Đầu tháng 3, trong bản đệ trình lên Cơ quan đánh giá giáo viên (STRB) và Hội đồng độc lập về những khuyến nghị liên quan đến lương, Bộ Giáo dục Anh cho biết muốn tăng 8,9% lương tối thiểu cho giáo viên trẻ trong tháng 9 năm nay, sau đó thêm 7,1% trong năm tiếp theo.

Theo mức tăng này, lương khởi điểm của giáo viên đạt chuẩn sẽ được nâng từ 25.714 bảng lên 30.000 bảng vào tháng 9/2023. Theo số liệu của Glassdoor năm 2018, thu nhập trung bình năm của một công dân Anh là 28.000 bảng.

Bộ Giáo dục cho biết, khoản tăng lương đến từ ngân sách hiện có của trường. Mặc dù các trường toàn quyền quyết định việc trả lương, trên thực tế, hầu hết trường công lập ở Anh đều thực hiện theo hướng dẫn của Cơ quan đánh giá giáo viên và chính phủ.

Lớp học tại Anh. Ảnh: Ian Miles-Flashpoint Pictures/Alamy

Lớp học tại Anh. Ảnh: Ian Miles-Flashpoint Pictures/Alamy

Trong khi đó, với giáo viên đã có nhiều năm công tác và lãnh đạo trường, mức tăng được đề xuất thấp hơn -3% vào năm 2022-2023 và 2% ở giai đoạn 2023-2024. Bộ Giáo dục lý giải, đề xuất mức lương "tăng đáng kể" với giáo viên trẻ nhằm thu hút tuyển dụng và giữ chân họ. Nếu áp dụng rộng rãi mức tăng này, nguồn kinh phí của các trường sẽ bị ảnh hưởng. Theo tính toán, số tiền để tăng 1% lương cho tất cả giáo viên có thể chuyển thành một khoản chi tiêu cho các trường, trị giá 250 triệu bảng.

"Việc đầu tư cho giáo viên vượt quá dự định sẽ khiến các hiệu trưởng gặp khó khi cân bằng mức thu, chi trong trường, dẫn đến giảm đầu tư vào các hoạt động quan trọng không kém khác", Bộ Giáo dục nêu quan điểm, đồng thời dự báo ngay cả khi tăng lương, nước Anh chỉ có thể duy trì 0,25%, tương đương 1.000 giáo viên ở lại làm nghề.

Bốn tổ chức giáo dục đã cùng kiến nghị Cơ quan đánh giá giáo viên, nêu rõ việc tăng lương cần được áp dụng đồng đều cho mọi giáo viên, lãnh đạo trường.

NASUWT - tổ chức đại diện cho 300.000 giáo viên tại Anh, muốn tăng 12% trên diện rộng. Patrick Roach, Tổng thư ký của NASUWT, cho biết nhiều giáo viên phải sử dụng thực phẩm cứu trợ hoặc các hình thức từ thiện khác, cắt giảm nhiều vật dụng thiết yếu trong gia đình hoặc làm thêm một công việc khác.

"Chúng tôi cho rằng những thách thức hiện nay đối với nghề giáo là rất lớn. Do đó, chính phủ cần nhìn nhận rộng hơn về chế độ đãi ngộ, thực hiện cải cách khung lương cho giáo viên", Roach nói.

Theo vnexpress