Từng làm việc hơn sáu năm ở vị trí điều dưỡng tại các bệnh viện, chị Nguyễn Thị Nhớ Hoài, 27 tuổi đã đến với chạy bộ từ năm 2019 với suy nghĩ chống lại sinh hoạt nhàm chán của mình thường ngày. Nhớ Hoài tâm sự không biết từ bao giờ cuộc sống của chị chỉ dừng lại ở công việc và những nỗi lo thường ngày, điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý trong thời điểm đó.
“Vậy là tôi nghĩ đến vận động, làm một cái gì đó cho cơ thể vui vẻ và khỏe mạnh lên. Nhiều người hỏi tôi là nữ sao không chọn gym, yoga… nhưng tôi là người không thích sự lệ thuộc, vì nếu tập gym có hiệu quả cần thuê PT và phụ thuộc vào máy móc thiết bị. Thế là tôi nghĩ đến chạy bộ, chỉ cần xỏ giày vào là chạy thôi”, chị tâm sự.
Theo chị Hoài, những cây số đầu tiên của chị chỉ là vài con số nhỏ lẻ, cho đến giờ đã lên hàng chục hay hàng trăm ki lô mét. Chị đến với chạy bộ, cụ thể là chạy trail vì yêu thích sự tự do, muốn tận hưởng không khí ngoài trời hơn là không khí điều hòa trong phòng.
Chị cho rằng chạy trail khác với chạy đường nhựa ở chỗ người tập sẽ không biết phía trước mình có gì và hơn hết là khung cảnh đường núi rất đẹp. Chính những chuyến chạy xuyên rừng đã làm chị mê mẩn khung cảnh đó, và giờ nó đã trở thành trải nghiệm, sở thích đi núi Dinh ở Vũng Tàu tập luyện vào mỗi cuối tuần.
Chị cho hay mình từng cắm trại một mình trên núi Dinh và thực hiện các bài tập chạy lên đến hàng chục ki lô mét. Nghĩ lại quyết định có phần liều lĩnh, chị nhẹ nhàng nói “Tôi cũng không hiểu sao mình lại cảm thấy bình thường và có ý định đi một mình như vậy, thực tế có rất nhiều runners chạy trên núi nhưng họ luôn có đồng đội, riêng tôi lại thích cảm giác tự trải nghiệm và khám phá mọi thứ một mình.
“Nhiều người nhìn bảo thật khó tin, nhưng tôi đã vượt qua và giờ trở nên nhớ, cứ mỗi tháng tôi sẽ dành khoảng 2-3 lần đi núi và tập chạy địa hình”, chị cho biết thêm.
Những lần cắm trại đầu tiên, chị tham khảo sự chuẩn bị từ những người có kinh nghiệm và thực hiện cho chuyến đi của mình. Chị tâm sự chạy trail không chỉ cho người tập sức khỏe mà còn là kỹ năng sinh tồn, cũng như biết cách lắng nghe cơ thể của mình ở địa hình hiểm trở không người. Cụ thể, đó là cách sơ cứu khi gặp chấn thương, giữ nhiệt, giữ nước cho cơ thể, tìm đường, tránh bị lạc hay nhận biết nguy hiểm xung quanh.
Chị chia sẻ “Tôi nhớ những lần chạy đầu tôi rất sợ thú dữ, sau đấy lại nghĩ những cái đó không có thật, chuyển sang sợ người hơn và bẫy thú của người dân đi núi. Tôi cũng tìm cách khác an toàn hơn khi tập chạy ở núi Dinh, đó là làm quen với một nhà dân ở dưới chân núi, vậy là sau khi tập chạy cả ngày trên núi, tôi sẽ xin ngủ nhờ tại nhà cô qua đêm thay vì dựng trại một mình”.
“Tôi yêu cơ thể đô con của mình”
Sau chạy bộ, chị Nhớ Hoài từng nhiều lần tham gia thi đấu và tập thêm các môn chơi khác như ba môn phối hợp bơi-đạp-chạy, đá bóng, và gần đây là môn thể thao crossfit (thể thao kết hợp sức mạnh). Chị cho biết trong bất kể bộ môn nào, chị luôn chú trọng sự kiên trì và luôn nỗ lực để vượt qua chính mình. Chị chọn lựa cân đối các môn thể thao sức bền kết hợp với sức mạnh giúp tái tạo lại nguồn năng lượng tích cực sau mỗi giờ làm việc căng thằng.
Chị Hoài quan niệm chỉ khi mình vui vẻ, bản thân mới có thể giúp đỡ và lan tỏa điều tốt đẹp cho người khác. Dù cường độ tập luyện khá cao đến mức nhức mỏi nhưng chị lại yêu thích cảm giác đó, nhưng vì vậy mà chị cũng thường xuyên nhận lấy những lời nhận xét không hay.
“Có vài người bảo con gái làm gì tập dữ vậy, thấy nâng tạ, chạy kiệt sức mình như con trai để làm gì. Lúc đó tôi cũng chỉ cười và giải thích rằng mình yêu thích vóc dáng của bản thân hiện tại, nhìn đô con và khỏe khoắn”, chị nói.
Tôi không cố trở nên hoàn hảo để diện một bộ bikini thật đẹp vì tôi quan trọng sức khỏe, vẻ đẹp bên trong. Đó là lối sống của mình nên tôi cứ duy trì thôi, chị cười nói.
Được biết, hiện tại chị đã chuyển hướng sang công việc chăm và dạy trẻ nhỏ tận nhà khoảng gần một năm nay. Bằng kiến thức y khoa và thể thao, chị cho hay mình rất quan tâm đến đời sống tinh thần và thể chất của từng trẻ nhỏ. Chị quan niệm dù ở bất kỳ vị trí nào, chị luôn muốn giúp đỡ bệnh nhân, phụ huynh và các bé của mình hiểu được vấn đề tận gốc nằm ở lối sống để giúp họ có thể trạng tốt nhất, hạn chế bệnh mạn tính và bắt đầu với thể thao cải thiện sức khỏe.
“Tôi chơi thể thao không chuyên, cũng không quan trọng con số hay thành tích, chủ yếu là niềm vui mình tận hưởng mỗi ngày với những người cùng tần số. Tôi cũng hy vọng rằng ngày sẽ có càng nhiều người nhận ra thể thao quan trọng và họ sẽ học cách yêu thương bản thân từ những điều bên trong và trau dồi từ đó”, chị tâm sự.
Theo sgtiepthi.vn