Ký ức tuổi thơ là nguồn cảm hứng để sáng tác những bức tranh đồng quê 

Sinh ra từ miền quê nghèo khó, cũng như bao người khác, chị Phan Mơ (hiện nay đã 32 tuổi), quê ở tỉnh Thanh Hóa mang ước mơ lên thủ đô và theo học chuyên ngành thiết kế nội thất. Sau khi tốt nghiệp, chị bám trụ nơi phố thị và làm đủ mọi công việc để trang trải cuộc sống.

Mê mẩn với những bức tranh đẹp như thật của nữ ‘họa sĩ đồng quê’ - Ảnh 1.

Chị Phan Mơ là tác giả những bức tranh đồng quê chân thực

THẢO PHƯƠNG

Chị Mơ nhớ lại: "Tôi từng làm nhân viên văn phòng, biên tập website, bán hàng online… Cuộc sống tạm ổn, nhưng biến cố ập đến khi con tôi bị bỏng nặng lúc mới 8 tháng tuổi. Thời điểm đó tôi phải nghỉ việc để đưa con đi chữa trị, những áp lực đè lên vai khiến tôi mệt mỏi nên quyết định quay về quê để tìm một góc yên bình".

Mê mẩn với những bức tranh đẹp như thật của nữ ‘họa sĩ đồng quê’ - Ảnh 2.

Từ việc sẽ tranh để quên đi muộn phiền đến những tác phẩm đẹp như ảnh chụp

NVCC

Thời gian đầu mới về quê chị Mơ gặp nhiều khó khăn vì nhà ở cách xa phố thị, con nhỏ đi học xa xôi, bản thân lại chưa có việc làm ổn định. Nhưng không để cuộc sống rơi vào bế tắc, lúc này chị tìm lại niềm đam mê thuở xưa và bắt đầu cầm cọ vẽ tranh. 

Chị Mơ kể: "Từ nhỏ tôi đã rất thích vẽ, ban đầu làm bạn với cây cọ, màu vẽ chỉ để quên đi phiền muộn. Bức tranh sáng tác đầu tiên chỉ mất 3 ngày hoàn thiện vì cảm xúc đến từ cảnh bờ kênh trong ký ức xưa cùng với cây cỏ mình thấy hàng ngày sau cánh đồng gần nhà".

Chính những cảnh vật thân thuộc xung quanh và ký ức tuổi thơ đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận để chị Mơ sáng tác, mỗi bức tranh đều gắn với một câu chuyện đáng nhớ. "Mình thích nhất là lúc vẽ bức "Nắng nhẹ bên dòng kênh", bối cảnh ngay đầu làng của nhà bác trưởng thôn. Lúc đăng lên người thân lối xóm nhận ra rồi nhắn hỏi thăm rất nhiều. Họ không ngờ cảnh hàng ngày mình đi qua khi lên tranh lại đẹp đến như vậy", chị Mơ tâm sự.

Mê mẩn với những bức tranh đẹp như thật của nữ ‘họa sĩ đồng quê’ - Ảnh 3.

Tác phẩm "Con kênh tuổi thơ" là bức tranh đầu tay của nữ họa sĩ

NVCC

Vì chọn trường phái hiện thực và những vấn đề có thực của con người làm đối tượng sáng tác nên lúc nào chị Mơ cũng có đầy ý tưởng. Thông qua mỗi nét vẽ, nữ họa sĩ 9X mong muốn đem tới những bức tranh chân thực, sống động, gần gũi về cuộc sống, xã hội xung quanh. "Tình yêu quê hương đất nước từ những vẻ đẹp bình dị thân thương là thông điệp tôi muốn gửi gắm qua các tác phẩm. Để mỗi người ngắm tranh đều thấy tâm hồn mình như được trở về với chốn quê yên bình", chị Mơ nói.

Những bức tranh lột tả vẻ đẹp bình dị của làng quê Việt Nam

NVCC

Từng mua tranh của chị Mơ, anh Trần Văn Dũng, ở Hà Nội chia sẻ: "Tôi mua bức tranh "Giấc mơ trưa" vì tôi thấy có một phần tâm hồn mình trong tranh. Tranh của Phan Mơ thường gợi lên một nỗi nhớ hanh hao về một miền ký ức mà mỗi người đã trải qua nhất là đối với thế hệ 8X trở về trước. Những buổi trưa hè trốn nhà đi tắm sông, chơi các trò chơi dân gian… Ngoài ra tranh của Mơ miêu tả một cách chân thực, sắc từng đường nét gốc chuối, bờ tre của vạt nắng hè oi ả. Tôi còn yêu tranh của Mơ vì một người hoạ sĩ trẻ có tâm hồn đẹp và trong sáng, phải có tình yêu sâu nặng với quê hương, với nhà quê mới có thể vẽ được nét vẽ chân thực đến vậy".

Mê mẩn với những bức tranh đẹp như thật của nữ ‘họa sĩ đồng quê’ - Ảnh 5.

Bức tranh "Giấc mơ trưa" được anh Dũng đặt mua

NVCC

Bức tranh đầu tiên đã được "du hành" sang Pháp 

Sau hơn 5 năm cầm cọ, những bức tranh với nét vẽ gần gũi, mộc mạc của nữ họa sĩ 9X ngày càng được nhiều người biết đến và yêu thích. Tranh của chị được tham gia triển lãm, có hội nhóm hơn 5.000 người yêu vẽ tranh, hàng trăm học viên và sự lan tỏa tranh tới hàng ngàn người trên các diễn đàn, chị còn sáng tác tranh để quyên góp từ thiện…

Những  bức tranh phong cảnh làng quê chân thực của chị Mơ không chỉ được người Việt yêu mến mà ngay cả người nước ngoài cũng rất thích thú. "Một ngày đẹp trời năm 30 tuổi, bức tranh đầu tiên mang tên: "Cái ao nhỏ" của tôi được du hành sang Pháp khi được một nhà sưu tầm tranh ở Pháp đặt mua. Sau đó là hàng loạt các tác phẩm vẽ về chủ đề quê hương đã được cộng đồng yêu hội họa trong nước và ngoài nước yêu mến. Trên các diễn đàn, tranh quê của tôi được hàng ngàn lượt quan tâm chia sẻ", chị Mơ kể.

Mê mẩn với những bức tranh đẹp như thật của nữ ‘họa sĩ đồng quê’ - Ảnh 7.

Bức tranh "Cái ao nhỏ" của Phan Mơ được một nhà sưu tầm tranh ở Pháp đặt mua

NVCC

Sinh ra và lớn lên từ miền quê, ký ức về ngọn cỏ bờ đê, góc ao trưa hè, bụi chuối con kênh, thuyền nan, dòng sông uốn lượn… in đậm trong tâm trí người "họa sĩ đồng quê". Vì vậy, khi góp phần quảng bá những hình ảnh của quê hương đến với bạn bè quốc tế chị Mơ rất tự hào.

Nữ họa sĩ chia sẻ: "Là hoạ sĩ ai cũng mong muốn mình được khẳng định tên tuổi, có người tạo tiếng vang trong tầng lớp thượng lưu, có người hoạt động nổi bật trong giới chuyên môn, có người chỉ vẽ những tác phẩm độc lạ khác biệt... Nhưng sáng tác của tôi hướng đến cộng đồng và mong muốn ai cũng có thể xem tranh, cảm nhận tình cảm gửi gắm trong bức tranh".

Mê mẩn với những bức tranh đẹp như thật của nữ ‘họa sĩ đồng quê’ - Ảnh 8.

Nữ "họa sĩ đồng quê" mong muốn đưa bức tranh làng quê Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế

NVCC

Không chỉ thỏa mãn niềm đam mê của cá nhân, chị Mơ còn truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Tận dụng mạng xã hội, chị thành lập một hội nhóm trên Facebook để chia sẻ miễn phí những kiến thức về vẽ tranh. "Theo dõi hoạt động trực tuyến, nhiều người tìm đến tận vùng quê xa xôi nơi tôi sinh sống để học vẽ tranh. Tôi cũng kết hợp dạy trực tuyến cho học viên ở khắp các tỉnh thành, trong đó có rất nhiều người ở nước ngoài. Đó là kết quả tôi đã nỗ lực ứng dụng công nghệ trong xu hướng giáo dục 4.0 để xóa bỏ rào cản khoảng cách địa lý. Việc chuyển đổi linh hoạt giữa làm việc cá nhân, tập thể, dành thời gian để chia sẻ cho người khác khiến tôi cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn", nữ họa sĩ cho hay.

Mê mẩn với những bức tranh đẹp như thật của nữ ‘họa sĩ đồng quê’ - Ảnh 9.

Lớp học vẽ tranh tại nhà của chị Mơ

NVCC

Nhờ vậy, chị Mơ thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, cuộc sống dần tốt hơn. Là một người nghệ sĩ, chị luôn mang tất cả tâm huyết, tình yêu mà mình có dành cho tác phẩm của chính mình. "Sáng tác là công việc mang tính ngẫu hứng, thiên về cảm xúc, giá trị của bức tranh cũng tăng dần theo thời gian khi mà bối cảnh ngày càng mai một khiến bức tranh trở nên độc nhất nên việc vẽ sáng tác không có thước đo cụ thể. Nhất là khi vẽ thả hồn vào tranh đâu có màng tới điều gì khác", chị Mơ nói.

Sắp tới, chị Mơ mong muốn kết hợp giữa video với sáng tác tranh đồng quê và đi nhiều nơi khắp đất nước Việt Nam để lan tỏa nhiều hơn nữa vẻ đẹp quê hương.

Theo Thanh niên