leftcenterrightdel
 Hướng nghiệp là vấn đề đau đầu của các phụ huynh có con trước ngưỡng cửa đại học (ảnh minh họa)
Năm sau con tôi sẽ vào đại học. Từ hơn năm nay, vợ chồng tôi đã tham khảo thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả cùng con tham gia các buổi tư vấn hướng nghiệp của các trung tâm giáo dục để chọn trường và ngành học cho con.

Con cũng được kiểm tra sở thích, điểm mạnh điểm yếu của bản thân qua các bài tập trắc nghiệm hướng nghiệp. Có thể thấy, ngay từ đầu, cả nhà chia “phe” rõ rệt: chồng tôi muốn con theo học những ngành được cho là “an toàn” trong khả năng kiếm việc làm và cho thu nhập tốt sau khi tốt nghiệp. Về phương diện này, anh cho rằng con cái không thể có kinh nghiệm nhìn xa trông rộng bằng cha mẹ. Tôi lại muốn tôn trọng sở thích của con, tôi cho rằng cái gì con đam mê, hứng thú thì mới học tốt, mới gắn bó lâu dài và phát triển được.

Tuy nhiên, theo chồng tôi, lựa chọn theo cảm xúc thường cảm tính bởi cảm xúc luôn thay đổi, chỉ cần thiếu kiên định sẽ khó bền chí với bất kỳ chuyện gì, nhất là việc học. Chỉ tội nghiệp con tôi, luôn nghe ngóng thái độ của ba mẹ, trong khi nó nghiêng về phía mẹ nhưng lại sợ sự cứng rắn của ba.

Cũng may, rốt cục chúng tôi đã đi đến thống nhất với giải pháp là con sẽ được học ngành con thích. Nếu sau 1 hoặc 2 năm đầu con thấy không phù hợp thì sẽ chuyển sang ngành khác. Việc học còn cả đời nên không có gì phải vội vã.

Là cha mẹ, hầu hết chúng ta đều mắc phải suy nghĩ “trứng sao khôn hơn vịt, áo mặc sao qua khỏi đầu” nên thường áp đặt con cái theo mong muốn chủ quan, phần vì quan niệm “chỉ muốn điều tốt đẹp cho con”, phần vì tin rằng kinh nghiệm bản thân sẽ giúp con tránh lặp lại vết xe đổ của cha mẹ ngày xưa hoặc sẽ thành công như bố mẹ.

Quan điểm ấy không sai. Tuy nhiên, mỗi thời đại xã hội mỗi khác, các yếu tố ảnh hưởng đến nghề nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế xã hội cũng khác nhau, nếu cứ áp dụng kinh nghiệm của cha mẹ từ mấy chục năm trước cho con cái thời nay thì không hợp lý. Những điều chúng ta cho là tốt ở thời điểm hiện tại chưa hẳn còn phù hợp ở thời đại con cái chúng ta.

Chưa kể, ít ai thừa nhận bằng cách áp đặt như thế, cha mẹ cũng gửi gắm luôn những kỳ vọng của chính họ nơi con, thậm chí xem con cái là công cụ thực hiện những hoài bão dở dang của mình ngày còn trẻ.

leftcenterrightdel
 Mọi sự can thiệp cứng nhắc hay áp đặt dễ mang lại tác dụng ngược khi con đang giai đoạn hình thành tính cách để trở thành “người lớn” (ảnh minh họa)


Tôi nghĩ, việc chọn trường hay chọn ngành học cho con là cả một quá trình sát cánh cùng con lâu dài, chứ chưa kết thúc ngay sau khi con (hoặc cả nhà) đã quyết định sự lựa chọn. Ngay cả khi đó là ngôi trường hoặc ngành học mà con yêu thích (hoặc cả nhà hài lòng) thì đó vẫn chưa phải là yếu tố quyết định sự thành công của con sau này.

Cuộc sống nói chung, sự nghiệp nói riêng đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau. Cha mẹ chỉ nên ủng hộ con đến một mức độ nào đó, còn lại hãy để con tự giải quyết các vấn đề để có thể tự đứng vững trên đôi chân chính mình. Mọi sự can thiệp cứng nhắc hay áp đặt dễ mang lại tác dụng ngược khi con đang giai đoạn để trở thành người lớn. Tôi chọn chấp nhận mọi rủi ro, thậm chí thất bại một cách nhẹ nhàng, để từ mỗi sự vấp ngã con sẽ thêm trưởng thành mà lớn lên.

Theo phụ nữ TPHCM