Mỗi ngày, trước khi ngồi vào bàn học cùng con, bà mẹ người Mỹ gốc Mexico này phải dùng Google dịch trên điện thoại. Nhưng nhiều khi Google cũng "bó tay" và cô con gái 9 tuổi, học sinh của một trường tiểu học ở Las Vegas, bang Nevada được cầu viện.

"Thành thật mà nói, ngoại ngữ là điều gây khó khăn cho tôi hơn bất cứ thứ gì", Luna nói. Cô cho biết chồng biết ngoại ngữ nhiều hơn cô một chút, và mỗi khi đi làm về, anh thường là người hỗ trợ cô đắc lực trong việc học của các con. Trong khi đó, từ khi không còn làm việc và chỉ ở nhà, Luna cũng không có cơ hội giao tiếp tiếng Anh.

Khi các trường học Mỹ đóng cửa vì Covid-19, học sinh phải học từ xa ở nhà nhưng nhiều bậc phụ huynh không thể giúp đỡ con do không biết tiếng Anh. Ảnh: AP.

Việc chuyển hướng sang học từ xa đã tạo nên những thách thức "có một không hai" cho các bậc cha mẹ là người nhập cư - những người được giao nhiệm vụ hỗ trợ cho con theo kịp những bài học trực tuyến hàng ngày. Cản trở lớn nhất của họ là rào cản ngôn ngữ và sự thiếu quen thuộc với hệ thống giáo dục.

Theo thống kê gần đây nhất của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, có hơn 4,8 triệu học sinh học tiếng Anh tại các trường công lập trong năm 2016, chiếm gần 1/10 trong tổng số học sinh toàn quốc. Trong khi một số giáo viên đang thực hiện nhiều biện pháp bổ sung để giúp đỡ học sinh, một mối lo ngại dấy lên rằng những trẻ này có thể sẽ bị tụt lại, trong bối cảnh ngày càng nhiều các ngôi trường bị đóng cửa trong đại dịch.

Obed Acosta, một học sinh lớp 10 ở Baltimore chỉ mới đến Mỹ sống khoảng một năm, đang cố gắng tự mình mày mò các bài tập, kể từ khi trường học của cậu đóng cửa. Một chương trình ngoài giờ học chính khóa được tổ chức bởi một nhóm vận động dành cho người nhập cư đã đưa ra một số sự trợ giúp, tuy nhiên cha mẹ cậu không đủ năng lực để có thể hỗ trợ con.

Obed kể: "Bố mẹ sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi trong việc học, nhưng cái khó của họ chính là ngoại ngữ. Họ có thể hiểu và diễn đạt bằng lời, nhưng nếu phải đọc một văn bản nào đó, họ sẽ không thể hiểu hết ý của nó". Ở nhà, Obed xem phim với phụ đề tiếng Tây Ban Nha để cải thiện tiếng Anh. Với vốn tiếng Anh hạn chế của mình, cậu giúp em trai và em gái hiểu các bài tập về nhà của chúng.

Hiện tại, một số giáo viên đã nghĩ ra các chiến lược để vượt qua rào cản ngôn ngữ. Sofia Halpin, một giáo viên tại trường Denver, nơi có một lượng lớn sinh viên nhập cư, đã tham gia một chương trình mới trong năm nay, kết hợp các giáo viên nói tiếng Anh và các cộng sự, nhằm đảm bảo các bài học có cả bằng tiếng Tây Ban Nha. Khi trường chuẩn bị khởi động việc học trực tuyến từ 7/4, Halpin và các đồng nghiệp đang lên kế hoạch bài vở bằng cả hai ngôn ngữ, cho học sinh lẫn cho cha mẹ chúng.

"Rất nhiều học sinh của tôi nói tiếng Anh trôi chảy, nhưng cha mẹ của chúng thì không. Hẳn các bậc cha mẹ là những người mà trẻ tìm đến để có được sự giúp đỡ khi làm bài tập, vậy nên cha mẹ cần phải hiểu nội dung bài tập đó là gì", Halpin nói.

Tuy nhiên, Halpin biết rằng những thách thức không dừng lại ở đó, nhất là với những gia đình mà thời gian ở nhà hạn chế bởi công việc, nhất là trong nhóm nghề nghiệp liên quan đến dịch vụ thiết yếu.

"Tôi nghĩ rằng việc giao tiếp với các giáo viên sẽ là một khó khăn với các gia đình như vậy. Họ có thể không thoải mái khi tiếp cận với những giáo viên không tương đồng ngôn ngữ với họ".

Theo Joshua Lawrence, một nhà nghiên cứu tại Đại học California, các trường học đóng của có nguy cơ làm xấu thêm hiện tượng "trượt dốc mùa hè", trong đó học sinh mất đi học lực khi xa trường một thời gian nhất định. Các nghiên cứu cho thấy việc tiếp thu ngôn ngữ cũng có thể bị trượt dốc, nếu những người học tiếng Anh dành cả mùa hè để nói một ngôn ngữ khác ở nhà. Ông cho biết, những phát hiện này có liên quan mật thiết đến việc các học sinh giờ đây phải đối mặt với quãng thời gian xa trường dài hơn.

Vào một buổi sáng gần đây, George Barcenas nhìn ra cửa sổ văn phòng của mình ở Santa Rosa, California, đúng lúc thấy các sinh viên đến lấy các bữa sáng, bữa trưa để mang về nhà. Vị giám đốc công nghệ của trường Bellevue Union School District nói rằng mục tiêu trước mắt là đáp ứng nhu cầu cơ bản của học sinh, trong khi quận xây dựng một kế hoạch dài hạn để tiếp tục học tập.

Học sinh ở quận này 91% là da màu, phần lớn là người gốc Tây Ban Nha. Barcenas đã lên các phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá về ứng dụng Google dịch, trong đó sử dụng camera điện thoại để scan các văn bản và hiển thị bản dịch trên màn hình nhằm giúp học sinh và phụ huynh, những người đang vật lộn với việc giải quyết đống bài tập.

"Chúng tôi đã làm một công việc hữu ích là chuyển ngữ tất cả. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, với cương vị của mình, chúng tôi đang phải tìm một cách nào đó để giúp họ. Vậy thì đó (dùng Google Translate) là cách nhanh chóng giúp cho họ có thể hiểu giáo viên cần gì, điều giáo viên nói là gì", anh chia sẻ.

Theo vnexpress