Những ngày tháng 6, ngoài buổi học sáng trên lớp, Phan Hồng Anh, lớp 12 song bằng, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, dành thêm thời gian chuyện trò với bạn bè trước khi tốt nghiệp. Các bạn kể về kế hoạch du học, còn em chia sẻ những dự định sau khi nhập học VinUni với mức học bổng 3,6 tỷ đồng.
Nhìn Hồng Anh vui vẻ trò chuyện, ít ai có thể ngờ em từng rất khó khăn trong giao tiếp, thậm chí cứ gặp người lạ là sợ phát khóc. "Những gì em làm được ngày hôm nay là kết quả của nỗ lực ngoạn mục sau một hành trình đáng ngạc nhiên", cô gái 18 tuổi tự nhận xét về mình.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, từ nhỏ Hồng Anh nhút nhát đến mức gia đình nghĩ mắc bệnh tâm lý. Mỗi khi khách hoặc người lạ đến nhà chơi, em hoảng sợ, chạy úp mặt vào tường và khóc nức nở. Ngay cả ông bà từ quê lên thăm, Hồng Anh cũng phản ứng như khi gặp người lạ. Nhớ cháu nhưng không muốn làm cháu sợ, ông bà nhiều lần chỉ dám đứng nép cửa để nghe tiếng cháu, rồi lẳng lặng về quê.
Trong ký ức của Hồng Anh khi đó, vòng tròn kết nối của em chỉ là bố mẹ, chị gái, cùng lắm thêm một vài người bạn đồng trang lứa gần nhà. "Vào tiểu học, em bắt đầu nhận thức được mình gặp vấn đề về giao tiếp nhưng không biết làm như nào. Cảm giác hoảng sợ, không an toàn khi thấy người lạ lúc nào cũng thường trực", Hồng Anh kể.
Suốt những năm tháng tiểu học, Hồng Anh chỉ chơi với 1-2 bạn nữ, cũng là những người em được gặp và biết từ hồi mẫu giáo. Giao tiếp vẫn là điều gì quá sức với cô bé khi đó. Những lần giáo viên gọi phát biểu, Hồng Anh run bắn, vành tai đỏ lựng.
Mùa hè năm lớp 3, Hồng Anh phải làm một bài kiểm tra chia lớp, những bạn học lực tốt hơn được xếp vào lớp chọn. Làm xong bài từ sớm nhưng lúc hết giờ, em lại chạy ra ngoài chơi mà quên nộp. Nếu như bình thường, Hồng Anh chỉ cần mang bài đưa cho giáo viên, giải thích rằng em quên nộp. Thế nhưng, vì sợ và không biết mở lời như nào, em đã không làm gì cả, chấp nhận vuột mất cơ hội được học tại một lớp tốt hơn.
"Đến bây giờ khi nghĩ lại lúc đó, em vẫn tiếc. Vào lớp chọn như ước mơ của tụi em lúc bấy giờ, vậy mà em lại để nó trôi qua chỉ vì không dám nộp bài", Hồng Anh chia sẻ. Sau sự việc trên, cô gái sinh năm 2002 đã nghĩ "Mình mãi mãi tắc ở đây, không thể khá lên được. Mình thất bại trong việc trò chuyện và giao tiếp".
Đến khi kết thúc 5 năm tiểu học, thấy bạn bè có thể kể về rất nhiều kỷ niệm đã có, Hồng Anh nhận ra ký ức của mình về cấp học đã qua chẳng nhiều nhặn gì và thèm được như các bạn. Sau nhiều lần suy nghĩ và đấu tranh với chính mình, Hồng Anh nghĩ đến lúc cần bước ra khỏi "vỏ ốc" của bản thân.
Ở trường, mỗi ngày em "đặt chỉ tiêu" phải hỏi thăm ba bạn trong lớp, sau đó tăng dần số lượng lên năm và xung phong phát biểu bài nhiều hơn. Thời gian đầu, Hồng Anh vẫn ấp úng khi nói, em tự động viên "rồi sẽ quen". Nữ sinh cũng chủ động tham gia nhiều hoạt động ở quy mô nhóm nhiều hơn.
Hồng Anh chia sẻ, có thể đối với nhiều người, tập giao tiếp nghe rất buồn cười và không có gì đáng nói. Nhưng với em, việc này mất nhiều công sức, thậm chí nhiều lần em phải tự ép mình làm. Khi về nhà, mỗi lần có khách đến chơi, Hồng Anh không trốn biệt vào phòng như trước mà nán lại chào. Nếu cảm thấy bớt sợ hơn, em bắt đầu tập hỏi thăm mọi người những câu đơn giản.
Cô gái nhút nhát cố gắng thay đổi trong suốt những năm cấp hai. Đến khi bước chân vào trường THPT Chu Văn An, Hồng Anh nhìn lại và ngạc nhiên với những gì mình làm được khi số bạn bè em nói chuyện và giữ liên lạc lên tới vài chục thay vì chỉ vài người như hồi tiểu học.
Tại trường THPT Chu Văn An, Hoàng Thanh Vân, một trong những người bạn hồi cấp 1 của Hồng Anh, ngạc nhiên khi gặp lại người bạn năm xưa. Trong trí nhớ của Vân, Hồng Anh lúc nào cũng im lặng, ai hỏi thì lí nhí trả lời và luôn trốn vào nhà vệ sinh mỗi khi phải chụp ảnh. Bây giờ, xuất hiện trước Vân là một người bạn có thể nói chuyện to, rõ ràng, mạnh dạn phát biểu và tham gia vào các hoạt động của trường lớp. "Thấy Hồng Anh thay đổi, em rất tự hào và mừng cho bạn. Em tin Hồng Anh có thể làm tốt và tiến xa hơn nữa", Vân nói.
Ghi nhận nỗ lực của bản thân nhưng chưa thật sự hài lòng, Hồng Anh tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, làm tình nguyện viên cho Operation Smile (dự án phẫu thuật nụ cười cho trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch), Earth Hour (dự án tiết kiệm năng lượng), Homeup Heroes Project (gây quỹ cho trẻ mồ côi) và Greenmade Project (dự án tăng nhận thức về bảo vệ môi trường cho trẻ em)...
Năm lớp 11, khi phải trải qua cuộc phẫu thuật răng, Hồng Anh được các điều dưỡng chăm sóc sức khỏe và trò chuyện, giải tỏa tâm lý khi em thường xuyên khóc vì đau. Hồi phục sau phẫu thuật, nữ sinh ngày càng ý thức được tầm quan trọng của việc giao tiếp. Gặp nhiều mảnh đời bất hạnh trong các hoạt động tình nguyện, Hồng Anh đặt mục tiêu trở thành điều dưỡng viên.
Khi em đưa ra quyết định này, có người nói phí, học điều dưỡng không sang và không có giá như các ngành kinh tế, tài chính. Cô gái 18 tuổi lại cho rằng, hành trình thay đổi bản thân cũng chính là khoảng thời gian em lắng nghe và hiểu mình muốn gì, phù hợp với điều gì. "Em nghĩ được trực tiếp ở bên cạnh bệnh nhân, lắng nghe, động viên họ và trở thành người đầu tiên được chứng kiến họ vượt qua hiểm nghèo chính là ý nghĩa cuộc sống em muốn hướng tới", Hồng Anh nói.
Ngoài thời gian học trên lớp và rèn luyện kỹ năng giao tiếp, Hồng Anh còn có niềm say mê với lĩnh vực Vật lý thiên văn. Em tự đọc và tìm hiểu kiến thức, sau đó tham dự cuộc thi quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn 2019 (IAAC) và lọt vào vòng chung kết. Thời điểm đó, vì vướng lịch thi ở trường, Hồng Anh không thể đầu tư thời gian tham gia nên quyết định dừng lại. Hiện em vẫn tìm hiểu về lĩnh vực này và có thể tham gia cuộc thi khác nếu thấy phù hợp.
Với điểm trung bình học tập 9,4, khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo khi đạt IELTS 7.5 và nhiều hoạt động xã hội, Hồng Anh mạnh dạn nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng của Đại học VinUni. Trong buổi phỏng vấn bằng tiếng Anh, cô gái 18 tuổi tự tin thể hiện quan điểm về hối lộ, tham nhũng tới bình đẳng xã hội và khả năng người nghèo tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.
Kết quả, Hồng Anh giành học bổng toàn phần ngành Điều dưỡng trị giá 3,6 tỷ đồng trong bốn năm của Đại học VinUni. Đại diện hội đồng tuyển sinh đánh giá, Hồng Anh có khả năng thể hiện khả năng tư duy sắc sảo, phản biện mạch lạc cùng cách suy nghĩ chín chắn, già dặn.
Ngày nhận thông báo trúng tuyển của VinUni, ngoài những phút giây vui vẻ, hạnh phúc, Hồng Anh cũng dành cho mình khoảng thời gian để nghĩ về một hành trình dài đã qua. "Thi thoảng em vẫn nhớ lại hình ảnh cô bé ngày xưa lúc nào cũng sợ hãi, trốn vào góc nhà rồi òa khóc khi thấy người lạ. Em hiểu rằng những gì có được hôm nay chưa phải quá to lớn nhưng đều là kết quả từ sự bền bỉ và cần mẫn cố gắng của bản thân", Hồng Anh nói.
Theo vnexpress