leftcenterrightdel
Học sinh Trường Trung học Swiss Cottage, Singapore, xếp chồng điện thoại lên bàn vào giờ ra chơi. 

Trong khi Singapore thông báo hạn chế thiết bị và khuyến khích sự chủ động của học sinh.

Học sinh tự giác

Trong giờ ra chơi tại Trường Trung học Swiss Cottage (Singapore), một nhóm học sinh lớp 4 xếp chồng điện thoại lên bàn, sau đó quay sang trò chuyện với nhau. Mục đích của các em là khuyến khích nhau tương tác trực tiếp thay vì mải mê nhìn vào điện thoại.

Anand Nethra, 16 tuổi, kể, trước đây, vào giờ ra chơi, em và các bạn đều tranh thủ lướt điện thoại để kiểm tra thông báo hoặc trả lời tin nhắn vì trong giờ học không được sử dụng. Nhưng sau khi tổ chức trò chơi xếp chồng điện thoại lên nhau, các em ít rút điện thoại ra hơn, thậm chí không trả lời tin nhắn. “Cháu cất điện thoại trong túi hoặc dưới gầm bàn học và gần như không bao giờ lôi nó ra sử dụng trong giờ học. Giờ đây cháu ít bị phụ thuộc vào điện thoại hơn”, nữ sinh Anand nói.

Bà Liz Kolb, chuyên gia về kỹ năng số cho biết: Đừng chỉ nói ‘không’ với trẻ vì chúng sẽ tìm cách làm ngược lại. Hãy trò chuyện và giúp học sinh hiểu về lý do tại sao phải hạn chế sử dụng điện thoại thay vì đơn phương ban hành lệnh cấm.

Ông Christopher Lim, 34 tuổi, trưởng bộ phận chăm sóc phúc lợi cho học sinh nhà trường, cho biết hoạt động “cách ly” điện thoại trong giờ ra chơi đã tạo nên một xu hướng mới trong trường học, khiến ngày càng nhiều học sinh ngừng sử dụng điện thoại di động vào giờ ra chơi. Điều này giúp các em tự chủ hơn, nhận thức rõ hơn về việc sử dụng điện thoại đúng cách.

“Học sinh lớn có thể làm gương cho học sinh nhỏ tuổi hơn bằng cách hướng dẫn các em cách sử dụng điện thoại một cách kỷ luật, hợp lý và không sử dụng thiết bị ngay cả trong giờ nghỉ giải lao. Những hoạt động này cần được nhân rộng hơn nữa”, ông Lim cho hay và nhấn mạnh, có nhiều yếu tố giúp học sinh chủ động rời xa điện thoại, trong đó người lớn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Tại Trường Trung học Swiss Cottage, ban giám hiệu đã cải tạo không gian để khuyến khích học sinh tương tác xã hội nhiều hơn thay vì sử dụng điện thoại.

“Chúng tôi sử dụng bàn ăn trong căng tin là bàn tròn, có nhiều chỗ ngồi hơn. Khi ngồi trong bàn tròn, học sinh sẽ tăng tương tác, thảo luận nhóm nên việc ngừng sử dụng điện thoại diễn ra một cách tự nhiên”, ông Lim giải thích.

Phụ huynh cũng dành sự tin tưởng tuyệt đối vào các quy định ngừng sử dụng điện thoại trong nhà trường. Mỗi năm học, nhà trường tổ chức nhiều buổi trò chuyện với học sinh, phụ huynh và giáo viên để thảo luận về các biện pháp hạn chế sử dụng điện thoại đúng cách, không áp đặt quy định mới lên học sinh, giáo viên mà chưa có sự thống nhất giữa các bên. Đến nay, dù Trường Trung học Swiss Cottage không cấm học sinh dùng điện thoại nhưng hầu hết các em đã có ý thức kỷ luật.

Nuôi dưỡng thói quen lành mạnh

GS Michael Chia - giảng viên Khoa Giáo dục thể chất và Khoa học thể thao, Viện Giáo dục Quốc gia Singapore cho biết, các trường học nên nuôi dưỡng những thói quen lành mạnh cho học sinh như cân bằng thời gian học tập và sử dụng màn hình điện tử. Nếu trẻ em và thanh, thiếu niên được phép sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác ở trường, họ sẽ bị cuốn vào, tiêu tốn quá nhiều thời gian, không còn chỗ cho hoạt động thể chất, hoạt động xã hội.

Chị Pam Chuang, 47 tuổi, có hai con đang học lớp 1 và lớp 3, bày tỏ vui mừng khi các trường học nghiêm khắc quản lý điện thoại di động. Bà mẹ không lo lắng vì không thể liên lạc với con cái qua điện thoại di động do các con phải cất thiết bị trong tủ khóa. “Trong những tình huống khẩn cấp, khi tôi cần đón các con sớm, tôi sẽ gọi đến văn phòng nhà trường và thầy cô sẽ chuyển lời nhắn cho các con tôi. Đến người lớn còn thường xuyên bị cám dỗ bởi việc dùng điện thoại hoặc lên mạng xã hội nên thật tốt khi thấy trẻ con được hướng dẫn sử dụng thiết bị đúng cách”, chị Pam bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm trên, chị Shoba Agnetha Seetaram, 44 tuổi, cho rằng việc cấm học sinh sử dụng điện thoại không khiến các em bị “mù công nghệ”. Trong các trường học Singapore, hầu hết bài tập, tài liệu học đều được đăng tải trực tuyến. Học sinh học trên máy tính bảng do nhà trường phân phát thay vì trên giấy. Do đó, các em vẫn được làm quen và sử dụng công nghệ đúng mục đích.

“Chúng ta chắc chắn không thể cấm hoàn toàn việc học sinh sử dụng điện thoại. Điều đó sẽ khiến trẻ tụt hậu trong thế giới công nghệ cao và nhịp độ nhanh ngày nay nhưng chúng ta chắc chắn có thể kiểm soát, kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc sử dụng điện thoại”, chị Shoba nói.

Trong những năm gần đây, các trường học tại Singapore đã tăng cường biện pháp hạn chế việc sử dụng điện thoại thông minh. Bộ Giáo dục nước này hiện chưa cấm việc sử dụng điện thoại di động trong trường học nhưng cho biết các trường có thể hạn chế sử dụng thiết bị một cách phù hợp với từng cấp học. Học sinh chỉ được phép sử dụng điện thoại ở những khu vực hoặc thời gian chỉ định như trong giờ ra chơi, sau giờ học hoặc ngoài hành lang.

leftcenterrightdel
 Học sinh tự giác cất điện thoại trước giờ học.
leftcenterrightdel
Pháp thử nghiệm cấm học sinh dùng điện thoại tại trường. 

Phổ biến trên toàn cầu

Singapore không phải quốc gia duy nhất muốn tìm cách hạn chế sử dụng điện thoại tại trường học. Nhiều quốc gia đã và đang ban hành chính sách từ hạn chế đến quyết liệt để giảm tình trạng trên. Mới đây nhất, vào cuối tháng 8, Bộ Giáo dục Pháp thử nghiệm cấm học sinh tại 200 trường tiểu học, THCS sử dụng điện thoại. Cụ thể, học sinh sẽ phải nộp điện thoại từ cổng trường trước khi bắt đầu ngày học.

Trước đó, Pháp đã cấm học sinh dùng điện thoại trong trường nhưng các em vẫn được phép mang theo và sử dụng vào thời gian rảnh. Đây là một trong ít nước cấm bằng cách học sinh phải nộp lại điện thoại cho giáo viên. Nếu phương pháp này đạt kết quả tích cực, Pháp sẽ triển khai trên toàn quốc từ năm 2025.

Tại châu Âu, bên cạnh Pháp thì Đức, Italy, Anh, Hà Lan, Phần Lan đã cấm các thiết bị thông minh trong lớp học. Lệnh cấm bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng hoặc đồng hồ thông minh. Học sinh chỉ được phép sử dụng các thiết bị trong trường hợp đặc biệt như lý do y tế hoặc là học sinh khuyết tật.

Tại Mỹ, vì mỗi bang có quy định giáo dục khác nhau nên lệnh cấm sử dụng điện thoại cũng được áp dụng ở từng bang và từng cấp. Các bang đã cấm gồm Ohio, Colorado, Maryland, Connecticut, Pennsylvania, Virginia, California. Trong đó, một số bang cấm học sinh tiểu học, THCS, số khác cấm trên toàn bậc phổ thông.

Tháng 7/2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đề xuất các nước cấm điện thoại thông minh trong trường học nhằm cải thiện khả năng học tập của học sinh và bảo vệ các em khỏi bạo lực mạng. Khảo sát 200 hệ thống giáo dục trên thế giới, UNESCO ước tính cứ 6 quốc gia có một nước cấm điện thoại thông minh trong trường học.

Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, nhấn mạnh: “Kết nối trực tuyến không thể thay thế sự tương tác giữa người với người”.

Trong báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu năm 2023, UNESCO đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều làm giảm hiệu suất học tập, tăng cảm xúc tiêu cực của trẻ em. Do đó, UNESCO kêu gọi cấm điện thoại thông minh trong trường học và duy trì mục tiêu “lấy con người làm trung tâm” trong giáo dục.

Ngoài ra, không nhiều nghiên cứu chứng minh công nghệ kỹ thuật số bổ sung giá trị vốn có cho giáo dục. Do đó, các nhà hoạch định chính sách không nên áp dụng kỹ thuật số thiếu thận trọng, nhất là trong giáo dục.

leftcenterrightdel
 Dùng điện thoại trong giờ học làm giảm mức độ tập trung.
leftcenterrightdel
Học sinh Singapore trò chuyện với nhau thay vì sử dụng điện thoại. 

 

Tìm cách thực thi hiệu quả

Việc cấm điện thoại trong trường học đạt nhiều kết quả tích cực. Theo nghiên cứu của Tổ chức Giáo dục Schneide, Đức, việc cấm giúp học sinh tăng mức độ tập trung, cải thiện hiệu suất học tập, giảm sự phụ thuộc vào công nghệ, giảm tình trạng gian lận và tăng cường tương tác với mọi người xung quanh.

Về mặt sức khỏe tinh thần, lệnh cấm giúp học sinh không bị nghiện và lệ thuộc vào các thiết bị điện tử, giảm nguy cơ béo phì, ngủ ngon hơn và phát triển các kỹ năng xã hội lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra một số nhược điểm khi học sinh bị cấm dùng điện thoại như hạn chế quyền truy cập và các nguồn học liệu, phát triển kỹ năng số, giảm tương tác với bạn bè. Ngoài ra, nghiên cứu nhấn mạnh khó khăn lớn nhất trong việc cấm sử dụng thiết bị điện tử là khả năng thực thi. Thực tế cho thấy ở những trường học, quốc gia ban hành lệnh cấm, học sinh vẫn tìm cách “lách luật”.

Đơn cử, tại Singapore, một số giáo viên cho biết học sinh vẫn vi phạm quy định hạn chế. Các em nộp điện thoại “giả” và tiếp tục sử dụng điện thoại riêng dưới gầm bàn. Các em có thể nhắn tin hoặc sử dụng mạng xã hội trên các thiết bị học tập cá nhân như máy tính bảng, máy tính xách tay.

Một giáo viên kể: “Đôi khi chúng tôi phát hiện học sinh nộp vỏ điện thoại, điện thoại hỏng trước giờ học. Chúng tôi phải nhắc nhở học sinh, rà soát lại các thiết bị và điều này gây ảnh hưởng đến tiết học”.

Còn tại Mỹ, nhiều gia đình không ủng hộ việc cấm sử dụng điện thoại tại trường. Nguyên nhân là họ không thể liên lạc với con cái trong trường hợp khẩn cấp, không thể kiểm tra con có đến trường hay không. Nhiều người muốn con sử dụng thành thạo thiết bị điện tử để không bị bỏ lại trong thế giới công nghệ 4.0 như hiện nay.

Tại Trường Trung học Kensington, thành phố Philadelphia, Hiệu trưởng Jose Lebron cho biết: “Khi chúng tôi gửi thông báo cho phụ huynh về lệnh cấm, phụ huynh lập tức gọi điện phản đối. Nhiều người khiếu nại lên Hội đồng thành phố, khu học chánh như thể thế giới sắp kết thúc”.

Theo chuyên gia này, phản ứng của phụ huynh là điều dễ hiểu bởi trong những năm gần đây, bạo lực trong trường học gia tăng. Phụ huynh luôn muốn sát sao với sự an toàn của học sinh. Nhưng không có nghiên cứu nào chứng minh sử dụng điện thoại di động trong trường học sẽ giúp học sinh an toàn hơn.

Vì vậy, để lệnh cấm thực sự có hiệu quả và đi vào thực tế, các chuyên gia khuyến nghị trường học tăng cường phổ biến phụ huynh về sức khỏe kỹ thuật số. Nhà trường và gia đình cùng tìm cách chung để quản lý, giám sát hoạt động sử dụng thiết bị điện tử của con cái.

Trẻ em và thanh, thiếu niên cần trân trọng hơn nhịp sống thực tế, dành thời gian cho ước mơ, vui chơi, bạn bè và cuộc sống thực ngoài học tập. Những giá trị này thường bị đánh giá thấp bởi sự lên ngôi của các thiết bị điện tử. GS MICHAEL CHIA (Viện Giáo dục Quốc gia Singapore)

Theo giaoducthoidai