1.jpg
Nữ sĩ, nhà cách mạng Nguyễn Trung Nguyệt.


Nữ sĩ cách mạng Nguyễn Trung Nguyệt có bút danh Bảo Lương, sinh vào ngày rằm tháng 2 năm Kỷ Dậu (1909) tại làng Bình Đại, tỉnh Mỹ Tho. Cha mẹ đặt tên Trung Nguyệt với niềm mong ước khi lớn lên bà sẽ là một cô gái xinh đẹp, tiết hạnh sáng rỡ như vầng trăng đêm rằm.

Năm 12 tuổi, gia đình bà dời về Rạch Giá lập nghiệp. Cuộc sống cơ cực trôi qua nhưng nhờ sự tháo vát, chịu khó của cha mẹ, bà trở thành số ít bé gái thời đó được học Hán văn với ông ngoại và cha, học chữ quốc ngữ với người chú. Nhờ sớm có khiếu văn chương nên từ nhỏ bà đã xướng họa thơ cùng cha trong những lúc nhàn tản.

Năm 14 tuổi, bà đã nổi tiếng hay chữ, giỏi thơ phú trong vùng. Ở tuổi 16, tên tuổi bà đã được giới thiệu và đăng thơ trên những tờ báo lớn ở Sài Gòn. Do lớn lên trong cảnh mất nước nhà tan nên cha bà nung nấu trong lòng nỗi căm thù giặc Pháp sâu sắc. Trong những lúc xướng họa thơ, chơi cờ, ông thường thủ thỉ với con gái: ‘Con có biết không, Tây tặc đã cướp mất nước của mình rồi’.

Nhiều gia đình địa chủ giàu có, thân Pháp cầu hôn Trung Nguyệt nhưng cha bà từ chối vì không muốn gả con gái cho những gia đình ấy. Sau này, bà bộc bạch trong hồi ký: ‘Dài theo tháng năm khôn lớn của tôi, được ông cha căm hận thực dân rèn luyện hiểu biết thêm sự tham ác của ngoại bang để thâm thù bọn xâm lược ngày càng cao độ. Dai dẳng suốt hai năm tranh chấp thành kiến của gia đình, đã phá thành trì lễ giáo bền hơn bất cứ loại sắt đá hữu hình nào, gạt bỏ chi tiết vụn vặt khổ tâm của nếp sống người con gái mà phong kiến còn lưu lại chặt chẽ với bốn bức tường ‘khuê môn bất xuất’, tôi bạo phổi ‘xuất môn’.

Năm 1926, trong lúc cha của bà ngâm nga khoe với những người bạn về bài thơ đầy khí khái của con gái mới làm ở nhà Hội Khuyến học Phước Long, thì ở nhà, hai người em của Bảo Lương đã giúp chị chuyển hành lý trốn nhà ra đi một cách an toàn.

Đến Sài Gòn, bà ở nhờ nhà ông Tôn Đức Thắng. Bà không ngờ bầu máu được dấn thân cho lý tưởng độc lập đất nước thấu đến Tổng bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Bà trở thành hội viên của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Sau đó, tổ chức chọn Bảo Lương sang Quảng Châu, Trung Quốc, dự khóa học chính trị do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Bà sung sướng đến rơi nước mắt khi nhìn thấy phía trước một thế giới đang rộng mở, một thế giới mà từ lâu tầm mắt bà bị che khuất bởi bốn bức tường…

Tuy nhiên, do Bảo Lương là một thiếu nữ có nhan sắc nên mọi việc không dễ dàng. Khi tổ chức đưa bà cùng 5 thanh niên bí mật xuống tàu, một người đã có sáng kiến nên cải nam trang cho Bảo Lương, bởi nếu là đàn ông đi cùng nhóm thì sẽ ít bị chú ý và nghi ngờ hơn. Trương, người phụ trách nghĩ kế cải trang cho Bảo Lương, tay cầm kéo, tay xách đôi giày tiến đến nói rằng: Muốn xuống tàu em phải cải nam trang, Lương ạ… Thế là mái tóc đẹp của người thiếu nữ không còn.

Một người Hoa ra đón họ đưa xuống tàu. Mỗi người được phát một bộ đồ thủy thủ. Những chàng trai trong đoàn thay đồ nhanh chóng, còn Bảo Lương cứ đứng tần ngần… Họ được dồn xuống một căn hầm nóng như lò lửa. Tiếng giày của mật thám gõ cồm cộp trên sàn, tiếng khám xét, chửi bới ầm ĩ trên boong tàu rõ mồn một xuống tai cô. Máy bắt đầu nổ xình xịch, con tàu dần rời bến, những người bí mật xuất dương mới thở phào nhẹ nhõm. Lúc này, bất giác Bảo Lương nhớ nhà vô kể.

ngi-nh-250-ph-vn-minh-qung-chu-tr-s-t-chc-vit-nam-thanh-nin-cch-mng-ng-ch-hi-xa-l-s-13-ph-vn-minh.jpg
Trụ sở tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội ở số 13 phố Văn Minh (nay là số 250) - nơi đồng chí Nguyễn Ái Quốc mở các lớp Huấn luyện chính trị, làm báo Thanh Niên. Ngày nay, ngôi nhà này là một di tích lịch sử ở Quảng Châu, Trung Quốc.


Ở Quảng Châu, cô gái Việt Nam đã gặp gỡ và chứng kiến biết bao tấm gương trung liệt của phụ nữ Trung Quốc trong đấu tranh. Cũng chính nơi đây đã tôi luyện cho cô gái trẻ ý chí cách mạng sắt đá. Cô gái ấy đã học được nhiều bài học quý giá từ cách vận động quần chúng, tập diễn thuyết trước họng súng kẻ thù, những đêm trắng giằng xé để chọn lựa tình riêng và lý tưởng đại cuộc khi sứ mạng còn trĩu nặng trên đôi vai. Bà gác những thi hứng dào dạt, trữ tình để viết những bài thơ kêu gọi nữ quyền khi phụ trách mục nữ giới trên tờ báo Thanh Niên:

Chị em ơi!

Chúng ta cùng da vàng máu đỏ

Nông nổi này biết tỏ cùng ai

Từ khi non nước tơi bời

Tấm thân bồ liễu nhiều lời đắng cay

Chị em sao ngủ say quá vậy

Chuông tự do khua rậy bên tai

Ầm ầm vang khắp mọi nơi

Sao mình không dậy trông người thử xem…

Năm 1928, Bảo Lương về nước trên một chuyến tàu bí mật với sứ mệnh ‘đặt những viên gạch đầu tiên’ xây dựng tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng ở Nam bộ.

Từ đây, những hiểm nguy, bất trắc của cuộc đời hoạt động chính trị luôn chờ đón bà. Sau vụ án đường Barbier (Lý Trần Quán), bà bị mật thám theo dõi, bị bắt và bị kết án 10 năm tù tại Khám Lớn Sài Gòn. Địa ngục trần gian với những đọa đày nghiệt ngã, vượt lên những ngón đòn tra tấn dã man, người con gái với tâm hồn đa cảm chợt trở nên đầy khí phách, dũng cảm. Có một thời, bài thơ của Bảo Lương đã vượt qua khỏi song sắt nhà tù Khám Lớn Sài Gòn, được nhiều người truyền tụng:

Nước mất nhà tan gánh nợ chung

Có ta, ta quyết ghé vai cùng

Liễu bồ cũng đứng trong trời đất

Vàng đá ghi bền với núi sông

Chân yếu, tay mềm tuy sức gái

Gan bền, chí vững ấy đàn ông

Quốc thù chưa trả, ta chưa chết

Gươm ấy là con, súng ấy chồng

Bảo Lương ra tù năm 1937, trở thành một người vợ, người mẹ bình thường sau khi đã làm tròn vai trò tiên phong đáng khâm phục của người phụ nữ một thời dám bước ra khỏi bốn bức tường lễ giáo phong kiến, dấn thân cho lý tưởng cách mạng.

Bà qua đời năm 1976, để lại sự nghiệp văn thơ đồ sộ gồm nhiều bài chính luận và hơn 3.000 bài thơ đầy nhiệt huyết, rất lãng mạn, mang tính nhân văn, tính chiến đấu cao.

Phụ nữ Việt Nam