Bà huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, quê ở làng Nghi Tàm, Thăng Long. Cha bà là Nguyễn Lý, đỗ thủ khoa thi Hương năm 1783 đời vua Lê Hiển Tông.

Lúc nhỏ bà được cha cho theo học danh sĩ Phạm Quý Thích nên thông thạo kinh sách lễ nghi, làm thơ rất giỏi. Khi trưởng thành, bà được gả cho ông Lưu Nguyên Ôn, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì. Lưu Nguyên Ôn hiệu là Ái Lan, đỗ cử nhân năm 1821 dưới thời vua Minh Mạng. Do ông từng được bổ nhiệm làm tri huyện huyện Thanh Quan, tỉnh Thái Bình nên người ta quen gọi bà là Bà huyện Thanh Quan.

Khi Lưu Nguyên Ôn được bổ nhiệm Tri huyện Thanh Quan, bà Hinh theo chồng về sống ở Thái Bình. Tại đây, bà huyện với tài thơ và sự hóm hỉnh, thông tuệ của mình đã để lại cho làng văn Việt Nam những giai thoại khó quên.

Tương truyền, một ông trong huyện thi đỗ Hương cống, ông hớn hở làm đơn xin được mổ trâu để khao làng, nhưng vác đơn lên đến công đường thì chẳng may ông huyện có việc đi vắng. Không muốn để ông cống đang cơn hớn hở mất hứng, bà huyện cầm đơn phê vào hai câu thơ:

Người ta thì chẳng được đâu,
Ừ thì ông Cống làm trâu thì làm!

Lần khác quan huyện đi công cán vài ngày, có một thiếu phụ tên là Nguyễn Thị Đào đệ đơn lên trình bày việc bị chồng ruồng bỏ, xin được li hôn để lấy chồng khác. Thông cảm với cô, bà huyện thay chồng phê luôn vào đơn rằng:

Phó cho con Nguyễn Thị Đào,
Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai?
Chữ rằng Xuân bất tái lai,
Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già!

Cô Đào cứ theo phê chuẩn về bỏ chồng đi lấy chồng khác, chồng cô Đào đem việc kiện lên quan trên. Ông huyện mất chức. Không biết có phải Lưu Nguyên Ôn bị mất chức vì chuyện đó hay không nhưng quả là ông có mất chức. Nhưng rồi ông lại được bổ làm Thư lại ở bộ Hình, rồi được cất nhắc lên Viên ngoại lang bộ Hình – một chức quan nhỏ trong triều. Bà Huyện theo chồng vào sống ở kinh đô Huế.

2.jpg
Bà huyện Thanh Quan

 

Ở Huế, được biết về tài học của bà, triều đình lại đang cần nữ quan, bà được vua Minh Mạng triệu vào cung phong cho chức Giáo tập trong cung, chuyên giảng dạy lễ nghi văn chương cho các công chúa, phi tần. Biết bà giỏi làm thơ quốc âm, có lần vua Minh Mạng, đặt làm đồ sứ ký kiểu ở Trung Quốc đã sai bà đề thơ vào bộ đồ trà vẽ sơn thủy, bà đề hai câu thơ Nôm: “Như in thảo mộc trời Nam lại. Đem cả sơn hà đất Bắc sang”. Vua rất khen ngợi.

Năm 1847, ông Lưu Nguyên Ôn bị bệnh qua đời, bà không muốn tiếp tục ở lại kinh đô Huế nữa, định xin trở về Thăng Long – Hà Nội song vua Tự Đức muốn bà lưu lại. Đến năm 1857 niên hiệu Tự Đức năm thứ 19, bà kiên quyết xin miễn chức đưa các con về sống tại Nghi Tàm làm nghề dạy học cho đến cuối đời.

Ngọc phả làng Nghi Tàm cho biết, vào niên hiệu Tự Đức năm thứ 23 (1780), Bà huyện Thanh Quan từng giúp dân viết đơn trình lên vua Tự Đức, xin cho làng Nghi Tàm miễn lệ tiến sâm cầm. Từ cổ xưa, ở kinh đô Thăng Long, đây đã là loại đặc sản tiến vua. Thời Nguyễn vẫn y lệ nhà Lê, bắt dân làng Nghi Tàm tiến chim sâm cầm khiến dân làng rất khốn khổ. Lý trưởng làng Nghi Tàm từng bị đánh trăm roi vì làng không bắt đủ chim cung tiến.

Là người nghĩa khí, thương dân, ông nhờ Bà huyện Thanh Quan viết đơn dâng lên vua Tự Đức xin cho bỏ lệ tiến cống. Bà huyện cảm động trước sự can đảm của ông Lý, lại thương dân làng từ đời nọ sang đời kia cực khổ vì lệ vô lý này nên đã viết đơn cùng một lá thư nhờ bà phi quen biết trong cung đang được vua sủng ái lựa lời nói hộ. Ông Lý lặn lội vào kinh, việc thành công, làng Nghi Tàm ăn mừng ba ngày liền rồi họp bàn đồng lòng ghi công Bà huyện Thanh Quan vào ngọc phả của làng.

Về phương diện sáng tác, Bà huyện Thanh Quan là nữ thi sĩ tên tuổi trên thi đàn Việt Nam. Tác phẩm của bà hiện còn chỉ gồm 4 bài thơ nôm đường luật là: Qua đèo ngang, Thăng Long hoài cổ, Cảnh chiều hôm và Chiều hôm nhớ nhà.

Mỗi bài thơ đều như một bức tranh thủy mặc với vẻ đẹp cổ điển làm xao xuyến lòng người. Chỉ với 4 bài thơ còn lưu lại nhưng Bà huyện Thanh Quan đã thể hiện tài thơ lỗi lạc và để lại danh tiếng bất hủ trên thi đàn Việt Nam.

Phụ nữ Việt Nam