leftcenterrightdel
 Các cháu bé xuất hiện trong clip như một trò đùa của giáo viên - Ảnh chụp màn hình.

Mạng xã hội đang lan truyền clip một số trẻ mầm non đeo gông (bằng bìa carton) ở cổ tay giống tù nhân ngày xưa. Trên mỗi "gông" đều ghi 1 tội danh. Có em mang tội “ăn chậm nhất lớp”, em thì “7g vào học 10g đến”, em “ẻ nhiều nhất lớp”, em khác bị bêu rếu “sơ hở là khóc”, “cô nói 1 trả treo 10”... Để tăng độ hài hước, người dựng clip sử dụng bài Những bàn chân lặng lẽ - nhạc phim Cảnh sát hình sự làm nhạc nền.

Trend đeo gông hay đeo còng số 8 bằng giấy cho trẻ đã xuất hiện trên mạng xã hội được 1 thời gian. Từng có clip tương tự ở một trường mầm non khác nhận được lượt xem khủng trên mạng. Với clip đang lan truyền, nhiều người xem thừa biết mục đích của người thực hiện là để “đu trend”, câu view và đã khiến cộng đồng bức xúc. Người làm giáo dục nỡ lòng nào lại đem con trẻ ra làm trò tiêu khiển như thế!

leftcenterrightdel
 Nhiều người bức xúc khi thấy các trẻ bị giáo viên quay clip đeo "gông". Ảnh chụp màn hình.

Trong clip, các con hồn nhiên với chiếc "gông" đang mang, có bé còn nhoẻn miệng cười. Ở độ tuổi mẫu giáo, các em chẳng thể hiểu nội dung ghi trên tấm bảng là gì. Chúng chỉ làm theo lời người lớn nói. Không rõ các giáo viên thực hiện clip này đã xin phép phụ huynh chưa và có được đồng thuận không khi quay rõ mặt của từng em như vậy.

Có thể nhiều người xem nhẹ vấn đề, bảo đây là trò đùa vui, có gì đâu mà “ném đá”. Nhưng một khi clip đã đăng lên mạng xã hội thì dù người đăng có thu hồi cũng khó thể xoá sạch ở các nền tảng. Rồi mai này khi các con lớn lên, có nhận thức, liệu ai sẽ chịu trách nhiệm nếu những hình ảnh này bị mang ra chọc ghẹo?

Thử nghĩ cảnh bé gái với tội danh “ẻ nhiều nhất lớp” sau này bị bạn bè khui lại và đùa giỡn, có phải trò đùa phút chốc của người lớn hôm nay sẽ ám ảnh cuộc đời của con sau này. Ai làm người lớn cũng từng là con trẻ, đều hiểu không phải đứa trẻ nào cũng có sức đề kháng tốt trước những chọc ghẹo, nên xin đừng xem con như trò tiêu khiển, hành xử tuỳ tiện.

Tôi nhớ đến cô bạn ngồi cạnh mình năm lớp 3. Trong 1 buổi học, bạn đau bụng và đi ngoài ngay trong lớp. Giáo viên chủ nhiệm dặn cả lớp không được chọc ghẹo bạn, nhưng học sinh lớp khác biết chuyện đã chọc ghẹo bạn. Từ sự cố đó bạn tôi có biệt danh mới. Được một thời gian, bạn chuyển trường.

leftcenterrightdel
 Nội dung tin nhắn của giáo viên đang bị phản ứng dữ dội trên mạng xã hội

Trẻ em ở tuổi cần dạy dỗ, chỉ bảo, rất khó tránh khỏi những nội dung như đi học trễ, ăn chậm... như trong clip, đâu đáng bị mang ra để làm trò cười.

Dịp đầu năm học, ngoài clip trẻ mầm non bị tận dụng để câu view, một đoạn chat của 1 giáo viên cũng khiến cộng đồng phụ huynh nổi sóng. Trong tin nhắn, giáo viên thông báo danh sách các em không đăng ký ăn bán trú kèm tin nhắn: “Phương Anh (nhìn rất nghèo có tham gia bán trú được không) để cô cắt ngay từ đầu. Còn ăn thì phải đóng tiền đúng thời gian”.

Tin nhắn này sau đó được thu hồi, nhưng nhiều tài khoản trong nhóm 39 phụ huynh đã chụp lại, chia sẻ trên mạng. Thái độ miệt thị, coi thường gia đình học trò nghèo khiến cộng đồng bức xúc, ngán ngẩm tư chất, đạo đức người giáo viên này.

Giáo viên sẵn sàng nói lời tổn thương, xem thường học trò. Môi trường phản giáo dục như vậy cần được loại trừ!

Theo phụ nữ TPHCM