho phép đưa công khai sinh hoạt riêng tư của phụ nữ. Thực tế là chúng tôi khó lòng cho họ xem chỗ ở của tôi và Bình Thanh (Phạm Thanh Vân), trên gác thượng sát mái, chỉ có hai cái giường sắt như ở bệnh viện. Có nhà báo tò mò hỏi tôi đi may áo dài ở đâu, làm tóc ở đâu, chăm sóc sắc đẹp ở đâu, tôi tìm cách đối đáp cho qua chuyện...".
"Tôi được thay mặt nhân dân miền Nam ký vào một văn kiện lịch sử. Kết quả của Hiệp định là bao nhiêu xương máu của đồng bào, đồng chí. Lúc ấy, tôi nghĩ đến những người thân quen đã đi xa không được chứng kiến những giờ phút lịch sử này... Xúc động trào nước mắt. Cảm xúc ấy đi cùng tôi suốt cuộc đời" - trích hồi ký "Gia đình, bạn bè và đất nước" của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris
|
Trung Thu/Nguồn: BNG, AFP, hồi ký "Gia đình, bạn bè và đất nước"