Phụ nữ với áo dài xưa, ảnh chụp năm 1884. Hai người ngồi giữa mặc áo năm thân, hai người hầu mặc áo tứ thân - Ảnh: C. Hocquard

Ý kiến đó của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan tại hội thảo "Huế - kinh đô áo dài Việt Nam" do Sở Văn hóa - thể thao Thừa Thiên Huế tổ chức hôm 8-7 vừa rồi tại Huế đã khiến cả hội trường lặng phắc vì bất ngờ.

Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã định lại trang phục gì?

Tại hội thảo, các tham luận và ý kiến trao đổi đã đưa ra những căn cứ là sử liệu của Việt Nam và ghi chép của người nước ngoài, để đi đến khẳng định: chúa Nguyễn Phúc Khoát là người đã đặt ra quy định về việc "mặc áo năm thân, cài khuy bên phải và mặc quần", tức là trang phục áo dài của Việt Nam ngày nay.

Chủ yếu là dựa vào ghi chép của Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tạp lục, công trình sử học - địa chí ghi chép lịch sử - văn hóa của xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn.

Phụ nữ thời Nguyễn năm 1918 trong trang phục áo năm thân (tức áo dài sau này) - Ảnh: Albert Kahn

Cụ thể, các tham luận đều dựa trên đoạn Lê Quý Đôn chép vào năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi vương, xưng vương hiệu, đổi mới phong tục, định lại trang phục trên toàn xứ Đàng Trong, nhằm khẳng định độc lập với Đàng Ngoài.

Đoạn ghi chép này cho biết chúa đã lệnh thay đổi trang phục của quan lại văn võ theo như thể chế trong sách Tam tài đồ hội của thời Minh (Trung Quốc). Lại hạ lệnh cho nam nữ đổi dùng áo quần như Bắc quốc, phụ nữ phải mặc "áo ngắn, hẹp tay" như trang phục nam giới.

"Áo ngắn chứ không phải là áo dài", đó là chi tiết khiến nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan băn khoăn và đề nghị hội thảo cần làm sáng tỏ.

Một gia đình nhà giàu ở Bắc Kỳ, năm 1884, với trang phục áo dài - Ảnh: C. Hocquard

Áo ngắn hay áo dài?

Sau hội thảo, chúng tôi đã trao đổi với nhà nghiên cứu Trịnh Bách, chuyên gia về trang phục cổ. Ông Bách cho biết những gì ghi chép trong sách Phủ biên tạp lục chỉ cho thấy chúa Nguyễn Phúc Khoát đã định lại trang phục cho Đàng Trong, và chủ yếu là triều phục theo sách Tam tài đồ hội thời Minh.

Trang phục của dân chúng cũng theo Bắc quốc, nhưng phụ nữ thì phải mặc kiểu áo mà sách ghi bằng chữ Hán là "trách tụ đoản y như nam trang", tức là "áo ngắn, hẹp tay như trang phục đàn ông". Không có một dòng nào ghi chép về áo dài hay áo năm thân - tiền thân của áo dài.

Áo dài được tôn vinh tại hội thảo Huế - kinh đô áo dài - Ảnh: Nhật Linh

Ngoài ra, các tham luận tại hội thảo áo dài tại Huế còn trích đoạn ghi chép tiếp theo của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, vào năm 1776, có mô tả "thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền không cho xẻ mở", và cho rằng đó là áo dài.

Ông Bách cho biết năm 1776 là năm mà chúa Trịnh đã vào chiếm Thuận Hóa, và ra chỉ dụ bắt buộc dân chúng không được ăn mặc như người Trung Quốc, mà phải ăn mặc trở lại như Đàng Ngoài của triều Lê - Trịnh.

Cái áo "cổ đứng ngắn tay" nguyên văn chữ Hán trong sách là "trực lĩnh đoản tụ y" là "áo ngắn tay với thân trước mở dọc". Đó là chiếc áo tứ thân mà phụ nữ Đàng Ngoài lúc đó thường mặc, không phải áo ngũ thân (tức áo dài sau này).

Cũng theo Phủ biên tạp lục, chúa Nguyễn Phúc Khoát định lại triều phục theo kiểu của triều Minh, trang phục dân chúng theo Bắc quốc, nhưng riêng kiểu "áo ngắn, hẹp tay như trang phục đàn ông" thì Lê Quý Đôn ghi rõ là "Bắc quốc không có như thế".

Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy cho rằng việc xác lập chúa Nguyễn Phúc Khoát là "ông tổ chiếc áo dài" là do đọc không kỹ sách Phủ biên tạp lục dẫn đến hiểu sai "áo ngắn thành áo dài".

Đám rước áo dài tại lễ tri ân Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát hôm 9-7 - Ảnh: Nhật Linh

Cần tìm thêm nhiều nguồn tài liệu khác

TS Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Thừa Thiên Huế (đơn vị tổ chức hội thảo), cho rằng việc chúa Nguyễn Phúc Khoát được tôn vinh là người có công khai sinh chiếc áo dài truyền thống của người Việt từ trước đến nay đã có nhiều nghiên cứu khẳng định, và sự khẳng định đó không chỉ dựa trên các sử liệu từ Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn.

Ông Hải cho biết trong hội thảo này đã có một bài tổng hợp tư liệu rất công phu của TS Lê Thị An Hòa liên quan đến vấn đề trên.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa thừa nhận đã có sự nhầm lẫn khi dẫn thông tin từ Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn. Ông Hoa nói đúng là trong Phủ biên tạp lục ghi "trách tụ đoản y" tức "áo ngắn hẹp tay" chứ không phải áo dài.

Tuy nhiên, ông Hoa vẫn cho rằng người có công khai sinh ra áo dài Việt Nam vẫn là Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát.

Bằng chứng là trong sách Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục có ghi thông tin vua Minh Mạng đã ban sắc lệnh "cấm đàn ông đóng khố, đàn bà không được mặc váy kiêm áo tứ thân; nhất loạt đều dùng quần chân và áo năm thân theo lệnh của Hiếu võ Hoàng Đế (tức chúa Nguyễn Phúc Khoát - PV) năm xưa ở Thuận Hóa".

"Dù chỉ là dã sử, không phải chính sử, nhưng nó lại được biên soạn bởi hai nhân vật đáng tin cậy và sống ở thời vua Minh Mạng là Lý Văn Phức và Nguyễn Công Trứ.

Vậy nên có thể hiểu rằng vua Minh Mạng đã khẳng định việc chúa Nguyễn Phúc Khoát là người có công khai sinh và đưa áo năm thân - tức áo dài - vào đời sống của người dân xứ Đàng Trong. Tất nhiên, việc này cũng cần phải có thêm nhiều nguồn tư liệu và nghiên cứu nữa" - ông Hoa nói.

Tiền thân của áo dài ra đời giữa thế kỷ 15-16

Áo dài năm thân của hoàng thái hậu triều Nguyễn đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu Trịnh Bách

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho rằng chiếc áo dài năm thân - tiền thân của áo dài sau này - ra đời ở Thuận Hóa vào khoảng giữa thế kỷ 15-16, và đến khoảng cuối thế kỷ 16 - đầu 17 đã phổ biến sâu rộng ở địa phương này.

Theo sử gia Phan Khoang trong sách Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777, tương truyền Đào Duy Từ trong lúc lập kế chống lại họ Trịnh đã khuyên chúa Nguyễn Phúc Nguyên đổi cách ăn mặc của dân chúng xứ Đàng Trong cho khác hẳn với xứ Đàng Ngoài.

Như bỏ nón thượng đội nón chóp, bỏ áo tứ thân phơi yếm mà mặc áo năm thân cài khuy, bỏ váy để mặc quần. Áo năm thân cài khuy bên phải chính là chiếc áo dài sau này.

Theo tuoitre