Những ngày cuối tháng 7, khi cả nước hướng về kỷ niệm 76 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023), bà Vũ Thị Lui (thường gọi Vũ Lưu Liên, 77 tuổi, trú P.Hà Cầu, Q.Hà Đông, Hà Nội) có cảm xúc thật đặc biệt.
Giống như mọi ngày, bà Liên chuẩn bị 3 chén trà, 3 ly cà phê, 3 điếu thuốc thắp hương tưởng nhớ người yêu là liệt sĩ Trần Minh Tiến tại phòng thờ của căn nhà. Trà, cà phê, thuốc lá đều là những thứ mà liệt sĩ Tiến rất thích sử dụng từ khi tham gia chiến đấu chống chống Mỹ cứu nước.
Trước khi đến với người chồng hiện tại là ông Nguyễn Doãn Hùng (80 tuổi), bà Liên và liệt sĩ Tiến từng có một tình yêu đẹp, vượt qua "mưa bom bão đạn". Hơn nửa thế kỷ trôi qua, kể từ khi người yêu hy sinh, bà Liên luôn trân trọng và nâng niu từng bức thư, kỷ vật của người lính Cụ Hồ.
Tình yêu thời chiến
Trong câu chuyện với phóng viên, bà Liên chia sẻ, hiện bà đang lưu giữ 109 lá thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến viết gửi cho mình trong thời gian từ năm 1965 - 1968. Ngoài ra, còn có thêm 5 lá thư của bà viết và gửi cho liệt sĩ Trần Minh Tiến. Những lá thư đều được mở đầu bằng: "Em thương nhớ!", "Lưu Liên em yêu", "Em thương yêu…" chất chứa bao nỗi niềm tình cảm.
Thời gian trôi qua, những lá thư đã nhuốm màu thời gian, song những ký ức về một tình yêu đẹp thời chiến chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí bà.
Những lá thư nhuốm màu thời gian
Bà Liên kể, liệt sĩ Tiến sinh ra trong một gia đình nghèo tại TX.Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ). Bà Liên ít hơn ông Tiến 1 tuổi, là tiểu thư khuê các. Bà vừa thông minh, xinh đẹp, lại múa giỏi và hát hay. Hai nhà cách nhau không xa.
Lớn lên, bà Liên học trên tỉnh còn ông Tiến học ở trường làng. Trên đường đi học về, cả hai thường chạm mặt nhau. Từ đây, ông Tiến bắt đầu thầm thương trộm nhớ bà. Thời gian sau, cả hai người học chung một lớp ở Trường cấp 2 Hà Cầu (nay là Trường THCS Lê Hồng Phong thuộc P.Hà Cầu), ông Tiến vẫn mến bà nhưng không dám thổ lộ vì hoàn cảnh gia đình.
Năm 1963, ông Tiến nhập ngũ tại Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, đóng quân ở H.Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Lúc đó, ông mới ngỏ lời yêu với bà Liên. "Đêm trung thu năm đó, anh ấy mới tỏ tình với tôi", bà Liên nhớ lại.
Thời điểm ông Tiến nhập ngũ, bà Liên làm kế toán trong Xí nghiệp ươm tơ Hoài Đức. Trong tình yêu, bà Liên luôn trung thực, nếu có ai theo đuổi, bà đều kể lại với ông Tiến, để người yêu đang đóng quân yên tâm công tác.
Những ngày về phép, ông Tiến gặp người yêu nhưng không dám nắm tay. Đó là mối tình rất trong sáng, như cách ông đã chia sẻ trong 109 lá thư được viết còn sót lại trong thời gian yêu nhau đến khi hy sinh vì Tổ quốc.
"Anh ấy hy sinh vào mùa dưa bở"
"Gần 5 năm từ lúc nhận lời yêu, chúng tôi chỉ gặp nhau không quá 20 lần. Tình yêu của chúng tôi có nhiều cung bậc cảm xúc, có cả lý tưởng, triết lý sống của thế hệ thanh niên trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại", bà Liên nhớ lại và cho biết, ngày 21.1.1968, bà lên đơn vị thăm ông Tiến và cả hai quyết định ngày cưới. Lúc này, ông Tiến nói bà chờ hết tháng 3.1968, nếu không có gì thay đổi sẽ về quê tổ chức. Khi về nhà, bà đã chuẩn bị những gì cần thiết nhưng lễ cưới lại không thể diễn ra do ông Tiến phải hành quân vào chiến trường miền Nam (đi B).
Ông Tiến đi B nhưng không viết thư cho bà Liên khiến bà giận dỗi không gặp mặt khi ông tranh thủ khi hành quân đi qua nơi làm việc của bà Liên. Sau đó, khi được mọi người giải thích, bà Liên mới hối hận nghẹn ngào, cuộc gặp cũng chỉ diễn ra được trong thời gian ngắn.
Trong cuộc nói chuyện ngắn ngủi đó, ông Tiến tâm sự "5 năm nay, anh chưa được ăn một quả dưa bở nào, em xem nhờ ai mua cho anh quả dưa bở anh ăn". Nghe xong, bà Liên liền nhờ bạn đi mua hộ nhưng dưa chưa đến mùa….
Những kỷ vật mà liệt sĩ Tiến để lại
"Anh ấy hy sinh đúng vào mùa dưa bở. Cứ đến mùa dưa bở, tôi đều đặt lên bàn thờ thắp hương", bà xúc động nói.
Trước khi hy sinh, liệt sĩ Tiến đã tặng người yêu một chiếc áo bộ đội và một chiếc nhẫn có hình hai trái tim lồng vào nhau thay cho vật đính ước, được làm từ xác máy bay Mỹ rơi ở Vĩnh Phúc, cùng những lá thư và cuốn nhật ký được viết vào thời gian trước khi đi B. Bà Liên cũng tặng liệt sĩ Tiến chiếc khăn tay có hình bông hồng màu tím và tên của mình.
"Nhận khăn, anh ấy nói rằng nếu tôi nhận được chiếc khăn tay do người khác trao lại, nghĩa là anh ấy đã hy sinh, tôi ở nhà hãy đi lấy chồng. Còn cuốn nhật ký và những tấm ảnh thì giữ lại cho anh, để mai này anh không trở về, bố mẹ còn nhìn thấy anh", bà Liên nói.
Ngày 31.5.1968, liệt sĩ Trần Minh Tiến hy sinh tại mặt trận Khe Sanh (Quảng Trị) sau một trận đánh ác liệt. Nhận được tin buồn và giấy báo tử của người yêu, bà Liên khủng hoảng tinh thần như phát điên. Đã có lúc bà định đem cuốn nhật ký và những kỷ vật khác ra đốt, thế nhưng có điều gì đó mách bảo khiến bà không làm việc dại dột này.
Băng rừng, lội suối tìm hài cốt người yêu
Ông Nguyễn Doãn Hùng đã đến với bà Liên, vì đồng cảm với mối tình chân thành, muốn bù đắp cho bà, nhưng bà từ chối. Bà kể một đêm nọ, liệt sĩ Tiến về báo mộng, khuyên bà hãy lấy ông Hùng làm chồng thì mới yên tâm ra đi. Bà Liên miễn cưỡng đồng ý và đám cưới của bà diễn ra vào cuối năm 1969.
Dù đã lấy chồng nhưng bà Liên vẫn luôn dành hết tình cảm cho liệt sĩ Trần Minh Tiến. Bà hứa với chồng sẽ là một người vợ tốt, một người mẹ tốt và chỉ có một yêu cầu, hòa bình sẽ đi tìm hài cốt liệt sĩ Trần Minh Tiến bằng bất cứ giá nào.
Ông Hùng yêu thương bà Liên và rất trân trọng quá khứ của vợ. Cuối năm 1971, miền Bắc bị lụt, cả gia đình phải sơ tán về Quốc Oai. Trong lúc lo chạy nước lũ, ông Hùng đã bỏ lại nhiều tài sản quý giá và chỉ mang theo chiếc va li đựng kỷ vật như thư, nhật ký, ảnh của liệt sĩ Trần Minh Tiến về cho vợ.
Gặp chồng, bà Liên ngạc nhiên hỏi: "Sao anh không mang đài và quạt, là tài sản đắt tiền hơn?". "Những thứ đó trôi mất thì còn sắm được, còn kỷ vật của liệt sĩ mà lỡ mất, thì em sẽ hận anh suốt đời", ông Hùng đáp khiến bà Liên ôm chầm lấy chồng bật khóc. Từ giờ phút đó, bà đã hiểu ra tình cảm của ông Hùng dành cho mình to lớn như thế nào. Sau đó, cuộc sống gia đình bà rất hạnh phúc. Vợ chồng bà Liên sinh được 3 người con, 1 con gái đầu và 2 con trai, cả 3 đã trưởng thành và thành đạt.
Từ năm 2000 khi các con đã trưởng thành, bà Liên bắt đầu đi tìm mộ của liệt sĩ Trần Minh Tiến ở Quảng Trị. Sau 8 năm, qua vài chục lần băng rừng, vượt núi, cuối cùng bà Liên đã tìm thấy nơi liệt sĩ Tiến hy sinh và đưa hài cốt của ông về an táng tại nghĩa trang Đường 9 (TP.Đông Hà, Quảng Trị).
Hàng năm, gia đình bà đều vào nghĩa trang Đường 9 để thắp hương cho liệt sĩ Trần Minh Tiến. Ngoài ra, bất cứ công việc trọng đại hay dự định gì, các con bà cũng đều dâng hương "xin ý kiến" của liệt sĩ bởi họ đã coi liệt sĩ Tiến là người thân trong gia đình.
Theo Thanh niên