Người đàn bà làm thơ
Xuân Quỳnh người La Khê, Hà Đông - ngôi làng nhỏ bên bờ sông Nhuệ hiền hòa. Mồ côi mẹ từ sớm, lớn lên giữa một thời kì đất nước phải đương đầu với vô vàn khó khăn, mới 13 tuổi Xuân Quỳnh đã trở thành một diễn viên múa trong Đoàn ca múa trung ương ở khu văn công Mai Dịch.
Nữ diễn viên múa nhỏ nhắn ấy đã có một mối duyên kỳ ngộ với thơ ca. Xuân Quỳnh thường tìm đến thơ để giải tỏa những vui buồn cá nhân. Bà viết:
“Tôi không có một gian phòng
Lang thang suốt những năm ròng tuổi thơ
Gia tài là mấy bài thơ
Dẫu bao người đọc vẫn chờ đợi ai
Núi cao biển rộng sông dài
Tôi đi khắp chốn tìm người tôi yêu”...
(Thơ viết tặng anh)
Xuân Quỳnh và tình yêu lớn của đời mình - nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.
|
Trong cuộc đời mình, Xuân Quỳnh chưa một lần bước chân tới giảng đường đại học, chỉ học hết lớp 6 và tự học, nhưng những bài thơ của bà luôn có cái đắm đuối và những nét tinh tế rất giàu nữ tình, từ thơ về trẻ em, về mẹ… cho đến những thứ tình cảm công dân rộng lớn của một thời cả nước đánh giặc. Đặc biệt, thơ viết về tình yêu của bà đã để lại nhiều dấu ấn và sự đồng cảm nơi độc giả.
Ngay trong tập thơ đầu tay xuất bản năm 1963, khi mới 21 tuổi, Xuân Quỳnh đã có bài thơ có thể gọi là “kiệt tác”, tiêu biểu cho cả đời thơ của bà. Ấy là bài “Thuyền và biển”. Xuân Quỳnh đã “tự hát” giản dị và thật thà những thổn thức sâu thẳm của người con gái khát khao đi tìm hạnh phúc, tự nguyện hiến dâng:
“Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố…"
(Thuyền và biển)
Trong thơ, Xuân Quỳnh luôn là một người yêu đơn phương, luôn cô đơn trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Có lẽ ai đó đã đúng khi nói: “Cái khát vọng tình yêu từng thiêu đốt Xuân Quỳnh cũng thiêu đốt luôn cả người đọc nó”. Những vần thơ tình yêu của Xuân Quỳnh “như không hề biết đến tàn phai” trong trái tim của nhiều thế hệ độc giả hôm nay.
Xuân Quỳnh và con trai đầu lòng.
|
Những kỷ niệm…
Cụ Vũ Thị Khánh, mẹ nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết những dòng thật tình cảm về cô con dâu: “Quỳnh là người phụ nữ tài năng, thông minh và yêu thương chồng con hết mực. Ban ngày quần quật, vất vả với công việc cơ quan, công việc gia đình, lo chợ búa cơm nước, giặt giũ, học hành cho ba đứa con, Quỳnh chỉ có thời gian sáng tác vào ban đêm. Thường thì vào khoảng 11 giờ đêm, khi các con đã ngủ yên Quỳnh mới ngồi trên nền nhà, kê giấy lên đầu gối mà viết. Cả nhà chỉ có một cái bàn con “ưu tiên” cho Vũ ngồi làm việc... Quỳnh đã có mặt trong đời Vũ vào những năm gian nan, lận đận nhất. Tôi chưa từng thấy một người phụ nữ nào yêu chồng và chiều chồng như Xuân Quỳnh. Yêu đến đam mê, đến quên cả bản thân mình”.
Trong những hồi ức về Xuân Quỳnh, không chỉ người bạn thân của bà - nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, mà tất cả đều nhớ về một người phụ nữ xinh đẹp, đảm đang và đặc biệt vô cùng hóm hỉnh.
Nhà thơ Ý Nhi viết: “Quỳnh thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, ví von sắc sảo. Ở đâu có Quỳnh là ở đó có tiếng cười. Những điều tưởng khó khăn, phức tạp, nghiêm trọng khi được Quỳnh “hóa giải” lại thành ra giản dị, sáng sủa”.
Yêu thương và hy sinh quên mình cho tổ ấm, cho chồng cho con, Xuân Quỳnh sống nồng nàn và mãnh liệt cả trong thơ lẫn trong đời. Cuộc sống vất vả, lam lũ thường ngày không gặm nhấm được tâm hồn nữ sĩ. Xuân Quỳnh vẫn tha thiết yêu. Mọi nỗi vui buồn, say đắm, giận hờn, tha thứ, tin yêu, nghi hoặc... bà đều giãi bày trong thơ. Bất cứ người phụ nữ nào đọc thơ bà đều thấy một phần mình ở đó.
Nữ sĩ của mùa thu
Sinh thời, Xuân Quỳnh rất yêu hoa cúc. Thơ bà rất nhiều hoa cúc. Nhà thơ Ý Nhi kể, bà vẫn nhớ như in hình ảnh Quỳnh một chiều thu Hà Nội trên đường Trần Bình Trọng, quãng gần với Trần Hưng Đạo. Vũ chở Quỳnh trên chiếc xe đạp đã cũ, nét mặt Vũ hiền hòa. Quỳnh ngồi phía sau, tay ôm một bó cúc đại đóa lớn, vẻ rất tươi vui.
Trải qua nhiều đắng cay, tan vỡ trong tình yêu, không còn niềm khát khao đến cháy bỏng của con sóng thuở nào, đến “Thơ tình cuối mùa thu”, người đọc thấy ở Xuân Quỳnh giọng điệu trầm lắng của một trái tim đầy trải nghiệm:
“Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ”…
(Thơ tình cuối mùa thu)
Sinh thời, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã nói với công chúng yêu nhạc rằng: “Trong các nhà thơ, tôi thích nhất Xuân Quỳnh, bởi thơ của Quỳnh giản dị, chân thành, nhưng tinh tế và sâu sắc. Đó là lời của người phụ nữ có tình yêu da diết với người mình yêu, vì thế tôi thật may mắn làm cái việc của người viết nhạc, phổ thơ và nâng thêm cho bài thơ bay lên bầu trời… mùa thu”. Ông cũng rất đau khổ khi cho biết thêm: “Các ca sĩ thường rất hay hát sai một chữ, đó là “Mùa thu vào hoa cúc” thì thành “Mùa thu vàng hoa cúc” hay “Mùa thu và hoa cúc”. Thật là đau khổ cho người làm thơ, bởi chỉ cần sai một chữ thôi, cái quyết liệt của câu thơ khi tác giả dồn hết mùa thu vào sắc vàng của bông hoa cúc không còn lại gì cả”.
Cuối đời, tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh vẫn nồng nàn, sâu sắc nhưng đượm nỗi thoảng thốt lo âu của một thiếu phụ trên đường truy đuổi hạnh phúc, một hạnh phúc rất gần nhưng lại luôn muốn trượt ra ngoài tầm tay với:
Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh
Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn…
(Tự hát)
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể: “Trong tình yêu, Xuân Quỳnh luôn nhận lỗi về mình với bao day dứt, bâng khuâng và dịu nhẹ vô cùng”. Bài thơ “Hoa cỏ may” viết khi nữ sĩ cảm thấy người yêu đã rời bỏ mình chuyển sang một tình yêu khác:
Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm dày
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay?(Hoa cỏ may)
Bài thơ lãng đãng, vu vơ, để nỗi buồn như cỏ may cứ găm vào nữ sĩ như gai nhọn mà tâm hồn nữ sĩ vẫn gắng gượng: “Lòng như trời biếc lúc sang thu” cùng nỗi đau tưởng như rất mơ hồ: “Ai biết lòng anh có đổi thay”…
“Bông cúc nhỏ” cánh đã rã rụng, thôi không còn “màu hoa vàng” cháy rực trong đêm nhưng với tình yêu và mùa thu, tiếng thơ của Xuân Quỳnh đã vĩnh viễn ở lại trong lòng bao thế hệ yêu thơ…
Theo Hà Nội Mới