“Được vạ, má đã sưng”

Trong vô số vụ quấy rối tình dục (QRTD) được chính những người trong cuộc chia sẻ trên mạng xã hội gần đây, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với câu chuyện xảy ra tại một tập đoàn kiểm toán. Cô thực tập sinh “9X đời cuối” đã đột ngột xin dừng kỳ thực tập không rõ lý do. Ngay sau đó, bộ phận nhân sự của tập đoàn này gửi email nội bộ về việc “Nghiêm túc tuân thủ tác phong và giá trị đạo đức tập đoàn”. Mọi người bắt đầu lao xao tìm hiểu xem chuyện cô thực tập sinh nghỉ đột ngột có liên quan gì với email đặc biệt kia không.

leftcenterrightdel
 Cố ý sờ chạm cơ thể gây khó chịu cho người khác được xem là hành vi quấy rối tình dục - ảnh minh họa tạo bằng AI

Tám qua tám lại, cuối cùng nỗi hoài nghi của mọi người cũng sáng tỏ: Một nam quản lý cấp trung, trong lúc “đi job” (thuật ngữ ngành kiểm toán chỉ việc kiểm toán viên đi đến công ty khách hàng để làm số liệu, thường đi chung một nhóm) với cô thực tập sinh đã có một số hành động vượt quá giới hạn như ép uống bia, ban đêm nhắn tin chuyện trai gái, cố ý đụng chạm lúc đi trong hành lang…

Tay quản lý cấp trung này nghe đâu là họ hàng gần của một quản lý cấp cao trong tập đoàn nên từ lâu đã có hành xử thiếu chuẩn mực với nhiều người, nhưng đến khi gặp cô thực tập sinh này thì “người bị hại” phản ứng khá quyết liệt. Tuy nhiên, có lẽ do “quen lớn”, nam quản lý chẳng hề bị bộ phận nhân sự hay lãnh đạo tập đoàn “hỏi han” gì.

Nạn nhân trong các vụ QRTD chia sẻ, họ phải chịu tổn thương thể xác và tinh thần, thậm chí ám ảnh suốt thời gian dài vì không thể quên được. Nếu bị QRTD ở mức độ nặng hoặc nhiều lần thì nạn nhân càng tổn thương sâu sắc, thậm chí bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc, lãnh cảm chuyện chăn gối… Chưa hết, họ còn mất niềm tin vào người khác và các mối quan hệ, kể cả quan hệ cặp đôi, vì vậy mà công việc và cuộc sống đều bị ảnh hưởng không đo đếm được.

Quá bất mãn với sự việc, các nhân viên đã “bấm tay nhau” thực hiện một số hành động “tinh vi”: viện lý do để không đi job chung với tay kia nữa, khi y vào căn tin thì tất cả đồng loạt bỏ ra chỗ khác, không ai trong nhóm rủ y cùng đi chơi hoặc đi ăn, “cả băng” âm thầm hủy kết bạn mạng xã hội với y, không ngồi chung bàn với y trong tiệc cuối năm… Kết quả là tay kia đã phải âm thầm làm đơn xin nghỉ, sang công ty khác làm.

Trong câu chuyện trên, nhờ có sự đồng lòng của nhiều người mà gã “dê xồm” đã bị loại khỏi tổ chức. Nhưng ngay cả kết thúc “có hậu” như thế, cô gái nọ cũng đã bị QRTD và tức tưởi bỏ dở kỳ thực tập.

Thế yếu của “con mồi”

Có rất nhiều yếu tố tác động đến QRTD nơi công sở mà đầu tiên là điều kiện thuận lợi khi “thợ săn” dễ dàng tiếp cận “con mồi”, do quá trình làm việc chung, đi công tác chung, tham gia các hoạt động chung… Hơn thế, “thợ săn” thường mạnh hơn “con mồi” về mọi mặt: tuổi “đáng kính” hơn, chức vụ cao hơn, quan hệ “chằng chịt” với cấp trên, nhiều trải nghiệm sống và kinh nghiệm nghề nghiệp hơn… Càng mạnh hơn “con mồi” bao nhiêu, “thợ săn” càng tự tin ra tay hơn bấy nhiêu.

Xét trong bối cảnh xã hội rộng lớn hơn, dù đã có những bước tiến dài, bất bình đẳng giới vẫn là vấn đề đáng quan tâm khi phụ nữ còn ở thế yếu hơn nam giới về các cơ hội phát triển bản thân, kiểm soát các nguồn lực, thụ hưởng cuộc sống…

Văn hóa trọng nam khinh nữ dai dẳng bao thế hệ, khiến phụ nữ không chỉ đối mặt nguy cơ bị “dục hóa” và “vật hóa” mà dư luận xung quanh họ cũng có xu hướng coi nhẹ vấn nạn đó, thậm chí còn suy nghĩ theo hướng đổ lỗi cho nạn nhân.

Nhưng dù có “bối cảnh” thuận lợi như vậy, việc có ra tay “săn mồi” hay không lại tùy thuộc vào chính “thợ săn”. Một người nam khi quyết định ra tay QRTD ai đó thì ngoài sự thôi thúc đáng kể của đặc điểm tính dục giống đực, yếu tố quyết định vẫn là tâm lý - nhân cách và cả kỹ năng sống của anh ta. Có thể liệt kê ngay một số nét tâm lý của gã “thợ săn” gian ác như sau: thiếu tự trọng và tôn trọng người khác, sống theo bản năng, ức hiếp kẻ yếu hơn mình, liều lĩnh bất chấp hậu quả… và đương nhiên là thiếu cả kỹ năng kiểm soát, lãnh đạo bản thân.

Trong bối cảnh đầy nguy cơ như vậy, nhiều chị em lại hết sức “lơ mơ” về QRTD. Trên các nhóm mạng xã hội, khi đọc các chia sẻ từng bị QRTD từ các nạn nhân khác, họ mới “vỡ òa” rằng mình cũng từng bị QRTD như cố tình đụng chạm, bình phẩm cơ thể, nói năng cợt nhả, tán tỉnh thiếu đứng đắn, nhắn tin sex… và thậm chí lạm dụng tình dục.

Vậy mà họ vẫn âm thầm cắn răng chịu đựng chứ không dám “làm to chuyện” do lo sợ mất việc làm và thu nhập, mang tiếng xấu, thiếu chứng cứ… khiến cho kẻ ác tiếp tục ra tay với người khác.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tự cứu mình trước

Nhiều kết quả khảo sát trên quy mô lớn đã phản ánh Việt Nam là một trong những nước có tình trạng QRTD diễn ra âm thầm nhưng dữ dội. Có thể phần nào thấy rõ điều này qua chia sẻ “người thật việc thật” trên các hội nhóm mạng xã hội mỗi khi có vụ QRTD nào đó bị đưa ra ánh sáng. Và mỗi khi có chị em nào đó dũng cảm làm vậy, bên cạnh những tiếng nói lên án kẻ ác, vẫn còn không ít người tỏ ra coi nhẹ vấn nạn này, coi đó như “chuyện bình thường”, thậm chí còn có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân.

Điều đáng lưu ý hơn nữa là những vụ việc kiểu này chỉ bùng lên rồi nhanh chóng xẹp xuống. Sau vài lời xin lỗi vu vơ, “thợ săn” vẫn nhởn nhơ, còn nạn nhân thì phải nhận thêm sự tổn thương từ những bình phẩm thiếu trách nhiệm. Tuy công cụ pháp lý đã sẵn có, ít khi có ai đó bị phạt tiền, phạt tù vì hành vi lệch chuẩn như QRTD này. Vì vậy, hành động khả thi nhất là chị em cần biết cách và chủ động ứng phó để an toàn nếu phải “sống chung” với kẻ quấy rối nơi công sở.

Đầu tiên, chị em cần tự trang bị đầy đủ thông tin và hiểu biết về vấn nạn. Chị em cần rành rẽ QRTD là gì, biểu hiện qua các hành vi nào, những ai có thể QRTD mình, các hoàn cảnh nguy cơ, bối cảnh xã hội đang sống, những quy định pháp luật về QRTD…

Riêng về pháp lý, chị em có thể tham khảo khoản 9 điều 3 và điều 35, Bộ luật Lao động; các điều 84, 85 và 86 Nghị định 145/2020/NĐ-CP; khoản 3 điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP; điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP; điểm g khoản 3 và điểm b khoản 4 điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP; điều 155 Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, quan trọng nhất, là có chiến lược phòng tránh. Cũng giống như phòng tránh HIV/AIDS, chị em cần coi mọi nam giới đều là nguy cơ để luôn có sự cảnh giác nhất định. Cần tránh để rơi vào các hoàn cảnh nguy cơ như chỉ có 2 người, nơi vắng vẻ, say xỉn, cơ hội đụng chạm… Tuy ăn mặc, làm đẹp là quyền cá nhân nhưng cần chừng mực sao cho không kích thích “thợ săn”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock


Cũng vậy, tác phong, đi đứng và giao tiếp cũng cần chuẩn mực công sở để tránh bị hiểu lầm là “gợi ý”. Cần khéo léo nhưng cương quyết khi ứng xử với các hành động manh nha QRTD, để “dê xồm” không lấn tới. Ngoài ra, cần bí mật ghi nhận bằng chứng QRTD ngay từ sớm. “Thợ săn” dù muốn lấn tới, nhưng nếu biết “con mồi” có lưu giữ chứng cứ cũng sẽ chùn tay.

Thứ ba, ứng phó hiệu quả khi không may bị QRTD. Ngay cả khi là nạn nhân thực tế, nhưng nếu bạn chưa có chứng cứ rõ ràng thì tốt nhất chưa nên hành động gì cả, bởi thiếu chứng cứ, bạn có nguy cơ mắc tội vu khống khi tố cáo ai đó. Kể cả có chứng cứ trong tay, bạn vẫn nên cân nhắc hoặc tố cáo với tổ chức để loại bỏ “dê cụ”, hoặc kiện ra tòa.

Việc một “dê cụ” hầu tòa chắc chắn có lợi cho nhiều chị em khác bởi tính răn đe đối với các “cụ dê” khác. Sau tất cả, cần chăm sóc và yêu thương bản thân để tự tin tiến về phía trước.

Theo phụ nữ TPHCM