Cũng như bao bà mẹ khác, chị Ngô Trang (SN 1991, hiện đang sinh sống tại bang Illinois, Mỹ) luôn muốn con mình thông minh, nhanh nhẹn, có tư duy sáng tạo. Đặc biệt mẹ 9X không muốn con gái bị lệ thuộc vào các thiết bị điện tử như điện thoại, TV... Chính vì thế khi bé gần được 6 tháng tuổi, chị Trang đã dành thời gian tìm hiểu về những món đồ chơi giúp con phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, kỹ năng vận động tinh... Trong đó, các loại đồ chơi được làm bằng gỗ rất hợp ý mẹ trẻ. Chị Trang nhận thấy, những món đồ chơi này có nhiều lợi ích tuyệt vời đối với trẻ nhỏ.
Nhận thấy những món đồ chơi bằng gỗ có nhiều lợi ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ nên chị Trang đã đầu tư cho con gái.
Chị Ngô Trang cho hay: "Kể từ ngày tiếp cận đến những đồ chơi gỗ này, chính mình cũng bị thu hút. Bởi chúng đẹp 1 cách mê hồn. Đa số những đồ chơi bằng gỗ được thiết kế màu sắc rất bắt mắt, thu hút sự chú ý của trẻ. Đây cũng là 1 cách dạy con về những màu sắc, hình thù của đồ vật. Cách chơi đồ chơi gỗ là không giới hạn. Con sẽ phải tự nghĩ ra cách xếp, sáng tạo ra những hình thù mới. Từ đó giúp con phát triển trí tưởng tượng, tư duy logic.
Ở độ tuổi 9-10 tháng, các bé chủ yếu là gặm đồ gỗ, cầm 2 miễng gỗ đập vào nhau, hoặc quăng chúng đi ra xa. Cha mẹ đừng cho rằng đây là những hành động vô bổ của trẻ. Thực chất chúng học được rất nhiều điều từ những thứ đó đấy. Con sẽ biết được cầm 2 đồ vật chạm vào nhau sẽ phát ra âm thanh, quăng ném đồ vật là khiến chúng đi ra xa... Lớn hơn 1 chút con sẽ xếp những miếng gỗ thành những chồng cao. Lúc này, con sẽ phát triển kĩ năng cầm nắm, sự phối hợp nhịp nhàng cổ tay và các ngón tay, thêm vào nữa là sự quan sát của đôi mắt, sự liên kết trong não bộ, sự tập trung...
Và không phải hình thù nào con xếp cũng thành công. Khi tháp gỗ bị đổ, con sẽ có chút bực bội (nói nôm na là cảm xúc tiêu cực khi thất bại). Bé sẽ học được cách đối diện với những thất bại. Chúng sẽ làm lại từ đầu. Việc của cha mẹ là giúp trẻ nhận biết được tên của cảm xúc mà con đang có, giúp bé bình tĩnh và cho bản thân cơ hội thứ 2 làm lại. Sau nhiều lần thất bại thì khi bé xây được tháp gỗ như ý, con sẽ rất vui và gây dựng được lòng tin ở bản thân.
Khi bé gần 2 tuổi thì mình mua đồ chơi của những hãng lớn theo phương pháp Waldorf, tiêu chuẩn đồ chơi của các hãng này rất cao và nghiêm ngặt. Đặc biệt, đồ chơi gỗ không chạy bằng pin. Họ sử dụng màu nhuộm, chứ không phải sơn, nên rất an toàn cho trẻ. Đồ chơi gỗ cũng rất bền. Có những món con chơi từ năm này qua năm khác mà không hỏng hóc. Có 1 vài món bé không hứng thú nữa thì mình có thể bán lại cho ai cần".
Lợi ích khi con chơi đồ chơi gỗ: Kích thích sự phát triển về trí não cho trẻ, an toàn với sức khỏe và môi trường, dạy con cách kiên nhẫn, tập trung. Đặc biệt chúng có độ bền cao nên khi không sử dụng có thể đem cho người khác.
Đến nay, con gái của chị Ngô Trang đã được 3 tuổi. Bé đã có 1 bộ sưu tập các món đồ chơi gỗ. Đó là những món quà mẹ trẻ thường mua tặng con gái trong những dịp lễ, hoặc quà sinh nhật. Cả 2 mẹ con đều hài lòng với bộ sưu tập đồ gỗ mình đang sử hữu. Phần lớn là những bộ đồ chơi gỗ xếp hình, tạo hình những con vật, bông hoa, nhiều bộ học cụ liên quan đến toán học, hình học, thiên nhiên.
Để con có hứng thú chơi và phát triển mạnh tư duy, sáng tạo, mẹ trẻ thường dành thời gian chơi chất lượng bên con. Chị cho biết: "Mình thường đi theo trí tưởng tượng của con. Ví dụ như bé xếp 1 các miếng gỗ lại rồi nói đây là con bọ hung, mình sẽ khen con là "trông giống thật" và gợi ý con trang trí thêm mắt, miệng cho chú bọ hung này thêm đẹp. "Chìa khóa" để con thích chơi và thỏa sức sáng tạo đó là cha mẹ hãy để trẻ làm mọi thứ theo trí tưởng tượng của mình. Đừng đóng khuôn suy nghĩ của con".
Một vài hình ảnh trong bộ sưu tập đồ chơi gỗ của con gái chị Ngô Trang.
Sau khi chơi xong, chị Ngô Trang cùng con dọn đồ chơi cho thật gọn gàng. Chị có những chiếc rổ làm bằng vải thật to để con có thể cho đồ chơi vào đó. Thường thì chị sẽ yêu cầu con thu gọn chỗ đồ chơi này rồi mới tiếp tục hoạt động khác. Bà mẹ 8X muốn tạo cho con 1 thói quen đó là sự gọn gàng. Theo chị, thói quen này không phải ngày một ngày hai mà dạy được. Đó là cả 1 quá trình. Nhưng chị vẫn kiên nhẫn dạy bé, thay vì làm hộ con tất cả.
"Mình cố gắng cung cấp cho con một môi trường giống nhà trẻ mini và người chăm sóc là mẹ. Cả mình và chồng đều tin rằng việc thiết lập kết nối gia đình khi con còn nhỏ rất quan trọng, vì vậy mà công việc của chồng mình là đảm bảo tài chính còn mình là làm mẹ toàn thời gian, cả 2 cố gắng dành càng nhiều thời gian chất lượng cho con càng tốt.
Ngoài việc chọn đồ chơi cho con, mình cũng có thiết kế những góc sinh hoạt mini cho bé tập tự lập như góc vệ sinh cá nhân, kệ giày dép mini phía trên có chỗ treo balo của bé. Mình kết nối bé vào tất cả các hoạt động thường ngày trong phạm vi an toàn, như việc con giúp mình làm vườn, tưới cây, lấy quần áo từ máy sấy ra,... Hàng tuần con sẽ có thêm những hoạt động ngoài trời như đi dạo, đạp xe đạp, cắm trại... Thêm vào đó, bé sẽ đi giao lưu và kết bạn với những bé hàng xóm, bạn bè ở khu vui chơi trẻ em. Tất cả những hoạt động này sẽ giúp con tránh xa các thiết bị hiện đại như là TV, máy tính bảng, smartphone..." - Chị Ngô Trang chia sẻ.
Kinh nghiệm chọn đồ chơi gỗ thông minh cho bé
- Dưới 9 tháng tuổi: Mẹ nên chọn những món đồ gỗ có hình thù, màu sắc bắt mắt. Những loại đồ chơi gỗ thông minh có thể phát ra âm thanh vui nhộn hay êm dịu sẽ kích thích đến sự phát triển trí não của trẻ.
- Từ 9-15 tháng tuổi: Lớn hơn một chút, ở giai đoạn 9-15 tháng tuổi bé đã có thể chập chững những bước đi đầu tiên. Vì thế, những món đồ chơi hỗ trợ trẻ tập đi như những chiếc xe đẩy bằng gỗ hay những con vật có thể di chuyển bằng việc kéo dây.
- Từ 15 tháng đến 2 tuổi: Ở độ tuổi này, bé đã có thể tập nói chuyện, biết lắng nghe và cảm nhận âm thanh xung quanh như âm nhạc, lời đọc sách, tiếng bố mẹ trò chuyện với bé… Đặc biệt, trong giai đoạn này khả năng nhận thức về hình dạng kích thước của đồ vật đã được hình thành. Chính vì thế, để tốt hơn cho bé, bố mẹ có thể chọn mua những loại đồ chơi xếp hình bằng gỗ đơn giản.
- Giai đoạn từ 2-3 tuổi: Những món đồ chơi gỗ xếp hình, lắp ráp có nhiều màu sắc là lựa chọn hoàn hảo.
- Giai đoạn 3-5 tuổi: Mẹ nên chọn những món đồ chơi giúp bé phát huy tối đa trí tưởng tượng là thích hợp giúp bé rèn luyện trí não nhất. Bố mẹ có thể ưu tiên lựa chọn các loại đồ chơi như xếp hình gỗ, mô hình xe, các loại hình khối, các loại bảng chữ cái bằng gỗ hay hình vẽ trên gỗ…
- Trên 5 tuổi: Khác với những độ tuổi trước, sau 5 tuổi là thời điểm bé cần phải được dạy những kiến thức về toán học, chữ viết, vẽ tranh… để bé có thể biết nhiều và hiểu chuyện hơn. Đây cũng là độ tuổi mà bé đã có những sở thích riêng, do đó khi muốn mua đồ chơi cho bé bố mẹ nên tôn trọng theo sở thích của bé, đừng áp đặt và gò bó như trước.
|
Theo ttvn.toquoc.vn