Giữa tháng 3, ngày Đại học Brown, Mỹ, công bố kết quả trúng tuyển học bổng, Dương Hà Anh, 19 tuổi, cựu học sinh THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, hoàn thành bài tập lúc 3h sáng, sau đó đi ngủ.
Hà Anh nộp hồ sơ vào Đại học Brown, một trong tám trường nhóm Ivy League danh giá. Trong đợt tuyển sinh 2020-2021, do tỷ lệ chấp nhận thí sinh của các đại học top đầu ở Mỹ thấp chưa từng có, Hà Anh không kỳ vọng nhiều. Em không hồi hộp hay dậy sớm trong ngày công bố kết quả mà ngủ đến giữa buổi sáng hôm sau. Đến khi nhận cuộc gọi thông báo trúng tuyển từ cố vấn, cô gái choàng tỉnh.
Không dám tin, Hà Anh truy cập vào website của trường và thấy tên mình kèm dòng chữ "Congratulations!" (Chúc mừng bạn). Khi đó, hộp thư của em đã đầy ắp tin nhắn chúc mừng của bạn bè. "Em vội vàng báo tin cho mẹ. Mẹ bất ngờ đến mức hỏi đi hỏi lại "Thật hả, thật không?", Hà Anh kể.
Theo US News and World report, Đại học Brown xếp thứ 14 trong nhóm trường quốc gia tốt nhất nước Mỹ. Hà Anh được hỗ trợ học bổng trị giá 324.000 USD trong bốn năm (khoảng 7,5 tỷ đồng) gồm học phí, sách vở, tài liệu cùng vé máy bay khứ hồi. Ngoài Brown, em còn được ba đại học khác thuộc nhóm khai phóng là Wellesley (top 4), Macalester (top 25), Colorado (top 27) lần lượt trao học bổng 7, 7,2 và 6,8 tỷ đồng.
Ở Hà Nội, Hà Anh ấn tượng với trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từ nhỏ. Em định nộp hồ sơ hệ THCS của trường nhưng nhà ở Hoàn Kiếm, quãng đường đi học xa nên gia đình chưa đồng ý. Cuối cấp 2, thấy nhiều học sinh trường Ams giành học bổng du học, Hà Anh quyết tâm sẽ thi vào trường. Nữ sinh dành nhiều thời gian học Toán và tiếng Anh để chuẩn bị tốt cho kỳ thi vào lớp 10. Em đỗ vào lớp Tiếng Anh của cả ba trường THPT chuyên là Sư phạm, Ngoại ngữ và Ams, quyết định chọn Ams.
Vì định hướng du học Mỹ nên ngay khi mới vào trường, Hà Anh đã học SAT. Thi lần đầu vào học kỳ II lớp 10, em được 1520/1600 nhưng chưa hài lòng. Dành thêm 10 tháng ôn luyện, em nâng điểm số lên 1550. Muốn hồ sơ đa dạng hơn, Hà Anh đăng ký thi thêm Toán và Văn, lần lượt giành điểm 800/800 và 700/800. Giải thích về việc lựa chọn Văn trong khi đây không phải thế mạnh, Hà Anh cho rằng không nên chỉ tập trung vào những điểm mạnh của bản thân mà còn cần cải thiện những điểm chưa tốt. 700 điểm Văn SAT II khiến nữ sinh rất hài lòng.
Hết lớp 11, Hà Anh giành học bổng toàn phần, đi học United World College (UWC) hệ IB tại Trung Quốc trong hai năm. Nữ sinh đã đặt mình vào thử thách lớn vì IB là chương trình khó học nhất trong hệ thống UWC. Thời gian đầu khi mới sang nước bạn, nữ sinh bị sốc về cách học.
Khi còn ở Việt Nam, em tự nhận mình không thực sự chủ động, chỉ học những cái được giáo viên đưa ra. Tuy nhiên, cách học này không thể áp dụng với chương trình mới. "Em không ngờ mọi thứ khác như vậy, lúc đó em mới 17 tuổi, khá sốc nên điểm mấy môn đầu đều thấp", Hà Anh kể.
Sợ tình trạng điểm thấp kéo dài, nữ sinh tập trung học, đến mức bạn bè còn hỏi đùa "chuyển phòng từ ký túc xá lên thư viện rồi à?". Ngày nào em cũng dậy từ 6h30 để học và chuẩn bị bài trước khi đến lớp, dần dần điểm số được cải thiện.
Tuy nhiên, Hà Anh không gặp may. Khi bắt đầu quen với nhịp sinh hoạt và cách học, em về Việt Nam nghỉ Tết Nguyên đán 2020 và Covid-19 ập đến, buộc em khác phải học online nốt chương trình.
Hà Anh cho rằng thời gian hai năm học IB giúp em nhìn lại bản thân, hiểu vì sao mình từng thất bại và biết cách thể hiện điểm mạnh - những yếu tố hội đồng tuyển sinh Mỹ rất thích. "Hồ sơ du học Mỹ của em đẹp hơn rất nhiều nhờ hai năm ở UWC", em nói.
Mùa hè năm 2020, Hà Anh bắt đầu viết luận chính. Em không mất nhiều thời gian chọn đề tài vì đây là vấn đề em quan tâm từ trước khi đi Trung Quốc. Hà Anh thấy ở Việt Nam, nhiều người vẫn cho rằng con trai quan trọng hơn con gái, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người. Nữ sinh xây dựng bài luận như một câu chuyện, khéo léo lồng ghép những trải nghiệm đã có trong thời gian học ở Việt Nam và nước ngoài, đồng thời tự rút ra bài học cho mình. Mất ba tháng, em hoàn thành bài luận, được cố vấn góp ý, chỉnh sửa 6-7 lần.
Trong suốt thời gian ở Việt Nam và Trung Quốc, Hà Anh luôn hướng đến các hoạt động xã hội, thường đảm nhận vai trò thiết kế. Cuối cấp 2, em tự mày mò các phần mềm, sau đó tham gia trại hè và được các anh chị hỗ trợ. Đến khi vào cấp 3, Hà Anh thường đảm nhận việc thiết kế bộ nhận diện và các ấn phẩm truyền thông cho một số dự án như Model UN (mô phỏng Liên Hợp Quốc), CLEEN (môi trường), SEFY (giáo dục giới tính).
Ngoài ra, em cũng sáng lập triển lãm nghệ thuật online #STAYTHEIRNAMES về chống phân biệt chủng tộc cho học sinh trường UWC, giành giải Vàng Piano tại Festival Nghệ thuật châu Á-Thái Bình Dương 2018 và là chủ tịch câu lạc bộ âm nhạc The Classics.
Dù hồ sơ có tính thống nhất cao, hướng đến các hoạt động nghệ thuật, xã hội, Hà Anh vẫn khá chần chừ khi nộp vào Đại học Brown. "Các trường trong khối Ivy Leagues vẫn là thử thách lớn với em", nữ sinh nói. Ban đầu, em dự định ứng tuyển Đại học Williams, trường top 1 của nhóm khai phóng, nhưng sau khi được cố vấn, bạn bè động viên, nữ sinh quyết định "liều". Kết quả, cô gái được Brown tài trợ 81.000 USD mỗi năm, trong khi mức đóng góp của gia đình chỉ 5.000 USD.
Thầy Myo Min, cố vấn của Hà Anh trong quá trình làm hồ sơ du học Mỹ, ấn tượng với tính cách mạnh mẽ của em ngay trong lần đầu gặp. Dù đôi lúc không chắc chắn và thực sự tự tin về điều mình làm, Hà Anh không bao giờ lùi bước, cũng không ngại thử thách bản thân trong những lĩnh vực mới. "Thay vì nói Hà Anh may mắn vì được Brown lựa chọn, tôi nghĩ em cũng đã chọn được ngôi trường phù hợp với nghị lực, sự mạnh mẽ, cống hiến hết mình cho đam mê và cộng đồng của em", thầy Myo nói.
Sắp tới, Hà Anh sẽ học tiếng Trung để thi lấy chứng chỉ, đồng thời tự học thêm lập trình. Nữ sinh dự định theo học Hội họa và Kinh tế khi du học Mỹ, mong sau này có thể mở triển lãm tranh của riêng mình, làm chủ một lớp học vẽ đồng thời lấn sân sang các công việc thuộc mảng công nghệ.
Nhìn lại những gì đã qua, em nghĩ mình không hối tiếc hay muốn sửa chữa điều gì. "Mỗi việc xảy ra đều có lý do của nó. Thử thách hay khó khăn rồi cũng qua, em cứ tiến về phía trước thôi", Hà Anh nói.
Theo vnexpress