chn-dung-m-n-hng-y-khin-bao-ngi-si-m-mt-thi.jpg
Chân dung người đẹp Đỗ Thị Bính khiến bao người say mê một thời

 

Giai nhân Hà thành Đỗ Thị Bính sinh năm 1915, tại ngôi nhà số 37 Hàng Đẫy (phố Nguyễn Thái Học bây giờ). Bà là một trong 19 người con của nhà tư sản Đỗ Lợi, nhà thầu khoán thuộc hàng lớn nhất Hà Nội trước năm 1930 và là một trong những thành viên của dòng họ Đỗ "Bá Già" (thôn Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc).

Cụ Đỗ Lợi (1893-1961) trước năm 1945 là nhà tư sản kinh doanh ngành xây dựng và vật liệu xây dựng.

Trong 3 người con của cụ Đỗ Lợi và cụ bà Nguyễn Thị Quỹ, Đỗ Thị Bính là người con gái cả xinh đẹp nết na, là sắc nước hương trời của Hà thành thuở đó. Sinh ra trong một gia đình Hà Nội nề nếp, gia phong, lại được thụ hưởng nền giáo dục đầy đủ, vẻ đẹp ấy bao gồm đầy đủ những phẩm chất công, dung, ngôn, hạnh, sự trầm tĩnh, khôn khéo, dịu hiền mà trí tuệ. Cha mẹ một mực cưng chiều con gái, đã mượn thầy giỏi về tận nhà dạy học cho nàng.

Mặc dù là thiếu nữ có vẻ đẹp nhất nhì Hà thành khi đó nhưng người đẹp không có tính kiêu kỳ của những tiểu thư khuê các. Trái lại, bà Bính nhất mực hoà đồng, giản dị và gần gũi với mọi người.

Sinh thời, bà Bính có thói quen mặc đồ đen. Có lẽ, đó cũng là lý do để người đời gọi bà là "người đàn bà áo đen". Áo dài tay hay áo ngắn tay, cũng đều là gam màu đen sang trọng. Màu đen đã làm cho vẻ đẹp của bà Bính thêm vẻ huyền bí, tôn thêm làn da trắng và sự sang trọng, nghiêm trang của người đẹp. Thuở ấy, sắc đẹp của bà đã làm mê đắm biết bao nhiêu trái tim đắm đuối.

Trước 1930, gần phố Hàng Đẫy là khu Văn Miếu, là nơi cậu công tử Nguyễn Nhược Pháp, con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh ở. Si tình trước bóng giai nhân, Nguyễn Nhược Pháp ngày nào cũng lấy cớ đi qua nhà người đẹp. Thế nhưng, tuyệt nhiên hai người chưa một lần gặp mặt. Người đẹp Đỗ Thị Bính cũng hiểu được tình cảm đó nhưng nhà thơ đa tài, bạc mệnh đã sớm ra đi ở tuổi 24 vì căn bệnh lao.

Sau đó một năm, người đẹp lên xe hoa, kết duyên với chàng trai Bùi Tường Viên khi đó vừa mới du học bên Pháp về. Bùi Tường Viên là em trai út của Luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu thời bấy giờ. 16 tuổi, Bùi Tường Viên sang Pháp du học về ngành silicat và trở một kỹ sư. Sau đó, Bùi Tường Viên giữ vai trò Hiệu trưởng trường Mỹ nghệ Đông Dương (tiền thân của Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội).

nh-ci-ca-ngi-p-o-en-vi-ng-bi-tng-vin.jpg
Ảnh cưới của người đẹp áo đen với ông Bùi Tường Viên


Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra. Gia đình họ Đỗ và họ Bùi đều tham gia cách mạng. Theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống từ năm 1946, người đẹp Đỗ Thị Bính theo chồng tản cư lên vùng Tuyên Quang, sống những ngày tháng cả nước đều dành hết sức người, sức của cho cuộc kháng chiến của dân tộc.

Tại Tuyên Quang, người đẹp được bác sĩ Bùi Xuân Tám (em trai của họa sỹ Bùi Xuân Phái), dạy cho cách tiêm thuốc kilofooc để đối phó với bệnh sốt rét.

Mặc dù chưa một ngày được học nghề y nhưng những năm tháng tản cư,  người đẹp Đỗ Thị Bính đã cứu sống cho rất nhiều người thoát khỏi căn bệnh sốt rét hiểm nghèo. Chính những năm tháng chiến tranh, trong điều kiện thiếu thốn vật chất đủ bề, mặc dù tuổi thơ được sống trong nhung lụa nhưng người đẹp Đỗ Thị Bính đã nhanh chóng thích nghi, đảm đương vai trò thay chồng dạy dỗ các con nên người, bởi ông Bùi Tường Viên khi đó phải xa nhà tham gia cách mạng.

1.jpg
Khác với số phận truân chuyên của nhiều người đẹp khác, bà có cuộc sống êm đềm cho đến khi qua đời

 

Khi hoà bình lập lại, trở về Hà Nội, bà Bính lại cùng chồng, con sống cuộc sống bình thường trong một ngôi nhà giản dị. Bà tích cực tham gia phong trào bình dân học vụ, chống giặc dốt. Từ đó cho đến khi về hưu, bà công tác tại Phòng Giáo dục khu Hai Bà Trưng.

Năm 1992, người đẹp Đỗ Thị Bính qua đời, hưởng thọ 77 tuổi. Bà đã cùng chồng đi qua cuộc chiến tranh, sống cuộc sống hạnh phúc, bình dị như biết bao người Hà Nội khác.

Phụ nữ Việt Nam