Chị Huyền, ngụ xã Đại Phước, H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, tốt nghiệp ngành kế toán một trường cao đẳng ở TP.HCM, sau khi ra trường làm việc tại Đồng Nai với mức thu nhập khá ổn. Thế nhưng, yêu thích trồng hoa hồng, nên chị đã quyết định nghỉ việc để về trồng và tạo ra các sản phẩm hoa hồng hữu cơ.
Từ giữa năm 2021, chị dồn hết thời gian rảnh và tập trung phát triển vườn hồng. Những ngày đầu, chị gặp không ít gian nan trong việc tìm được giống hoa hồng có nhiều tinh chất và dưỡng chất, lại phải vừa dễ sống, phù hợp với thời tiết nắng nóng ở Đồng Nai. Qua tìm hiểu, chị biết giống hoa hồng cổ Sa Pa có khả năng thích nghi tốt, cho năng suất cao, chị đã mua 200 cây về trồng. Tuy nhiên, do không hiểu đặc tính của giống hoa hồng cổ Sa Pa nên cây bị sâu bệnh và chết.
|
Chị Huyền hiện đang sở hữu 200 gốc hoa hồng hữu cơ để làm trà, nước cất
|
Chị Huyền nói: “Để tìm nguyên nhân khắc phục, tôi vào các nhóm chuyên về hoa hồng học hỏi để đúc kết ra sản phẩm phù hợp với cây. Trồng hữu cơ tôi phải kiểm soát dịch bệnh tốt, dinh dưỡng đầy đủ để cho ra hoa đạt sản lượng cao”.
Sau hơn 1 năm miệt mài, đến nay chị đã có những thành công nhất định. Vườn hồng cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng giúp chị có cuộc sống ổn định.
Chị cho biết vườn hồng có khoảng 200 gốc, cứ 40 ngày sẽ thu hoạch hoa, mỗi đợt thu được khoảng 30 kg hoa tươi, sản xuất ra được khoảng 1 kg trà nụ hồng, 10 lít nước cất. Sản phẩm làm ra không đủ bán cho khách đã đặt. Chị chia trà vào các lọ nhỏ khoảng 30 - 50 gr, bán với giá từ 120.000 - 200.000 đồng/lọ tùy loại, còn nước cất vào lọ 100 ml, bán giá 150.000 đồng/lọ”.
Để cho ra sản phẩm trà hoa hồng, nước cất hoa hồng, chị Huyền mất gần một năm thử nghiệm, bản thân cũng không nhớ đã làm hỏng bao nhiêu hoa hồng khi thực hiện ướp trà, chưng cất hoa hồng. Từ những kinh nghiệm sau nhiều lần thử nghiệm, chị đã tìm ra được một công thức chuẩn nhất.
Theo chị Huyền, ngoài nhiệt độ sấy, chưng cất, muốn trà, nước cất chất lượng cao thì thời điểm hái hoa cũng vô cùng quan trọng. Chị Huyền nói: “Hằng ngày chưa đến 6 giờ sáng, tôi đã ra vườn hái hoa hồng. Nếu hái hoa khi nắng lên thì nụ hoa, hoa sẽ bị héo một chút, không tạo ra sản phẩm ngon nhất”.
Chị Nguyễn Thị Kiều Tiên (đang làm việc ở khu công nghiệp Hiệp Phước, H.Nhà Bè, TP.HCM), bạn thân của chị Huyền, chia sẻ: “Tôi rất ngưỡng mộ về hành trình chăm sóc hoa hồng của Huyền. Hoa hồng được chăm sóc tự nhiên, không chất bảo quản nên rất nhiều người yêu thích và tìm đến mua. Tôi sử dụng trà nụ hồng, nước cất hoa hồng từ lúc Huyền thử nghiệm đến bây giờ”.
Theo Thanh niên