leftcenterrightdel
 Phạm Nguyễn Đan Tâm trong ngày tốt nghiệp đại học (Ảnh: NVCC).

Xuất phát từ đam mê nghiên cứu và mục tiêu của bản thân, Phạm Nguyễn Đan Tâm (sinh năm 2000, Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) đã nỗ lực cố gắng và đạt được học bổng du học toàn phần bậc tiến sĩ của Đại học Ohio State (Hoa Kỳ) với ngành Tâm Lý Học Xã Hội.

Được biết, với học bổng trên, nữ sinh sẽ được miễn toàn bộ học phí, sinh hoạt phí và bảo hiểm trong suốt chương trình học. Tháng 7 này, Đan Tâm sẽ bắt đầu tham gia chương trình học của mình.

Mong muốn giảm thiểu tác động của định kiến xã hội về bổn phận và khả năng của nữ giới

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về lý do lựa chọn học bổng du học trên, Đan Tâm cho biết, từ khi còn nhỏ, bản thân em đã phải chứng kiến và trải qua nhiều định kiến, áp đặt về bổn phận và khả năng của nữ giới. Chính vì vậy, nữ sinh luôn muốn tìm hiểu về sự ảnh hưởng của những định kiến đó cũng như làm sao để giảm thiểu tác động của chúng lên quá trình phát triển và sức khoẻ tinh thần của nữ giới.

Đây cũng là lý do bản thân em luôn cảm thấy hứng thú và dành nhiều thời gian để tìm hiểu quá trình những khuôn mẫu, định kiến và sự phân biệt ấy ảnh hưởng tới trải nghiệm học tập, làm việc và sức khoẻ tinh thần của nữ giới ra sao.

Theo Đan Tâm, do thấy em có khả năng và thành tích học tập tốt, vào năm 3 đại học tại Trường Đại học Fulbright, giáo sư hướng dẫn của nữ sinh đã khuyến khích em tìm hiểu về nghiên cứu học thuật.

Sau một thời gian làm trợ lý nghiên cứu với giáo sư và thực hiện các dự án nghiên cứu độc lập với bạn bè, Đan Tâm dần cảm thấy yêu thích cũng như đam mê công việc nghiên cứu, chủ đề nghiên cứu của mình.

Vậy nên, Tâm đã quyết tâm tìm hiểu và theo đuổi các chương trình đào tạo tiến sĩ phù hợp để có thể nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiên cứu của mình, giúp em được “đi sâu” vào chủ đề nghiên cứu của mình nhiều hơn.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, Đan Tâm nhận thấy rằng tại Việt Nam hầu như chưa có chương trình đào tạo tiến sĩ Tâm lý học xã hội. Do đó, việc theo học các chương trình đào tạo ở nước ngoài là lựa chọn phù hợp để em có thể nâng cao kiến thức và trình độ của mình.

leftcenterrightdel
Không có điểm số cao, nữ giảng viên vẫn gây ấn tượng để đạt học bổng TS tại Pháp 

Và Đại học Ohio State là đơn vị mà Đan Tâm tìm thấy có giáo sư hướng dẫn cũng như phòng nghiên cứu phù hợp, giúp bản thân có được những hướng dẫn, đào tạo cần thiết để theo đuổi chủ đề nghiên cứu.

Hơn nữa, đại học này cũng có chương trình đào tạo chất lượng giúp cho cô gái trẻ có được nhiều cơ hội tiếp cận với dự án nghiên cứu phù hợp, phát triển mục tiêu mong muốn của bản thân. Theo bảng xếp hạng của US News vào năm 2022, Đại học Ohio State đứng tốp 7 những trường có chương trình đào tạo ngành Tâm lý học xã hội tốt nhất. [1]

Chia sẻ về một số phương pháp học tập đã giúp bản thân đạt được thành tích cao như hiện tại, Đan Tâm bày tỏ, em luôn quan niệm rằng không có phương pháp nào tốt nhất mà chỉ có phương pháp phù hợp nhất với tinh thần và thể chất của mình.

“Em đã thử nghiệm nhiều phương pháp, nhiều khung giờ và lịch trình học khác nhau, từ đó, quan sát xem những đâu mới là phương pháp và lịch trình học tập thật sự phù hợp với bản thân.

Đơn cử như trước đây, em từng muốn học khuya và ngủ ít như các bạn khác. Tuy nhiên, việc thức khuya và thiếu ngủ đã khiến em trở nên mệt mỏi hơn rất nhiều. Do đó, em đã thay đổi sang học tập vào sáng sớm và ngủ sớm hơn vào buổi tối. Nhờ vậy, việc học tập và nghiên cứu của em được hiệu quả, năng suất hơn, đồng thời đảm bảo được cả sức khoẻ tinh thần cho bản thân”, Đan Tâm bày tỏ.

Vượt qua khó khăn khi bị hàng chục chương trình và phòng nghiên cứu từ chối

Để đạt được học bổng du học bậc tiến sĩ, các thành tích, công trình về nghiên cứu khoa học là khá quan trọng. Và luận án tốt nghiệp đại học của Đan Tâm với chủ đề “Phân biệt giới tính trong môi trường công sở Việt Nam: Trải nghiệm của phụ nữ làm việc trong lĩnh vực STEM” cũng là một trong những yếu tố giúp em đạt được học bổng du học của mình.

Tâm cho hay, ở Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu học thuật về ảnh hưởng của sự phân biệt và định kiến lên sức khoẻ tinh thần cũng như trải nghiệm làm việc. Vì vậy, nghiên cứu của em với bản chất khám phá đã đưa ra những hiểu biết mới về chủ đề này. Qua đó, nâng cao nhận thức về sức ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phân biệt, định kiến cũng như tầm quan trọng của việc giảm thiểu chúng.

Cũng giống nhiều du học sinh khác, Đan Tâm cũng phải trải qua nhiều khó khăn, trở ngại để đạt được thành tích xuất sắc như hiện tại. Hơn nữa, Tâm lý xã hội lại là lĩnh vực còn rất mới ở nước ta.

Theo Đan Tâm, phần lớn mọi người chỉ biết về Tâm lý học tham vấn (Counseling Psychology) hay Tâm lý học lâm sàng (Clinical Psychology), do đó em không có nhiều hình mẫu (role model) để theo dõi và cơ hội nghiên cứu cũng khá hiếm hoi. Không những vậy, em cũng gặp phải định kiến giới từ một số người thân và bạn bè về việc bản thân theo đuổi việc học tập ở trình độ cao.

leftcenterrightdel
Đan Tâm tham gia nghiên cứu cùng 2 chuyên gia tại Trường Đại học Fullbright (Ảnh: NVCC). 

Nữ sinh cho biết thêm, em đã luôn chủ động liên hệ với các chủ nhiệm dự án nghiên cứu để tìm kiếm cơ hội. Em từng gửi email và nộp hồ sơ cho 30-40 phòng nghiên cứu, chương trình nghiên cứu nhưng đa phần đều bị từ chối. Bên cạnh đó, em cũng chủ động làm các dự án nghiên cứu với các bạn cùng khoá để có thêm kinh nghiên cứu.

Tuy nhiên, cũng chính những thách thức này đã giúp cho nữ sinh xác định rõ được bản thân thật sự đam mê với chủ đề nghiên cứu nào và thêm hiểu hơn về sự phù hợp, yêu thích của bản thân với công việc nghiên cứu.

Hơn nữa, Đan Tâm luôn cảm thấy bản thân may mắn khi có mẹ động viên và hỗ trợ tài chính trong quá trình nộp hồ sơ xin học bổng du học bậc tiến sĩ, mặc dù mẹ vốn không hiểu về nghiên cứu và việc ứng tuyển của em.

Không những vậy, nữ sinh còn có những giáo sư hướng dẫn, chủ nhiệm dự án động viên và trao cho mình cơ hội để làm "dày" kiến thức và kỹ năng, có những người bạn tốt luôn sẵn sàng động viên và chia sẻ về các kinh nghiệm.

Đó chính là những là những động lực giúp em vượt qua được mọi khó khăn, thách thức và gặt hái được thành quả của mình.

Kể lại về quá trình ứng tuyển cho chương trình đào tạo tiến sĩ, Đan Tâm cho hay, trước khi nhận thư mời phỏng vấn từ Đại học Ohio State, em đã tham gia phỏng vấn từ một số trường khác và cảm thấy bản thân chưa làm tốt. Vì vậy, trước buổi phỏng vấn với Đại học Ohio State, em đã lo lắng và khóc rất nhiều. Chỉ đến khi giáo sư phỏng vấn chúc mừng em được nhận vào trường, Đan Tâm mới nhận ra rằng, chính sự hoài nghi bản thân và nỗi sợ đã khiến em đánh giá không đúng về năng lực của mình.

Vậy nên, việc vượt qua nỗi sợ và hoài nghi bản thân là điều mà em đang cố gắng tìm cách và mong muốn khắc phục trong hành trình sắp tới.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Đan Tâm cho biết, em sẽ tiếp tục theo đuổi chủ đề mà bản thân đã đặt ra từ ban đầu. Bởi, lĩnh vực nghiên cứu này đặc biệt quan trọng với Đan Tâm - một trong những nhà nghiên cứu trẻ có nhiều trải nghiệm và quan sát những rào cản đối với nhiều phụ nữ trong khoa học.

Nữ sinh hy vọng rằng, bản thân sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia và hiện diện của nữ giới trong các lĩnh vực khoa học như STEM, ...

Trong quá trình học tập và rèn luyện của mình, Phạm Nguyễn Đan Tâm đã đạt được một số thành tích, giải thưởng tiêu biểu như tốt nghiệp cử nhân xuất sắc, top 20% GPA của Khoá sinh viên đồng kiến tạo - khoá cử nhân đầu tiên Trường Đại học Fulbright; Có 2 bài nghiên cứu được cho phép xuất bản và vừa được đăng tải trong Social Science Medicine của Tạp chí quốc tế Mental Health [2].

Trước khi đi du học, em đã là trợ lý nghiên cứu tại nhiều cơ sở giáo dục đại học và chương trình như Trường Đại học Fulbright, chương trình Social-Personality Undergraduate Research (SPUR) Program, Đại học New South Wales Wales, Đại học Yale, Trường Y tế Công cộng Chan T.H. của Đại học Havard.

Theo giaoduc.net