Vậy khi nào là ý kiến phản biện? Theo TS Vũ Thu Hương, khi chúng ta tranh luận về 1 đề tài nào đó, mỗi người sẽ có 1 quan điểm, 1 góc nhìn, 1 cảm xúc riêng hoàn toàn với người khác. Khi đó, lắng nghe quan điểm và góc nhìn của người khác để bổ sung cho chính mình là điều cần thiết. Đồng thời, những người không nói ra được những quan điểm của mình thường là người thiếu tự tin ở chính mình hoặc cảm thấy lo ngại khi ý kiến của mình có thể gặp phản ứng dữ dội.
Vậy khi nào trẻ sẽ dám đưa ra ý kiến riêng của mình. Đó là khi gia đình thực thi mọi thứ theo quy định cụ thể. Nếu người lớn vi phạm quy định, lập tức trẻ sẽ phản ứng. Những phản ứng đầu tiên tố giác người lớn vi phạm các quy định chung sẽ là tiền đề cho việc trẻ dám đưa ra các ý kiến trái chiều (nhưng hợp pháp) với ý kiến của những người lớn trong gia đình.
Tại sao vậy? Bởi vì, chúng ta phải nhìn thấy rõ nét, người lớn là những người có vóc dáng, có sức mạnh thân thể so với trẻ. Sợ người lớn là nỗi sợ bản năng, là khả năng tự vệ của mỗi cá nhân con người. Nếu người lớn đó không có luật lệ, xử mọi thứ theo cảm xúc, trẻ sẽ hay cãi nhưng lại không dám đưa ra các ý kiến trái chiều, trái quan điểm người lớn. Bởi vì, đứa trẻ sẽ không biết điều mình sắp nói có khiến người to lớn kia nổi giận mà quát mắng, thậm chí đánh đập mình hay không.
Nhưng nếu một gia đình có luật lệ, trẻ sẽ biết rõ ranh giới đúng sai. Khi đó, trẻ sẽ tố cáo cha mẹ nếu họ vi phạm các quy định và không sợ gì cả. Bởi vì, các con coi đó là chính nghĩa.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia tâm lý, để dạy con tư duy phản biện, cha mẹ cần lắng nghe con nhiều hơn. Thông qua lắng nghe bố mẹ sẽ hiểu được những suy nghĩ của con. Đồng thời bé cũng cảm thấy được tôn trọng, mọi người muốn nghe suy nghĩ của mình. Từ đó, bé cũng cởi mở hơn trong việc thể hiện quan điểm.
Lưu ý cho các phụ huynh là cần để ý thái độ của bản thân khi lắng nghe. Hãy lắng nghe con chân thành, kiên trì với con trẻ. Không nên lắng nghe cho có, nghe nửa vời. Bố mẹ lắng nghe con văn minh cũng là cách dạy con lắng nghe văn minh.
Khi giao cho trẻ việc gì, các phụ huynh nên hỏi ý kiến, thảo luận trước cùng con. Bố mẹ nên giải thích lý do để trẻ thấy lợi ích của việc đó, kể cả việc học, làm bài tập, đi học thêm... Kể cả giao cho các em làm việc nhà, cũng cần giải thích lý do: Con ơi, mẹ đang bận dở tay làm cái này, con làm cái kia giúp mẹ nhé, để nhà mình ăn cho sớm còn nghỉ ngơi/ còn đi chơi, v.v. Có như vậy, trẻ mới học được kĩ năng nêu lý do.
Để dạy con tư duy phản biện, bố mẹ nên khuyến khích con nêu ra ý kiến của mình. Bố mẹ có thể hỏi con nghĩ gì về việc... Bố mẹ có thể sử dụng những câu hỏi tại sao, vì sao... để kích thích con tư duy. Ngoài ra, bố mẹ có thể mở mang tư duy của con bằng cách gợi ý cho con những hướng tư duy khác nhau.
Dạy con tư duy phản biện, bố mẹ có thể dạy con thông qua câu chuyện thực tế. Hằng ngày, bố mẹ đi làm và cách xử lý công việc ra sao, bố mẹ có thể kể những chuyện thích hợp cho các con nghe theo thứ tự: Vấn đề - đã tìm hiểu những gì - kết luận thế nào - giải quyết ra sao. Khi các con lớn, các con sẽ học được cách xử lý vấn đề từ cha mẹ. Các bố mẹ cũng nên khuyến khích con đọc sách để phát triển tư duy phản biện và kĩ năng giải quyết vấn đề tốt.
Thanh Nga