Sáng 4/6, Etienne Mahler, 34 tuổi, du học sinh khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, dậy sớm chuẩn bị trang phục, tài liệu cho buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp trực tuyến. Trong 4 sinh viên, anh trình bày đầu tiên và là người nước ngoài duy nhất.
15 phút trước khi bắt đầu, chàng trai với mái tóc vuốt gel gọn gàng, gương mặt điển trai, ngồi lặng yên trước màn hình máy tính, ghì chặt hai bàn tay vào nhau để ngăn những cơn run lên từng hồi. Hít một hơi thật sâu, Etienne nở nụ cười, bắt đầu trình bày. Mỗi sinh viên có 15 phút nói trước hội đồng chấm thi, nhưng hôm đó Etienne mất 17 phút hoàn thành.
Vài tiếng sau, Etienne biết kết quả. Khóa luận hơn 700 trang, gồm hơn 125 trang nội dung và 600 trang phụ lục bằng tiếng Việt, của anh được đánh giá vượt trội, công phu, có tính thực tiễn và vượt quá sức làm việc của một sinh viên nước ngoài. Anh nhận điểm 10 cho những nỗ lực học tập và nghiên cứu.
Sinh ra ở thành phố Hemmoor, Đức, Etienne lớn lên trong sự chăm sóc của bố và chưa từng biết đến mẹ. 14 tuổi, Etienne phải vừa học, vừa mưu sinh kiếm sống và hai năm sau thì bỏ học. Năm 23 tuổi, bố mất, chàng trai quyết định đi học lại để có cơ hội vào đại học.
Tốt nghiệp xuất sắc trung học, Etienne nhận học bổng từ Đại học Göttingen (Georg-August-Universität Göttingen) và Quỹ học bổng hàn lâm Đức (Studienstiftung des deutschen Volkes). Anh đăng ký học ngành Nhân học và tiếng Trung.
Năm 2014, sang Việt Nam theo chương trình trao đổi sinh viên 6 tháng giữa Đại học Göttingen và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Etienne bị thu hút bởi văn hóa và con người Việt Nam nên xin kéo dài chương trình một năm để khám phá thêm. "Khoản học bổng hào phóng ở trường đại học giúp tôi không phải lo lắng đến cuộc sống. Nhưng tôi quyết định từ bỏ mọi thứ tại Đức để ở lại Việt Nam, vì yêu thích văn hóa ở đây", Etienne nhớ lại.
Không còn khoản hỗ trợ tài chính từ trường đại học, Etienne phải chi tiêu tiết kiệm và làm thêm công việc thiết kế web để có tiền duy trì cuộc sống. Quen với tiếng Đức không dấu và ngữ pháp linh hoạt, lúc mới học tiếng Việt, Etienne vật lộn với cách phát âm có dấu. Tự học tiếng Việt một thời gian, anh bắt đầu tìm hiểu chương trình cử nhân Việt Nam học và đăng ký.
Thời gian học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Etienne là gương mặt nổi bật trong nhiều hoạt động. Anh đoạt giải nhất nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên cấp khoa và cấp trường; năm 2018 giành giải nhì cấp Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lúc làm khóa luận tốt nghiệp, Etienne chọn đề tài "Khó khăn của Chính phủ Việt Nam trong phòng chống Covid-19" nhưng sau đó phải đổi khi đã đi được nửa chặng đường. Vì thời điểm ấy Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, Etienne hiểu rằng bản chất của nghiên cứu là tìm ra cái mới, không phải vấn đề đã có kết quả. Vì vậy, toàn bộ quá trình nghiên cứu trước đó của Etienne phải dừng lại.
Anh chuyển hướng và chọn đề tài: "Giáo dục kỹ thuật số tại Đại học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: Hiện trạng, kỳ vọng và định hướng phát triển". Dù đã ở Việt Nam 7 năm, Etienne vẫn gặp khó khăn với kỹ năng viết tiếng Việt. "Tôi mất nhiều thời gian tìm một từ nào đó phù hợp để diễn đạt ý kiến của mình. Tôi cũng phải xây dựng cấu trúc hợp lý để người đọc hiểu những gì tôi muốn chuyển tải", anh giải thích.
Mỗi ngày Etienne dành ít nhất hai tiếng để viết và đọc tài liệu. Hôm nào nhiều năng lượng và có thời gian, anh viết liên tục. Trong khoảng 2 tháng, Etienne hoàn thành khóa luận 4 chương. Viết xong, anh được hai người bạn Việt Nam giúp sửa chính tả. Trước khi nộp, anh nhờ cô giáo hướng dẫn đọc góp ý. "Cô bảo cách viết của tôi không sai nhưng hơi kỳ lạ, giống cách viết của phương Tây. Cô hỏi có muốn sửa không nhưng tôi xin giữ lại", Etienne kể.
Etienne tâm đắc với đề tài nghiên cứu và vui vì được đánh giá cao, tuy nhiên với anh quan trọng hơn cả là nó có ích, mang tính ứng dụng. "Điểm 10 đã chứng minh đề tài tôi nghiên cứu có thể sử dụng trong thực tế", anh nói, dự định sau khi tốt nghiệp sẽ tìm việc trong lĩnh vực báo chí và học lên thạc sĩ. Hiện, anh là biên tập viên, phiên dịch cho vài tờ báo, tạp chí khoa học ở Hà Nội.
Là giáo viên hướng dẫn Etienne, tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm, khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, tự hào về học trò đặc biệt. 20 năm trong nghề, tiến sĩ Tâm từng gặp nhiều du học sinh giỏi, nói tiếng Việt thành thạo hơn Etienne, nhưng đây là lần đầu tiên chị gặp sinh viên có luận văn quy mô, logic chặt chẽ như vậy.
Nữ giảng viên cho hay điểm 10 khóa luận thường rất khó đạt được, dù với sinh viên Việt Nam hay nước ngoài. Để được hội đồng chấm thi cho điểm tuyệt đối, khóa luận phải có tính vượt trội, công phu, xuất sắc về ý tưởng và tính thực tiễn.
Cô Tâm ấn tượng nhất với Etienne ở khả năng nghiên cứu khoa học và đánh giá khó sinh viên nước ngoài nào có được thành tích như nam sinh này. Etienne có trí thông minh đặc biệt, từng là học sinh giỏi nhất trường trung học ở Đức. Do hoàn cảnh, anh phải vừa học vừa làm và nhờ đó có tư duy thực tiễn.
"Etienne Mahler là tấm gương vươn lên trong nghịch cảnh. Cậu ấy là biểu tượng cho tinh thần tự học của sinh viên khoa Việt Nam học", tiến sĩ Tâm nhận xét.
Theo vnexpress