Ảnh kỷ yếu của nữ sinh Thái Lan. Ảnh: NVCC

"Anh hùng bàn phím chỉ người giỏi phê phán người khác trên mạng, gato là ghen ăn tức ở, còn bánh bèo em không biết là gì", Lalitpat Kerdkrung (thường được gọi là Trang) nói và cười phá lên khi tham gia thử thách đoán nghĩa những từ giới trẻ Việt Nam hay dùng. Cô thấy thú vị khi chơi trò này với nhóm bạn mới quen trước khi trở về Thái Lan vào thứ tư tuần tới.

Hoàn thành khóa Việt Nam học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) với danh hiệu thủ khoa đầu ra, cô gái sinh năm 1995 bảo 5 năm sinh sống và học tập tại Việt Nam là quãng thời gian không quá dài, nhưng đủ tích lũy kinh nghiệm, vốn sống để thực hiện ước mơ làm ở Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam.

Năm 2013, khi đang là nữ sinh một trường THPT hàng đầu Bangkok, học về lịch sử và địa lý các nước Đông Nam Á, Trang ấn tượng với việc Việt Nam vượt qua những cuộc chiến tranh để thành nước có vai trò quan trọng trong khu vực và quốc tế. Tự hỏi "Tại sao mình có nhiều kiến thức về châu Âu mà lại mù mờ về các nước láng giềng", Trang quyết định tìm cơ hội sang Việt Nam tìm hiểu.

Đúng lúc đó, Bộ Ngoại giao Thái Lan công bố học bổng hàng năm cho học sinh tới ba nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Không chần chừ, Trang nộp hồ sơ và tập trung ôn thi trong ba tháng. Cuối tháng 12/2013, trong khi mọi người vui vẻ ăn Tết Tây, cô vùi mình vào sách vở, luyện tiếng Anh để chuẩn bị cho vòng thi lấy học bổng. Kết quả, cô trở thành học sinh duy nhất được sang Việt Nam với học bổng toàn phần.

Thời gian đó Trang trúng cũng tuyển vào ngành Chính trị học, Đại học Chulalongkorn - ngôi trường danh giá số một Thái Lan, được QS xếp hạng 247 thế giới. Người thân khuyên cô nên học ở Thái thay vì đến một thành phố mới không phát triển bằng Bangkok, sử dụng ngôn ngữ không phổ biến ở Thái Lan.

"Bố mẹ lo lắng em ra nước ngoài sinh sống, nhưng cuối cùng đã ủng hộ vì chứng kiến em đã nỗ lực thế nào để đạt được học bổng. Bạn bè khuyên đừng hy vọng nhiều để rồi phải thất vọng. Thế nhưng, em vẫn dành ba tháng học tiếng Việt ở Thái để sẵn sàng cho năm năm tại Việt Nam", Trang kể.

Tới Hà Nội vào một ngày cuối hè năm 2014, Trang bắt đầu lo lắng. Tiếng còi xe inh ỏi, ăn cơm bằng đũa, xung quanh toàn người nói tiếng Việt, tất cả khiến cô nghĩ về những khó khăn, những lời khuyên của bạn bè trước đó. Nhưng ước mơ trở thành nhà ngoại giao lại thôi thúc Trang hoàn thành chương trình học.

Nữ sinh Thái Lan đã dành 8 tháng học tiếng Việt trước khi bước vào các môn của ngành Việt Nam học. Ngoài học trên lớp, cô đăng ký học riêng một mình để cải thiện khả năng. Trang cũng năng nói chuyện với người Việt, đặc biệt là những tài xế đã chở cô đi khắp Hà Nội. Dần dần, kỹ năng nói và viết tiếng Việt được cải thiện, Trang thích thú đến lớp, thích học các tác phẩm văn học Việt Nam như Truyện Kiều của Nguyễn Du hay Tắt đèn của Ngô Tất Tố.

Trang rất hứng thú với những tiết học văn hóa Việt Nam, đặc biệt ấn tượng với tính cộng đồng của người Việt. Nếu như ngày lễ Tết, người Thái không nhất thiết phải về nhà thì ở Việt Nam, ai cũng mong đến Tết để được sum họp gia đình. Trong mâm cơm, người Việt dùng chung một bát nước chấm.

Trang nhớ hồi năm ba bị ngã xe do trời mưa. "Em đã nghĩ chẳng ai giúp vì ngã là lỗi của mình. Thế rồi các bác ở quán trà đá ven đường đã đội mưa ra giúp em dựng xe lên rồi hỏi Con có sao không, Con vào uống chén trà đã. Cách các bác gọi em là con khiến em xúc động", Trang nói.

Bài khóa luận 10 điểm về chính sách đối ngoại hai nước 

Tình yêu với Việt Nam ngày càng lớn, Trang muốn dành tất cả tâm huyết với khóa học ở trường Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đến khi làm khóa luận, cô quyết hoàn thành nó với mức điểm giỏi. Sau khi trình bày suy nghĩ với thầy cô và nhận được sự tư vấn, cô chọn đề tài "Chính sách đối ngoại của Vương quốc Xiêm và Đại Nam đối với các nước phương Tây nửa đầu thế kỷ XIX".

Đọc hàng chục đầu sách, tham khảo nhiều tài liệu trên Internet thấy vẫn chưa đủ, Trang dành ba tuần quay về Thái Lan, vào thư viện của Đại học Chulalongkorn, cách nhà chừng 30 km, tìm tài liệu. Trở lại Việt Nam, cô dành nhiều ngày nghiên cứu trên Thư viện quốc gia. Cách mượn sách của hai nơi khác nhau khiến cô mất nhiều thời gian thu thập tư liệu cho khóa luận dài hơn 100 trang.

Cô gái sinh năm 1995 sẽ sang Anh học thạc sĩ vào tháng 9. Ảnh: Dương Tâm

Vì phải làm hồ sơ xét tuyển bậc thạc sĩ vào ba đại học của Anh, Trang chỉ có ba tháng để làm khóa luận. "Em may mắn được thầy hướng dẫn chỉ bảo tận tình. Có những hôm, thầy phải thức đến 3h sáng để sửa bài cho em, từ lỗi chính tả, ngữ pháp đến cả cách diễn đạt", Trang nói.

Ngày bảo vệ khóa luận, nhận được nhiều lời khen của thầy cô, Trang tự hào vì đã vượt qua được năm năm khó khăn và bất ngờ hơn khi biết đạt 10 điểm, trở thành thủ khoa Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với điểm tổng kết 3.92/4.

Hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho Trang, thầy Nguyễn Trường Sơn đánh giá nữ sinh Thái Lan là sinh viên nước ngoài duy nhất của khoa Việt Nam học làm khóa luận tốt nghiệp năm 2019, cũng là du học sinh đầu tiên trở thành thủ khoa của trường. Thời gian làm khóa luận chỉ ba tháng, nhưng Trang rất nghiêm túc, độc lập và nỗ lực, sưu tầm nhiều tài liệu ở cả Việt Nam, Thái Lan và Anh.

"Khi tôi hướng dẫn, em tiếp thu nhanh, triển khai đúng, thậm chí sáng tạo để hợp logic hơn. Tôi chưa bao giờ cho sinh viên nào 10 điểm khóa luận, luận văn hay nghiên cứu khoa học, nhưng không thể không cho Trang điểm tối đa", thầy Sơn nói và cho biết khóa luận của Trang được hội đồng đánh giá có chất lượng tương đương luận văn thạc sĩ.

Tháng 9 tới, Trang sẽ lên đường sang Anh học tiếp thạc sĩ tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London. Trước đó, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã hứa đài thọ toàn bộ chi phí học tập bậc thạc sĩ nếu cô trúng tuyển đại học ở một trong năm nước, gồm: Anh, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand.

"Em đã chọn trường của Anh bởi chương trình thạc sĩ chỉ mất một năm. Như vậy em có thể kịp về Việt Nam trong năm mà Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Em hy vọng được làm phiên dịch cho lãnh đạo Thái Lan khi họ tham dự các hội nghị ở Việt Nam", Trang nói và cho biết mục tiêu của cô là một vị trí trong Bộ Ngoại giao. Nếu có cơ hội, cô muốn được làm việc trong Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam.

Theo vnexpress