leftcenterrightdel
Sinh viên nước ngoài tại Đại học Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN 

 

Trang tin ABC News (Australia) số ra mới đây đăng bài viết cho biết hơn 1.000 người lao động trong ngành giáo dục ở Australia có thể sớm mất việc. Điều này diễn ra trong bối cảnh các trường đại học ở quốc gia châu Đại Dương bắt đầu mạnh tay cắt giảm chi phí, trước thời hạn Chính phủ Liên bang áp dụng lệnh hạn chế sinh viên quốc tế, theo dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2025.

Lệnh hạn chế sẽ tác động đáng kể đến ngân sách của các trường đại học, do phần lớn các trường đại học và trung tâm đào tạo của “xứ chuột túi” phụ thuộc nhiều vào học phí của sinh viên nước ngoài. Cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu S&P ước tính động thái giới hạn số lượng sinh viên quốc tế của Canberra sẽ khiến các trường đại học ở Australia thiệt hại hàng trăm triệu đô la doanh thu vào năm 2025.

Đầu tháng 10/2024, Phó Hiệu trưởng, đồng thời là Chủ tịch Đại học Quốc gia Australia (ANU), bà Genevieve Bell, đã gửi thư điện tử (email) cho các nhân viên cảnh báo rằng “thách thức tài chính mà nhà trường đang phải đối mặt là có thật và đáng kể”. Theo dự kiến, ANU sẽ bị thiếu hụt hơn 200 triệu AUD (133 triệu USD) trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt mà trường này ước tính lúc ban đầu là 60 triệu AUD (40 triệu USD). ANU cũng đã chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được trong nhiều năm, ghi nhận mức thâm hụt hơn 400 triệu AUD (264 triệu USD) trong giai đoạn 2020-2023. Do đó, Giáo sư Bell cho biết nhà trường cần phải cắt giảm chi phí hoạt động khoảng 250 triệu AUD (165 triệu USD), trong đó phần lớn là phải giảm bớt nhân viên và giảm lương.

Hàng trăm nhân viên của ANU đã được triệu tập tới các cuộc họp để thông báo rằng nhiều khả năng họ không giữ được công việc của mình trong tương lai, vì tình hình tài chính của nhà trường đang gặp khó khăn do "những thay đổi về chính sách của chính phủ và việc quản lý số lượng sinh viên quốc tế", mặc dù Liên minh Giáo dục Đại học Quốc gia đã cáo buộc ANU "quản trị và quản lý tài chính yếu kém".

Liên minh ước tính sẽ có hơn 600 việc làm bị cắt giảm tại ANU và hiện tại tổ chức này đang vướng vào các cuộc tranh luận gay gắt với ban quản lý của trường, thậm chí còn đi xa đến mức kêu gọi hiệu trưởng của trường là bà Julie Bishop từ chức.

Tác động không đồng đều

Kế hoạch áp đặt giới hạn trần 145.000 sinh viên quốc tế mới tại các trường đại học công lập vào năm 2025 của Chính phủ Australia dự kiến sẽ được luật hóa vào cuối năm nay. 15 trường đại học công lập sẽ phải cắt giảm số lượng sinh viên quốc tế, theo giới hạn chỉ định do Bộ Giáo dục công bố.

Ông Martin Foo, Giám đốc và là nhà phân tích chính tại S&P Global cho biết các trường đại học uy tín nằm trong Nhóm 8 trường đại học hàng đầu của Australia sẽ mất khoảng 28% số lượng tuyển sinh quốc tế mới so với năm 2024. Tuy nhiên, một số trường đại học nhỏ hơn ở các địa phương có cơ hội tăng số lượng tuyển sinh quốc tế mới lên khoảng 70 hoặc 80%. Ông Foo nói: “Tác động sẽ rất không đồng đều”.

Nhiều trường đại học trên toàn Australia cũng đang phải đối mặt với áp lực chi phí tương tự như ANU. Đại học Canberra tiết lộ sẽ sa thải ít nhất 200 nhân viên. Đây được xem là một phần của cuộc cải tổ "khẩn cấp và quan trọng" nhằm tiết kiệm 50 triệu AUD (33 triệu USD). Trong khi đó, Đại học Wollongong cho biết doanh thu ước tính sẽ giảm 35 triệu AUD (23 triệu USD), dẫn đến khả năng 200-300 vị trí giảng dạy và nghiên cứu bị loại bỏ. Đại học James Cook ở Townsville chia sẻ sẽ cắt giảm khoảng 50 nhân viên, trong khi Đại học Nam Queensland sẽ cắt giảm khoảng 60 nhân viên, để lấp đầy lỗ hổng ngân sách 32 triệu AUD (21 triệu USD).

Đại học Sydney, nơi sinh viên quốc tế chiếm gần một nửa số sinh viên của trường, cho biết sẽ ngừng tuyển dụng nhân viên và áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí khác, do chính sách giới hạn sinh viên quốc tế của chính phủ.

Các trường đại học Australia có thể vượt qua “cơn bão” tài chính?

Bất chấp tác động đáng kể của kế hoạch áp trần sinh viên quốc tế đối với doanh thu của các trường đại học, ông Foo cho biết các trường đại học ở Australia vẫn có thể vượt qua ‘cơn bão’ tài chính này. Ông nói: “Các trường đại học của Australia có khoảng 31 tỷ AUD (21 tỷ USD) tiền mặt và đầu tư tài chính trên sổ sách và chỉ nợ khoảng 7 tỷ AUD (4,6 tỷ USD) nên họ có rất nhiều thanh khoản dư thừa, để vượt qua thời điểm khó khăn này”.

Nhìn chung, S&P đã dành xếp hạng tín dụng rất cao (A+ và AA+) cho các trường đại học hàng đầu của Australia, bao gồm Đại học Melbourne, ANU và Đại học New South Wales. Ông Foo nói: “Chỉ số xếp hạng tín dụng cao này cho phép các trường đại học vay tương đối rẻ trên thị trường trái phiếu toàn cầu. Nếu nhà trường có thể giảm chi phí cho những hoạt động như tư vấn, nhà thầu, chi phí vốn và số lượng nhân viên thì họ vẫn có thể cân bằng sổ sách”.

Hạn chế sinh viên quốc tế không phải là giải pháp

Phó hiệu trưởng Đại học Tây Sydney (WSU), ông George Williams, lo ngại lệnh hạn chế số lượng sinh viên sẽ tác động lớn đến sinh viên của trường. Ông nói: “Về kết quả kinh doanh, trường sẽ lỗ khoảng 80 triệu AUD (53 triệu USD) trong 3 năm. 24 xu AUD trong mỗi AUD mà sinh viên quốc tế trả, chúng tôi sử dụng để trợ cấp cho sinh viên trong nước và các chương trình khác”.  Ông cho biết những chương trình đó bao gồm Western Pantry, một dịch vụ cung cấp thực phẩm miễn phí cho sinh viên WSU gặp khó khăn về tài chính. 

Giáo sư Williams nói thêm: “Thật đáng tiếc, việc hạn chế sinh viên quốc tế không phải là giải pháp. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ nhận ít sinh viên quốc tế muốn học ngành điều dưỡng hơn và đây là những sinh viên mà chúng ta rất cần. Chúng ta không có đủ sinh viên trong nước theo học ngành điều dưỡng và thật đáng buồn là chúng ta sẽ phải chấp nhận thực tế là có sự liên quan rõ ràng giữa chính sách hạn chế sinh viên của chính phủ với sự suy giảm về chăm sóc sức khỏe cho người dân, do ngày càng thiếu người làm ở các viện chăm sóc người già/người có bệnh lý trong những năm tới".

Giáo sư Williams tin rằng “những vấn đề nghiêm trọng” của các trường đại học, vốn phụ thuộc quá nhiều vào học phí của sinh viên quốc tế, xuất phát từ việc thiếu nguồn tài chính trong nước trong vài thập kỷ qua. Ông nói: “Các trường đại học phải tinh gọn, hiệu quả và tập trung vào các thị trường sẽ tạo ra doanh thu, vì chúng tôi đã chứng kiến nguồn hỗ trợ từ chính phủ sụt giảm nghiêm trọng. Thực sự rất khó để giáo dục học sinh trong nước với mức tài trợ của chính phủ...”.

Mặt trái của việc theo đuổi doanh thu từ sinh viên quốc tế

Theo nhà bình luận giáo dục đại học Salvatore Babones, việc ráo riết theo đuổi doanh thu từ sinh viên quốc tế đã khiến các trường đại học Australia ngày càng hạ thấp tiêu chuẩn tuyển sinh, chấp nhận cả những sinh viên có kỹ năng tiếng Anh kém, dẫn đến chất lượng giảng dạy giảm sút nghiêm trọng.

Trong khi đó, Tiến sĩ Babones - giảng dạy xã hội học tại Đại học Sydney - cho biết chính việc theo đuổi doanh thu từ sinh viên quốc tế đã khiến một số bài giảng trở nên “ngớ ngẩn”. Ông giải thích: "Một số lượng lớn sinh viên quốc tế ngồi nghe tôi giảng bài với chiếc máy tính bảng kè kè bên cạnh, họ mở ứng dụng dịch thuật để có thể xem bài giảng của tôi bằng bản dịch. Có những sinh viên không đến lớp, vì họ có thể nhờ dịch bài giảng thay vì phải xem bài giảng trực tiếp. Tôi phát hiện ra nhiều học sinh làm các bài tập bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, sau đó đưa vào phần mềm dịch sang tiếng Anh. Đây không phải là những trường hợp thỉnh thoảng xảy ra, thậm chí nó đã trở thành hiện tượng phổ biến tại một số trường đại học danh tiếng nhất của Australia”.

Theo bnews