|
|
GS.TS Lê Thị Hợp (bìa trái) và GS.TS Lê Mai Hương (bìa phải) trao Huy chương và bằng chứng nhận cho TS. Phan Thị Lan đại diện nhóm nghiên cứu giành được Huy chương Vàng tại KIWIE 2024 |
Tại Triển lãm diễn ra vào cuối tháng 6/2024, đoàn Việt Nam tham gia 3 gian hàng, trưng bày 12 sáng chế, giải pháp hữu ích và các sản phẩm khoa học và công nghệ của 8 nữ khoa học được Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp (COSTAS) lựa chọn và hỗ trợ từ Nhiệm vụ "Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam" thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
|
|
Các nữ sáng chế tham dự Triển lãm KIWIE 2024 tại lễ vinh danh diễn ra ngày 2/7/2024 tại Hà Nội |
KIWIE là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho các nhà sáng chế nữ toàn thế giới do Hội Nữ sáng chế Hàn Quốc (KWIA) tổ chức từ năm 2008 với sự hỗ trợ và phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). KIWIE 2024 đã thu hút gần 20 nước tham dự như Ba Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Iran, Malaysia, Mông Cổ, Nga, Peru, Srilanka, Thái Lan, Tajikistan, Việt Nam, Yemen…, giới thiệu hơn 400 sáng chế và công nghệ với chủ đề "Xem, trải nghiệm và mua các sáng chế của phụ nữ ở một địa điểm". |
Trong khuôn khổ Triển lãm có Tọa đàm về chính sách hỗ trợ phụ nữ thương mại hóa tài sản trí tuệ có sự tham gia của các Ủy viên Hội đồng IP5, bao gồm Cục Nhãn hiệu và Sáng chế Hoa Kỳ (USPTO), Cục Sở hữu trí tuệ Nhật Bản (JPO), Cục Sở hữu trí tuệ châu Âu (EPO), Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO)...
Bà Lê Thị Khánh Vân - Giám đốc COSTAS, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự KIWIE 2024 cho biết: Lần ra quân thứ 2 của các nhà khoa học nữ Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều thành công. Gian trưng bày của đoàn Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, các sáng chế, giải pháp hữu ích, công nghệ và sản phẩm của đoàn được Ban Tổ chức đánh giá cao về tính sáng tạo và hàm lượng khoa học. Sau 3 ngày hoạt động tích cực, 12 sáng chế tham gia dự thi của đoàn Việt Nam đã xuất sắc giành được 13 giải thưởng, trong đó có 1 giải Lớn thứ nhì (Semi - Grand Prize), 1 giải Đặc biệt, 4 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học nữ Việt Nam trong nhiều năm qua, khẳng định chất lượng và yếu tố sáng tạo của các sáng chế Việt Nam trên trường quốc tế.
|
|
Bà Garima Sahdev, Trưởng phòng Châu Á – Thái Bình Dương Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Trưởng Dự án "Phụ nữ dẫn dắt" của WIPO tham quan Văn phòng COSTAS, nơi trưng bày rất nhiều sản phẩm của các nhà khoa học nữ Việt Nam |
Bà Lê Thị Khánh Vân cũng hào hứng chia sẻ với PV Báo PNVN về hành trình "mang chuông đi đánh nước người" đầy cảm xúc và hiệu quả: "Đoàn Việt Nam đã lựa chọn được những sáng chế hàng đầu để mang tới Hàn Quốc. Qua đây, tôi thấy được sức sáng tạo của các nhà khoa học nữ Việt Nam rất lớn, họ đã cần mẫn làm việc để có những công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong đời sống. Tôi ấn tượng với hình ảnh, tại gian hàng của Việt Nam trưng bày sản phẩm đa dạng, mẫu mã phong phú, rất đông bạn bè các nước đến tham quan và bày tỏ sự quan tâm đến các sáng chế, sản phẩm hữu ích của chúng ta. Sau chuyến đi, đã có những nhà khoa học nữ nhận được lời mời hợp tác từ các quốc gia khác - đây là động lực lớn với những người làm công tác nghiên cứu…
Thành tích mà đoàn Việt Nam đạt được thực sự có ý nghĩa với COSTAS bởi đây cũng là tiền đề để chúng tôi đề xuất Nhiệm vụ hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp bằng kết quả nghiên cứu của Đề án “Hệ sinh thái khởi nghiệp đến năm 2025” và Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ, tạo điều kiện cho các nữ khoa học khai thác, phát triển các tài sản trí tuệ của mình phục vụ nhu cầu cấp thiết của xã hội trong tương lai".
"Nghiên cứu khoa học thực sự là công việc rất khó khăn, đối với phụ nữ càng khó hơn vậy mà các chị em ở đây, nhiều em rất trẻ đã có những cố gắng, cống hiến và đạt được nhiều thành tích về nghiên cứu khoa học, được cả quốc tế công nhận, đây thực sự là niềm tự hào của Hội Nữ trí thức Việt Nam.
Từ 4 đến 5/10, Hội Nữ trí thức Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Quốc tế cho các nữ khoa học châu Á Thái Bình Dương (APNN 2024). Hy vọng các nhà khoa học nữ có mặt tại buổi lễ sẽ giới thiệu sản phẩm, sáng chế, giải pháp hữu ích... Đây cũng là dịp để các nhà khoa học nữ tham gia triển lãm có cơ hội chia sẻ về quá trình nghiên cứu và phát triển sáng chế của mình, chia sẻ những thách thức và thành tựu đạt được trong quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu".
GS.TS Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam
|
Bảo Nguyên - Ảnh: NVCC