Xinh đẹp, học giỏi, ném tạ siêu

Nhớ lại những tháng ngày học dưới mái trường Trưng Vương những năm 1948 - 1952, cô Nguyễn Hạc Đạm Thư (hiện sống ở TP.HCM) như được sống lại cuộc đời học sinh tươi đẹp. Dù sống giữa bom rơi đạn lạc của chiến tranh, mái trường vẫn luôn cho cô những thời khắc đáng nhớ nhất khi vừa được học, vừa được tích cực rèn luyện thân thể, hoạt động ngoại khóa… đầy khí thế.

untitled-1-copydamthu17tuoi.JPG
Chân dung của nữ sinh Đạm Thư khi cô vừa tốt nghiệp trường Trưng Vương vào năm 1952. Ảnh NVCC

“Hồi ấy quy định từ thời Pháp thuộc nên trường học của nữ riêng, nam riêng. Trưng Vương là ngôi trường nữ sinh duy nhất ở miền Bắc, mãi đến năm 1958 mới có những nam sinh đầu tiên theo học. Nhưng nữ giới chúng tôi vẫn hoạt động thể dục thể thao sôi nổi không kém nam giới đâu!” - cô cười khi kể lại quá khứ.

Bản thân cô, không chỉ học thật siêu, mà còn đi đầu trong phong trào thể dục thể thao của trường. Năm cuối học ở trường, cô Thư được cử đi thi ném tạ và chạy điền kinh xung quanh sân vận động Hàng Đẫy... và có giải hẳn hoi.

“Bạn tôi học Việt Đức thời đó, cho chạy vòng qua hàng Bông, rồi Thợ Nhuộm trong cuộc thi điền kinh, có bạn còn xin… nhảy lên xe đạp để “ăn gian” vì chạy không nổi. Nữ sinh Trưng Vương thời ấy nổi lắm, vì rất cừ, môn thể thao nào của nam giới cũng tham gia đầy đủ!”- cô Thư kể.

Đi học để bình đẳng với nam giới

Tinh thần ấy còn được thể hiện rất rõ bởi truyền thống quật khởi của Hai Bà Trưng năm xưa. Đến nỗi mà cứ đến ngày hội Hai Bà Trưng hàng năm, cô Thư cùng bạn bè còn xin nhà trường được đến đền Hai Bà Trưng để rước cờ và hát khúc Hiệu Đoàn ca.

“Mọi sinh hoạt luôn gắn với tinh thần yêu nước. Nữ sinh chúng tôi 14, 15 tuổi khi vào đoàn thanh niên đã hăng hái tham gia chống văn hóa nô dịch, văn hóa ngoại lai, những bộ phim không đúng thuần phong mỹ tục… Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chúng tôi đã khẳng định rằng, phụ nữ có quyền được đi học như nam giới, luôn cần phải học để vươn lên bình đẳng với nam giới. Dù có phải nỗ lực cố gắng gấp 3 lần so với cánh con trai, tụi tôi cũng không quản ngại khó khăn!”.

Sự nỗ lực mà cô Đạm Thư nhấn mạnh, đúng là phải gấp đôi, gấp ba so với nam giới khi nữ sinh thời ấy phải vượt qua rào cản và lốii suy nghĩ rằng, phụ nữ thường thấp kém hơn so với nam giới, học hành không thể thành tài.

“Con gái ở nhà giúp việc nhà trong khi con trai tự do học hành, không phải làm gì. Thành ra chúng tôi rất thiệt thòi, ít thời gian học hơn nên phải luôn học hành nghiêm chỉnh, tận dụng tối đa thời gian học tập ở lớp. Chính vì vậy, những ai muốn học tử tế và không thua kém bạn thì phải ngồi bàn đầu. Thời tôi, ai ngồi bàn đầu đều là học sinh giỏi cả!”- cô Đạm Thư hồi tưởng.

Với chí khí ấy, sau năm 1954, rất nhiều bạn bè của cô Thư là nữ sinh Trưng Vương đã mạnh dạn tham gia học các ngành vốn chỉ gắn với nam giới như ngành điện, thủy lợi, cơ khí…

“Đã có những người trở thành giám đốc, làm việc hăng say ở những vùng thăm dò mỏ địa chất, đi tìm đá quý… Sau này đi dạy học, tôi dạy ngành lâm nghiệp cũng lặn lội đi rừng, đưa học sinh đi thực tập mà không hề thấy sợ hãi chút nào! Chúng tôi đã chứng minh được rằng, không việc nào của cánh mày râu là chúng tôi không làm được, thậm chí làm rất tốt!” - cô Thư nói.

ngo-bao-chau.jpg
Giáo sư Ngô Bảo Châu trò chuyện với các em học sinh trường THCS Trưng Vương trong lần Giáo sư về thăm trường cũ trước thềm kỉ niệm 100 năm thành lập.

 

Tự hào là nữ sinh Trưng Vương

Những ngày thu Hà Nội 2017, những ngày rộn ràng trước lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường THCS Trưng Vương, tôi có dịp vào thăm ngôi trường cổ kính ven Hồ Gươm, gặp những gương mặt nữ sinh tươi vui, hào hứng khi trường sắp đạt dấu mốc đáng nhớ 100 năm.

Lê Vũ Minh Hà, lớp 8K1 - nữ sinh của trường chia sẻ, 3 năm được học ở trường, em luôn thấy vui vẻ, thầy cô nhiệt tình chỉ bảo và bạn bè rất hòa thuận.

“Chúng em luôn được nhắc nhớ về truyền thống Hai Bà Trưng, về những gương nữ sinh thời kỳ đầu thành lập trường, vươn lên khẳng định bản lĩnh. Chỉ nghĩ thế thôi là đã thấy vô cùng tự hào, vì mình cũng là nữ giới. Tự hào và quyết tâm học thật tốt để giữ vững truyền thống của trường”- Minh Hà chia sẻ.

Hơn 30 năm giảng dạy ở trường (1970 - 2000), trước khi trở thành Hiệu trưởng, Nhà giáo ưu tú Vũ Hữu Định còn có quãng thời gian dài là tổng phụ trách đội thiếu niên tiền phong. Nhắc đến nữ sinh thời ấy, thầy rất tự hào. “Các em luôn thể hiện sự toàn diện trong phấn đấu, ngoan ngoãn, sôi nổi, vừa học giỏi vừa chơi thể thao, làm thợ mộc cũng giỏi. Rất nhiều gương nữ giới đoạt giải cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế” - thầy hồi tưởng lại.

Theo thầy Định, đặc biệt từ sau 1954, trường Trưng Vương có rất nhiều thành tích nổi bật như lao động hăng say đúc gang, đi gặt lúa, có những năm đội bóng chuyền nữ của trường “nổi như cồn” khắp thành phố…

23433114_10214394478160902_774554002_o.jpg
Minh Hà (bên trái) luôn tự hào là nữ sinh của ngôi trường có bề dày truyền thống. Ảnh: D.H

 

“Niềm tự hào hào lớn nhất của tôi về các thế hệ học sinh của trường chính là là lòng yêu nước. Trong kháng chiến chống Pháp thì nữ sinh Đồng Khánh - Trưng Vương đã tham gia kháng chiến như in tài liệu mật, giải truyền đơn, in tờ báo Nhựa sống để tuyên truyền cách mạng, kháng chiến. Hòa bình lập lại, các em tích cực học tốt để đi ngành nghề, khẳng định vị thế của mình không thua kém nam giới. Các em luôn vươn lên, khẳng định rằng mình hoàn toàn bình đẳng với nam giới” - thầy Định nhấn mạnh.

* Trường nữ sinh Đồng Khánh được thành lập năm 1917 tạiHà Nội. Trước năm 1945, trường là cơ sở đào tạo dành riêng cho nữ giới. Từ sau năm 1958 trường bắt đầu đào tạo chung cho cả nam và nữ sinh. Năm 1948, trường đổi tên thành trường Trưng Vương. Đây là cái nôi đào tạo nhiều tài năng Toán học của Việt Nam như GS Hoàng Xuân Sính (nữ tiến sĩ khoa học ngành Toán đầu tiên của Việt Nam), Hoàng Lê Minh (học sinh Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế), GS Ngô Bảo Châu với giải thưởng FIELD danh giá về Toán học…

Theo phunuvietnam.vn