VĐV gốc Việt Haven Shepherd lần đầu dự Paralympic. Ảnh: Instagram.

"Nếu bạn có lòng tin vào bản thân mình, bạn có thể đi tới tận cùng", Haven Shepherd chia sẻ trên People và cô chứng minh bằng chính hành trình kỳ diệu của mình từ một cô bé mất người thân và một phần cơ thể đến khi là tuyển thủ quốc gia. Năm 13 tuổi, cô gái nhỏ khi ấy tự nhủ rằng có ngày mình sẽ dự Paralympic và giờ đây Haven là thành viên của tuyển bơi khuyết tật Mỹ dự Paralympic Tokyo. Nữ VĐV 18 tuổi lần đầu tham dự Thế vận hội, sẽ tranh tài ở 100 m ếch hạng SB7 và 200 m hỗn hợp cá nhân.

Câu chuyện cổ tích của Haven Shepherd bắt đầu bằng bi kịch khi cô mới 14 tháng tuổi. Bố mẹ cô trong một lần mâu thuẫn tình cảm đã quấn bom quanh người rồi bế con gái nhỏ tự sát ở Đà Nẵng, Việt Nam. Họ tin rằng nếu không thể ở bên nhau thì sẽ chết cùng nhau. Bố mẹ Haven tử vong trước sức ép của vụ nổ còn cô bé chưa tròn tuổi rưỡi sống sót nhưng phải cưa hai chân.

6 tháng sau, Haven được một đôi vợ chồng người Mỹ - ông Rob và bà Shelly Shepherd - nhận nuôi, cho cô một gia đình và cuộc đời thứ hai ở Carthage, Missouri. "Tôi vô cùng biết ơn họ vì đã cứu tôi. Bố mẹ nuôi đã cho tôi cả thế giới", Haven thú nhận. Trên đất Mỹ, cô gái gốc Việt sống cùng 4 chị gái và hai anh trai. "Tôi luôn đùa với các anh của mình rằng tôi là một cô gái thần kỳ, rằng tôi được bố mẹ cưng chiều hơn", Haven cười nói.

Hôm 21/6, nhân Ngày của bố, Haven chia sẻ bức ảnh ngày còn bé xíu được bố nuôi bế trên tay khi rời Việt Nam. "Đây là một trong những bức ảnh yêu thích nhất của tôi và bố. Ông bế tôi ra sân bay ở Sài Gòn sau khi rời Đà Nẵng, đưa tôi tới cuộc sống mới tươi đẹp. Trông ông giống một người lính bắn tỉa hoặc một thám tử nhưng với tôi, ông đích thực là người hùng. Bố đã làm việc cật lực để tôi có thể thực hiện được những ước mơ của mình", cô gái viết.

Haven và bố nuôi người Mỹ ngày rời Việt Nam. Ảnh: Instagram.

VĐV gốc Việt chưa bao giờ oán hận bố mẹ đẻ vì những gì đã xảy ra khiến bản thân trở thành người khuyết tật. "Đó là một cuộc đời mà tôi chưa từng sống. Tôi không nhớ gì cả. Tôi chỉ mất chân thôi, đáng ra tôi có thể mất mạng", Haven thổ lộ.

Lớn lên cùng những anh chị em ưa hoạt động thể thao, Haven cũng tích cực tham gia tập luyện dù cơ thể khiếm khuyết. Sau khi được một tổ chức phi lợi nhuận tặng một đôi chân giả, cô bắt đầu tập chạy. Đến năm 9 tuổi, cô bé Haven bỏ môn thể thao này vì đau chân và quá mệt. Cô từ bỏ và bắt đầu tập bơi theo lời khuyên của bố mẹ. Ở dưới nước, Haven cảm thấy tự do, yêu thích và chăm chỉ tập luyện hàng ngày.

VĐV gốc Việt được biết đến là một cô gái hài hước và lạc quan. "Bạn luôn phải nhìn vào mặt tích cực của cuộc sống. Tôi biết tôi rơi vào hoàn cảnh tồi tệ nhưng tôi đã bước ra ngoài và có cơ hội thứ hai. Tôi bằng lòng là cá thể duy nhất và điều đó tạo nên sự khác biệt trong cuộc đời tôi. Hãy chấp nhận những gì bạn không thể thay đổi và thay đổi những gì bạn có thể", Haven tâm niệm.

VĐV gốc Việt có nhiều nét giống Sunisa Lee - VĐV thể dục dụng cụ Mỹ gốc Lào vừa giành HC vàng toàn năng nữ tại Olympic Tokyo cuối tháng 7. Ảnh: Instagram.

Ngoài là một VĐV, Haven cũng là người mẫu cộng tác với các công ty thời trang trong đó có thương hiệu Tommy Hilfiger. Một trong những đam mê khác của VĐV tuổi teen là vẽ tranh. "Mục tiêu của tôi ở Tokyo là vui vẻ và được là chính mình. Tôi sẽ không đặt kỳ vọng quá cao về bản thân bởi nếu mong đợi quá sẽ thất vọng. Nếu tôi ngẩng cao đầu rời Tokyo, điều đó giá trị với tôi hơn một tấm HC vàng", cô gái trẻ gốc Việt thổ lộ. Thần tượng của cô là đồng hương Jessica Long - VĐV cũng mất cả hai chân và từng 13 lần vô địch Paralympic. Jessica cũng tranh tài ở Paralympic Tokyo năm nay.

Theo ngoisao