Giới lãnh đạo giáo dục Anh cảnh báo việc giáo viên phải xoay sở chật vật trong cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt có thể ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, ở cả khía cạnh thành tích học tập và sức khỏe tinh thần. 

Gần 1/3 giáo viên tiểu học Anh đang phải “vật lộn làm việc" do khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Ảnh: PA

Nghiêm trọng hơn, tình trạng này sẽ làm giảm sút hơn nữa số lượng giáo viên vốn dĩ đã rất khó khăn để duy trì. Các giáo viên ở Anh có xu hướng bỏ nghề để tìm kiếm công việc có mức lương tốt hơn trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

“Các giáo viên trên khắp đất nước đang kêu trời, họ nói với chúng tôi rằng họ đang gặp khó khăn như thế nào và việc thiếu kinh phí đang ảnh hưởng đến khả năng làm việc của họ ra sao” - bà Helen Osgood, làm việc tại Cộng đồng công đoàn Anh, nói.

Nếu giáo viên không được tăng lương để phù hợp với mức tăng vọt của lạm phát, tình hình sẽ không được cải thiện.

Các công đoàn giáo dục Anh tuần hành đòi tăng lương trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vào đầu năm nay. Ảnh: Yui Mok / PA

Trong cuộc thăm dò giáo viên tiểu học công bố gần đây được chia sẻ độc quyền với tờ The Independent, 1/3 cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc mua thực phẩm, trong khi 1/2 cho biết họ gặp khó khăn trang trải chi phí xăng dầu và 1/4 liên quan đến vấn đề quần áo.

70% cho biết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của giáo viên - theo cuộc khảo sát của Community được thực hiện vào mùa hè. Trong khi đó, 30% được hỏi cho biết điều đó đang ảnh hưởng đến khả năng thực hiện tốt công việc của họ.

Trường Cao đẳng sư phạm Chartered cảnh báo cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có nguy cơ “làm trầm trọng thêm” một cuộc khủng hoảng an sinh. 

Điều này có thể gây ảnh hưởng lớn đến sinh viên bởi “Phúc lợi của giáo viên là yếu tố quan trọng đối với cả sức khỏe tinh thần và thành tích học tập của học sinh” - cơ quan chuyên môn về giáo viên này cho biết. Nghiên cứu cho thấy chất lượng giảng dạy cao là “yếu tố quan trọng nhất ở trường đối với kết quả của học sinh”.

Hầu hết giáo viên đã được đề nghị tăng lương 5% trong năm nay, thấp hơn tỷ lệ lạm phát đang tăng vọt. Những ngành nghề trong khu vực công khác cũng tăng tương tự.

Các nhân viên phục vụ trường học được đề nghị tăng lương cố định, lên tới 10,5% đối với người được trả lương thấp nhất và 4% đối với người được trả lương cao nhất.

Bà Tiffinie Harris từ Hiệp hội các nhà lãnh đạo trường học và đại học lặp lại lo ngại cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt có thể khiến lực lượng trong ngành giáo dục suy giảm thêm.

“Giống như phần còn lại của dân số, giáo viên hiện đang bị ảnh hưởng bởi mức lạm phát rất cao, điều này sẽ khiến họ chịu thêm áp lực tài chính, và làm tăng nguy cơ nhiều người sẽ bỏ việc và tìm kiếm việc làm được trả lương cao hơn ở nơi khác” - bà Harris nói.

Bà Harris nhận định: “Lương giáo viên phải được cải thiện để việc giảng dạy trở thành một sự lựa chọn nghề nghiệp lâu dài hấp dẫn hơn, và đảm bảo rằng các trường học có thể đủ giáo viên đứng lớp.

Và chính phủ phải cung cấp cho các trường học nguồn kinh phí mà họ cần để chi trả chi phí cho nhân viên của họ thay vì mong đợi số tiền này đến từ ngân sách hiện có. Nếu không, sẽ có rủi ro nghiêm trọng đối với các tiêu chuẩn giáo dục Anh, chứ chưa nói đến bất kỳ cơ hội nào để cải thiện chúng".

Theo vietnamnet