Lần đầu tiên xuất hiện tại chương trình Trạm yêu thương, chị Lê Thị Mỹ Bình không khỏi ngượng ngùng và có chút rụt rè. Những câu hỏi "phá băng" của chương trình ngay lập tức giúp chị Bình tự tin trở lại và giúp khán giả có thêm thông tin về nữ họa sĩ 8X này.

Nữ họa sĩ khuyết tật vẽ cuộc đời bằng sự lạc quan - Ảnh 1.

Hành trình vượt lên nghịch cảnh của nữ họa sĩ khuyết tật 8X quê Yên Bái sẽ được kể lại trong chương trình Trạm yêu thương chủ đề “Nụ cười tỏa nắng”, lên sóng lúc 10 giờ thứ bảy ngày 29.7 trên kênh VTV1

VTV

Lê Thị Mỹ Bình không may mắn khi năm 12 tuổi mới phát hiện mình bị mắc bệnh hiểm nghèo viêm tủy cắt ngang, dẫn đến bị liệt hai chân. Kể từ đó, cuộc đời cô gái 8X gắn liền với những vòng quay của chiếc xe lăn.

Từ một người năng động và có phần tinh nghịch, giờ đây phải ngồi một chỗ khiến cô bé Bình không khỏi khó chịu và mặc cảm về bản thân. "Lúc đầu, mình còn cố gắng làm quen, nhưng sau thấy bạn bè đến trường đi học, còn mình gắn với 4 bức tường, khi ấy mới nghĩ về tương lai. Bao ước mơ, hoài bão như đổ sập trước mắt mình", chị Bình chia sẻ.

Nỗi buồn ấy cứ lớn dần theo số tuổi của chị Bình, cho đến một ngày, chị nghĩ mình cần phải làm điều gì đó, cần phải làm một công việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống, đỡ đần gánh nặng trên vai mẹ. "Vì ngồi một chỗ nên mình rất nhiều thời gian. Bố mình làm công việc vẽ thuê, hồi nhỏ mình hay phụ bố cắt biển quảng cáo, trang trí đám cưới. Lúc đó, mình đã nghĩ đến việc vẽ tranh", chị Bình tâm sự.

Trong một lần tình cờ lên mạng xã hội, thấy những người khuyết tật vẫn có thể trở thành họa sĩ, chị Bình đã quyết tâm theo đuổi công việc này. Qua phóng sự của Trạm yêu thương, khán giả có cơ hội được mục sở thị xưởng tranh của chị Bình với giá vẽ đơn sơ, bộ màu nước xếp gọn gàng cùng dàn máy vi tính là gia tài lớn đối với chị.

Chúng giúp chị đeo đuổi đam mê và giao lưu với thế giới bên ngoài. Trong căn nhà cấp 4 không có nhiều đồ đạc giá trị mà treo đầy tranh từ khi chị bắt đầu tập vẽ.

Những bức tranh kể về niềm vui, khát khao và cả những cơn "bão lòng" của nữ họa sĩ khuyết tật. Chính niềm đam mê hội họa đã giúp chị có thêm động lực trong cuộc sống.

Năm 2013, được một người bạn rủ tham gia triển lãm hội họa ở Huế, chị Bình đã quyết tâm ra khỏi lũy tre làng. Lần đầu tiên, hai mẹ con khăn gói đi vào Huế. Đó cũng là lần đầu tiên chị Bình được gặp gỡ những người họa sĩ, được biết về sơn dầu và các loại màu vẽ khác nhau.

"Mình không có điều kiện mua bút, mình dùng ngón tay để vẽ, không có nhiều màu thì mình pha màu để cho ra những gam màu mình mong muốn. Tất cả mọi việc đều có thể giải quyết, tùy thuộc cách mà mình nhìn nhận về việc đó", chị Bình tâm sự.

Điều hạnh phúc nhất là tranh của chị Bình không chỉ được mọi người đón nhận, năm 2018, 6 bức tranh của chị còn được bán nhanh nhất tại Triển lãm tranh của những người khuyết tật. Những bức tranh đã giúp mọi người có một cái nhìn khác về người phụ nữ khuyết tật này.

Bên cạnh đó, chị Bình còn làm thêm công việc móc len để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và nuôi dưỡng ước mơ hội họa.

Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, chị Bình mong muốn có sức khoẻ để tiếp tục theo đuổi đam mê hội họa. Bên cạnh đó, chị mong muốn giúp đỡ những người khuyết tật khác nhiều hơn bằng việc quyên góp tặng xe lăn cho họ.

Những món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào san sẻ gánh nặng về kinh tế và tiếp thêm sức mạnh cho nữ họa sĩ 8X này trên hành trình lan tỏa yêu thương của mình.

Theo Thanh niên