Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa tên thật là Huỳnh Thị Thái, sinh năm 1896 tại làng Đa Phước, xã Hòa Minh, Hòa Vang (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Cha bà là ông Huỳnh Phúc Lợi, làm quan Triều Nguyễn đến chức Quang lộc Tự khanh thuộc hàm tam phẩm, nên thường được gọi là ông Quang Lợi, về sau ông tham gia phong trào Cần vương chống Pháp ở Quảng Nam.

Từ nhỏ, bà học chữ Hán, chữ Quốc ngữ rồi cả chữ Pháp. Lớn lên, bà lấy chồng là Hàn lâm viện Đại học sĩ Vương Khả Lãm. Cùng chồng về sống ở Đà Nẵng, bà sớm thích nghi với cuộc sống thị dân, tiếp thu tư tưởng duy tân từ các phong trào yêu nước lúc bấy giờ.

Là người phụ nữ cấp tiến, bà thường đăng đàn diễn thuyết tại các hội quán ở Đà Nẵng như Hội Lạc thiện Tourane, Công quán Tourane (nay là Nhà hát Trưng Vương) nhằm nâng cao tri thức cho chị em phụ nữ về khoa học, nếp sống mới lành mạnh, tiết kiệm, cổ vũ chị em  học chữ Quốc ngữ. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên ở Đà Nẵng cắt tóc ngắn, đi xe đạp.

2.jpg
Chân dung nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa

 

Năm 1926, được tin nhà yêu nước Phan Châu Trinh tạ thế tại Sài Gòn, bà cùng giới trí thức Đà Nẵng đứng ra tổ chức lễ truy điệu rất trọng thể, sau đó vận động ngân quỹ xây dựng nhà thờ cụ Phan trên đường Marc Pourpe, nay là đường Phan Châu Trinh, thành phố Đà Nẵng.

Khi nữ sử Đạm Phương đứng ra thành lập Nữ công học hội với sự hưởng ứng của phụ nữ 3 miền, bà được cử làm Hội trưởng Hội Nữ công Đà Nẵng và giữ cương vị này cho đến Cách mạng tháng Tám 1945. Khi nổ ra Toàn quốc kháng chiến, bà tản cư một thời gian rồi lại quay về sống ở Đà Nẵng.

Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa là một nhà báo rất năng nổ vào đầu thế kỷ 20. Bà là cộng tác viên của nhiều tờ báo trước năm 1945 như Nam Phong, An Nam tạp chí, Tiếng Dân, Đông Pháp thời báo, Công luận báo, Phụ nữ tân văn; đồng thời là phóng viên thường trực của Thực nghiệp dân báo tại Đà Nẵng.

Không chỉ vậy, bà còn viết văn, viết khảo cứu. Năm 1927, tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn của bà ra đời (76 trang, Nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn), kể lại câu chuyện có thật xảy ra tại Tam Kỳ (Quảng Nam) nói về mối tình chung thủy của cô gái Pháp lấy chồng Việt, là một trong những tác phẩm viết bằng văn xuôi được xuất bản thành sách sớm nhất của một cây bút nữ.

6.jpg
Tác phẩm 'Tây phương mỹ nhơn' của nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa

 

Tác phẩm này được Huỳnh Thúc Kháng viết ‘Bài tựa’, Bùi Thế Mỹ viết ‘Bài tựa cuối cùng’, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu thì có ‘Mấy lời tặng Tây phương mỹ nhơn’. 3 ông cho rằng Huỳnh Thị Bảo Hòa đã có công ‘mở núi vỡ đường’, ‘là ngọn cờ tiên phong cho đạo quân nương tử’. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên phản ánh số phận cùng khổ của thanh niên thuộc địa. Tác giả cũng muốn vạch trần ảo tưởng luôn cho phương Tây là ưu việt và văn minh, còn phương Đông thì luôn lạc hậu, dã man. Đây còn là tác phẩm của một nhà văn nữ rất có ý thức về vai trò của người phụ nữ trong xã hội và có khát vọng góp phần vào công cuộc cải tạo xã hội, xây dựng con người.

Năm 2001, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, sau khi bất ngờ phát hiện bộ tiểu thuyết này ở Thư viện Quốc gia Hà Nội, đã viết bài trên Tạp chí Văn học khẳng định nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ.

Ngoài tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn, Huỳnh Thị Bảo Hòa còn là tác giả của 2 đoản tiểu thuyết Nữ nhi tạo anh hùng và Vì nghĩa quên mình đăng trên Đông Pháp thời báo năm 1928. Bà còn viết kịch bản cho tuồng với vở Huyền Trân công chúa (1933), tác phẩm được hình thành sau thời gian bà làm bầu gánh hát bội tại nhà hát Hòa Bình, thành phố Đà Nẵng.

Sau đó bà còn viết du ký với Bà Nà du ký, Đi viếng Chiêm Thành bảo tàng viện. Huỳnh Thị Bảo Hòa cũng là một trong những người phụ nữ Việt Nam đầu tiên khảo cứu, biên khảo lịch sử bằng Quốc ngữ. Tác phẩm Chiêm thành lược khảo (1941) của bà đã gây được tiếng vang lớn và được giới học thuật bây giờ đánh giá cao, đích thân Phạm Quỳnh đã viết lời tựa cho công trình khảo cứu này.

7.jpg
Thẻ nhà báo của Huỳnh Thị Bảo Hòa

 

Bà cũng viết một số xã thuyết đăng trên Đông Pháp thời báo năm 1927 như: Làm người phải biết chọn đường chánh mà đi, Một điều nên mừng, Người đàn bà nên học nghề nghiệp, Xem nam nữ cảm tưởng về Trưng Nữ Vương…

Sau cách mạng tháng Tám, nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa tham gia hoạt động trong Hội phụ nữ Cứu quốc Đà Nẵng, các con bà đều tham gia cách mạng. Bà mất ngày 8/5/1982.

Trong bộ sách ‘Những kỉ lục Việt Nam’ được Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành đầu tháng 11/2004 đã chính thức ghi nhận nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ.

Phụ nữ Việt Nam