Bà Nguyễn Thị Đào sinh năm 1885, xuất thân từ một dòng tộc danh sĩ nổi tiếng, quê ở làng Hoành Sơn nay thuộc xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Ông nội bà là cụ Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, được triều đình cử làm Đốc học nhưng mấy lần đều tìm cớ từ quan về quê mở trường dạy học. Trong số học trò của cụ, có nhiều danh nhân, chí sĩ như cụ Phan Bội Châu, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn - thân sinh giáo sư Đặng Thai Mai, cụ Cử nhân Đặng Văn Bá - một trong những người sáng lập phong trào Duy Tân...
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình, dòng họ lừng lẫy về khí tiết và học vấn như vậy, bà Nguyễn Thị Đào sớm thông thạo Hán văn, làm nhiều thơ phú được biết rộng rãi qua bút danh .
Kết hôn với cử nhân nho học Tạ Quang Diệm ở làng Hoành Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, sau làm giáo thụ phủ Tam Kỳ, Quảng Nam, bà làm dâu một dòng họ có tiếng khoa bảng và giàu khí tiết ở xứ Nghệ thời ấy với phương châm “Phụ giáo tử đăng khoa, cử nhân tại quán” (Cha dạy con đi thi, đỗ không ra làm quan).
|
Bà Nguyễn Thị Đào cùng gia đình con trai Tạ Quang Đệ |
Sống giữa thời đại đầy biến cố lịch sử, bà Sầm Phố không chỉ chú tâm vào việc gia đình như những người phụ nữ đảm đang truyền thống mà còn để vào lòng vận mệnh non sông.
Bà và gia đình có mối giao hảo với các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… và từng gửi con đến thọ học. Bà làm thơ gửi cho các báo như Tiếng dân, Phụ nữ thời đàm… So với những nhà thơ khác đầu thế kỷ XX, thơ của bà tuy không nhiều nhưng cũng đã góp thêm một tiếng nói yêu nước kín đáo của giới nữ lưu vào những biến động và trăn trở của thời đại.
Qua tác phẩm, bà còn thể hiện ý thức nữ quyền, một tư tưởng hết sức tiến bộ của thời đại ấy. Những bài thơ Đường luật vịnh cảnh của bà ngậm ngùi nỗi niềm hoài cổ và phảng phất suy tư, như bài Vịnh Hàm Rồng viết về cây cầu nổi tiếng ở Thanh Hóa do Pháp xây dựng năm 1904:
Hàm Rồng nô nức tiếng đồn om,
Rải rác nhà tranh ở mấy chòm.
Hỏi đá chờ ai ngồi lúc ngúc,
Thượng cầu về nước đứng lom khom.
Sóng như mừng khách chờn vờn nhảy,
Trăng cũng yêu ta lấp ló dòm.
Cửa động rêu mờ in nét chữ,
Kìa ai mến cảnh chút trông nom.
Không những thế, thơ bà còn chứa đựng những lo toan hết sức phụ nữ về cảnh sống của gia đình. Với những vần thơ ít ỏi nhưng giàu sắc thái của mình, Sầm Phố vẫn luôn được các nhà nghiên cứu văn học sử nhắc tên cùng với các nữ sĩ lừng lẫy đầu thế kỷ XX như Đạm Phương nữ sử, Sương Nguyệt Anh, Cao Thị Ngọc Anh…
Ngoài ra, là một người mẹ, bà đã đóng góp cho đất nước 2 người con xuất sắc là giáo sư Tạ Quang Bửu và nhà báo Tạ Quang Đệ được biết đến với bút danh Quang Đạm.
Giáo sư Tạ Quang Bửu với kiến thức uyên bác của mình trên các lĩnh vực toán học, vật lý, quân sự… đã có những đóng góp không nhỏ cho khoa học Việt Nam và được tôn vinh là Lê Quý Đôn của thời đại Hồ Chí Minh. Nhà báo Quang Đạm là một trong những cây bút tiên phong và bản lĩnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Nữ sĩ Sầm Phố qua đời năm 1975.
Phụ nữ Việt Nam