leftcenterrightdel
Sản phẩm của HTX Lụa Vy đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử 

Tham dự Hội nghị toàn quốc Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939) giai đoạn 2017 – 2021, chị Vi Thị Lụa, Giám đốc hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vy (tỉnh Lạng Sơn) đã có những chia sẻ về chủ đề "Đẩy mạnh ứng dụng Marketing số/chuyển đổi số trong hợp tác xã, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nông thôn".

+ Xin chào Vi Thị Lụa. Năm 2021, chị là một trong những cá nhân được nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Sau 1 năm, hành trình khởi nghiệp của chị đã có những thay đổi cụ thể thế nào?

Hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vy được thành lập từ tháng 11 năm 2020, khi thành lập có 07 thành viên. Hiện nay, hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vy tập trung sản xuất sản phẩm chủ lực là Trà Diếp cá và Trà Xạ đen giúp cải thiện sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, hợp tác xã cho ra đời nhiều sản phẩm khác như tinh bột nghệ, tam thất, các loại bột củ quả...

Từ khi thành lập tới nay, hợp tác xã luôn tích cực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của hợp tác xã, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao cả hình thức, chất lượng sản phẩm. Đến nay, hợp tác xã đã có 01 sản phẩm là Trà Diếp cá Lụa Vy được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Lạng Sơn.

Năm 2021, sản phẩm Trà Diếp cá Lụa Vy của hợp tác xã đạt giải "Nâng tầm sản phẩm OCOP tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Chứng nhận OCOP 3 sao và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2022.

Giải thưởng "Nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP" đã giúp cho hợp tác xã cũng như sản phẩm được lan tỏa mạnh mẽ hơn, qua đó ảnh hưởng tích cực, niềm tin đối với khách hàng trên cả nước.

Từ nguồn kinh phí giải thưởng cuộc thi đã giúp hợp tác xã chúng tôi có một bước thay đổi lớn, hợp tác xã đã hoàn thiện xây dựng nhà xưởng với tổng diện tích 100m2 cho khu nhà kho và hoàn thiện sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đi vào sản xuất đồng bộ, chuyên nghiệp hơn với tổng vốn đầu tư 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, hợp tác xã mạnh dạn cải tiến kỹ thuật đầu tư đồng bộ hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, tiên tiến thay thế loạt máy móc cũ, chất lượng kém… Qua đó giúp giảm chi phí, tiết kiệm được nguyên liệu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn và chất lượng, thẩm mỹ.

Chuyển đổi số là chìa khóa giúp bứt phát, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nông thôn - Ảnh 1.

Chị Vi Thị Lụa tham dự Hội nghị toàn quốc Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939) giai đoạn 2017 – 2021

+ Năm 2021 là năm các doanh nghiệp, HTX trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Chị đã vượt qua "bão Covid" ra sao?

Năm 2021, dịch Covid - 19 bùng phát mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của hợp tác xã, đặc biệt khâu tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng lớn. Ban lãnh đạo hợp tác xã phải linh hoạt điều chỉnh mô hình kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Song song với phương thức bán hàng truyền thống, Ban lãnh đạo hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi số bằng việc mở rộng kinh doanh online, tham gia các hội chợ triển lãm, các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của địa phương, ký kết hợp đồng với các đại lý trên toàn quốc, làm tốt các khâu quảng bá sản phẩm, hình ảnh, kết nối với khách hàng qua các website, fanpage chính thức của hợp tác xã.

Bên cạnh đó, lãnh đạo hợp tác xã luôn đi đầu xu thế, cập nhật các tính năng mới, chú trọng tập huấn cho các thành viên trong hợp tác xã và các đối tác kinh doanh, phân phối sản phẩm thông qua các hình thức trực tiếp và trực tuyến: các kênh bán hàng trên Lazada, Shopee, Sendo; Chăm sóc, quảng bá bán hàng trên các kênh Facebook, Fanpage, Zalo, Tiktok, Youtube… cũng như xây dựng hệ thống bán hàng online thông qua nhà phân phối: Cập nhật cách làm video, viết nội dung quảng cáo, Livestream… Đẩy mạnh khâu tiếp thị truyền thống, tiếp nhận phản hồi của khách hàng để làm tư liệu cho các kênh marketing trên nền tảng số; kết hợp chặt chẽ với 2 kênh voso.vn và postmart.vn ở tuyến huyện để được hỗ trợ về kỹ thuật cũng như các thuật toán của 2 kênh này để tiếp cận khách hàng lẻ, bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc tuyên truyền kinh tế số để marketing kịp thời sản phẩm.

Hiện nay, hợp tác xã có trang fanpage Lụa Vy để quảng bá về các sản phẩm và tư vấn bán hàng một cách chuyên nghiệp; sản phẩm của hợp tác xã có mặt trên các sàn thương mại điện tử. Việc ứng dụng công nghệ thông tin nên việc quản lý hàng hóa, khách hàng, doanh thu của hợp tác xã được thực hiện một cách hiệu quả, khoa học. Thông qua các kênh bán hàng trên mạng, nhiều khách hàng biết đến các sản phẩm của hợp tác xã và đặt hàng nhiều hơn kênh bán hàng truyền thống. Hợp tác xã làm việc chủ yếu qua điện thoại, email, zalo, messenger, facebook… và sử dụng các dịch vụ vận chuyển nhanh hàng hóa đến với khách hàng thông qua dịch vụ bưu điện, chuyển phát nhanh… nên rất nhanh chóng, thuận lợi, ứng dụng vào việc chuyển đổi số phù hợp với tình hình phát triển kinh tế số hiện nay.

+ Nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số để vượt qua khó khăn của dịch bệnh, những thành quả chị đạt được có đúng như kỳ vọng?

Qua 2 năm xây dựng và phát triển, hợp tác xã đã có một số kinh nghiệm để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có giá trị và bền vững. Hợp tác xã đã áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất các sản phẩm chất lượng hơn, nâng cao tính thẩm mỹ sản phẩm, được khách hàng ưa chuộng. Sự cố gắng nỗ lực của cả Ban lãnh đạo và chất lượng sản phẩm đã giữ được chân khách hàng, quyết định tỷ lệ khách hàng tái sử dụng cao.

Do vậy, năm 2021 khi dịch Covid - 19 kéo dài, thậm chí vào thời kỳ đỉnh cao của sự bùng nổ dịch thì lượng sản phẩm Trà Diếp cá bán ra đạt doanh thu lớn, trung bình xuất kho từ 500-800 sản phẩm/ngày. Thành công lớn nhất của cả tập thể hợp tác xã và các nhà phân phối sản phẩm là xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn trong lòng khách hàng đã mua sản phẩm, số lượng các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử ngày càng nhiều, lượt truy cập mua cũng tăng lên.

Với những kết quả trên đã khẳng định chuyển đổi số thực sự là chìa khóa giúp hợp tác xã bứt phá trong nâng cao năng suất, sản lượng và thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn. Hợp tác xã đã giúp tạo việc làm thường xuyên cho 04 chị với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng. Đồng thời tạo việc làm cho khoảng 20 hội viên theo thời vụ kết hợp bao tiêu nguyên liệu cho 30 hộ dân trên địa bàn. 

Chuyển đổi số là chìa khóa giúp bứt phát, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nông thôn - Ảnh 2.

HTX tạo việc làm cho nhiều phụ nữ tại địa phương

+ Là một HTX mới thành lập tại một tỉnh miền núi, chị phải đối diện với những "chướng ngại vật" gì và có đề xuất gì để hành trình chuyển đổi số, phát triển thương hiệu sản phẩm được hiệu quả hơn?

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong đẩy mạnh ứng dụng marketing số, chuyển đổi số trong hợp tác xã, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nông thôn cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn như:

Thứ nhất, chương trình đào tạo, bồi dưỡng sử dụng công nghệ, chuyển đổi số chuyên sâu cho hợp tác xã và hỗ trợ kinh phí khởi tạo trong việc bán hàng online qua các trang thương mại điện tử trong và ngoài tỉnh còn hạn chế. Nếu làm tốt được điều này sẽ giúp các hợp tác xã mở rộng đầu ra và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Thứ hai, hiện nay các hợp tác xã chưa đủ điều kiện, cơ sở vật chất để ứng dụng quản lý trên phần mềm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Các chương trình hỗ trợ hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số còn hạn chế trong khi muốn ứng dụng chuyển đổi số, hợp tác xã rất cần có nguồn vốn ổn định, dài hạn để đầu tư tổng thể.

Có thể khẳng định hiệu quả từ chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đã được minh chứng, ứng dụng chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là đòi hỏi, yêu cầu khách quan của sự phát triển. Để thực hiện được điều đó, cần có một chính sách toàn diện về nhân lực cũng như các chính sách về vốn, máy móc, trang thiết bị cụ thể cho hợp tác xã để thực sự hướng đến lợi ích của người nông dân và thành viên của hợp tác xã.

Với những thành quả đã đạt được và những khó khăn trong phát triển hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vy, tôi xin mạnh dạn đề xuất với các cấp, các ngành một số nội dung như sau:

Thứ nhất, cần có các chính sách đặc thù nhằm khuyến khích các hợp tác xã ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là khuyến khích các hợp tác xã triển khai các giải pháp thương mại điện tử.

Thứ hai, ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho công tác đào tạo thu hút nguồn nhân lực thành thạo về công nghệ thông tin, sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số của các hợp tác xã.

Thứ ba, ban hành các chính sách hỗ trợ ưu tiên cho các hợp tác xã do phụ nữ tham gia làm chủ và hợp tác xã có nhiều thành viên là nữ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể nói chung và chuyển đổi số nói riêng.

Thứ tư, đối với hợp tác xã Lụa Vy hiện nay mong muốn đề xuất được hỗ trợ các trang thiết bị, máy móc như máy đóng trà công nghệ cao (túi kép) để nâng cấp túi lọc trà, giúp tăng năng suất sản xuất, giảm lao động thủ công để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực, có cơ hội gặp gỡ các chuyên gia để hoàn thiện nâng cấp sản phẩm.

+ Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Lê Hoa