Du học sinh Việt Nam tại thành phố Daegu - Ảnh: DUY TRINH

 

Daegu - tâm điểm của COVID-19 nhiều ngày qua - là một trong những thành phố có đông du học sinh và lao động người Việt sinh sống nhất nhì tại Hàn Quốc.

Cố thủ và lánh nạn

Sống nơi tâm dịch, Nguyễn Văn Duy (Thanh Hóa) - sinh viên ĐH Daegu - cho biết hiện đang trong giai đoạn nghỉ đông, đến ngày 16-3 sẽ bắt đầu vào học kỳ mùa xuân, nhưng Duy cho biết đến nay nhiều trường vẫn chưa có thông báo chính thức về việc có tiếp tục nghỉ hay không. 

"Một vài bạn mình vì lo dịch sẽ còn lan rộng đã làm hồ sơ bảo lưu để trở về nước lánh nạn đến khi an toàn sẽ sang lại. Riêng mình vì chưa đủ tiền về quê nên cố thủ trong phòng một tuần xem sao. Mình cũng đã nghỉ làm thêm và hạn chế ra ngoài lúc này" - Duy nói.

Về ăn tết đến đầu tháng 2, Nguyễn Ngọc Sang (Thanh Hóa) quay lại Daegu sớm hơn nhiều so với lịch nhập học ĐH Daegu (16-3). Vì có thời gian rảnh, vả lại khi ấy Hàn Quốc có rất ít người mắc COVID-19, Sang quyết định đi du lịch. Ít lâu sau, dịch bắt đầu lan rộng với số ca lây nhiễm tăng rất nhanh, có hôm gấp đôi hôm trước, Sang không dám về lại Daegu.

Cũng do đến ngày 16-3 mới vào học, du học sinh Việt Nam hiện ở nhiều nơi, có người còn đang trong nước nghỉ lễ, có người ở lại Hàn làm thêm. Dịch xen ngang làm mọi thứ dường như khó đoán và khó quyết, người ở Việt Nam thì không biết nên sang bên kia theo đúng lịch nhập học không, người ở Hàn thì muốn phòng xa về quê cho chắc. 

Trên các diễn đàn/nhóm du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc, hằng ngày có trung bình 10-20 nội dung về việc về nước hay ở lại với nhiều ý kiến trái chiều.

Về ư, lại phải cách ly!?

Tuệ Anh (Hải Dương) - sinh viên ĐH Quốc gia Mokpo - cho biết tình hình ở Muan-gun vẫn khá yên bình, chưa có biểu hiện quá lo lắng. Dẫu vậy vẫn có sự chuẩn bị, chẳng hạn trường học đã trang bị khẩu trang và gel rửa tay khô, tất nhiên là không đủ vì nhu cầu quá lớn. 

"Bên Hàn mỗi ngày chúng mình nhận được rất nhiều cảnh báo về dịch. Ngoài đường treo băngrôn khẩu hiệu. Trước cửa quán ăn, phòng học cũng được dán các hướng dẫn phòng tránh. Nói chung hiện giờ chúng mình vẫn ổn" - Tuệ Anh nói và cho biết thêm hiện khẩu trang bên Hàn khá đắt, 2.000-3.000 won một cái, tức là tầm 38.000-57.000 đồng.

Không "gan" như Tuệ Anh, Thùy Linh (Hà Nội) - sinh viên Trường ĐH Ngoại thương - quyết định không lên chuyến bay sang Hàn Quốc vào ngày 24-2, đồng nghĩa tự hoãn chương trình học kỳ trao đổi của mình. Linh cho biết: "An toàn là trên hết, nên mình và nhiều bạn khác đành hủy chuyến dù đã xếp lịch và mất nhiều nỗ lực". 

Vì chuyện không ai muốn, Linh cho biết hai trường ở Việt Nam và Hàn Quốc cũng đang hỗ trợ sinh viên các thủ tục bảo lưu và nhập học trở lại nếu có nhu cầu. Riêng Linh thay vì theo học kỳ trao đổi thì sẽ tiếp tục học tiếp chương trình trong nước, rồi chờ tình hình mới tính tiếp.

Chiều ngược lại, Đ.L. (Thanh Hóa) - sinh viên ĐH Quốc gia Seoul - sẽ trở về Việt Nam vào thứ năm (27-2). Điều Đ.L. lo lắng nhất lúc này là về nước sẽ bị cách ly và kiểm tra sức khỏe như thế nào, thời gian bao lâu và có khó khăn gì hay không? 

Đây cũng là câu hỏi dễ bắt gặp trong các cuộc trò chuyện trên mạng xã hội của du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc. Có bạn còn lo lắng không biết đi về có bị kỳ thị hay xa lánh không. 

Theo sát thông tin trường

Chị Minh Trang - trưởng bộ phận tư vấn ở một công ty tư vấn du học thị trường Hàn Quốc tại TP.HCM - cho biết mấy ngày nay số lượng sinh viên và phụ huynh đến bày tỏ lo lắng khi thời gian nhập học sắp đến tăng mạnh. Phần lớn phụ huynh vẫn băn khoăn không biết có nên cho con tiếp tục đi hay tạm hoãn một thời gian vì tiền bạc bỏ ra cho đủ loại từ xin nhập học, visa đến vé máy bay không hề nhỏ.

"Nhiều gia đình mỗi ngày gọi chúng tôi đến 3-4 lần. Chúng tôi liên tục theo dõi thông tin từ các trường ở Hàn Quốc và báo về cho phụ huynh, nhất là ở những vùng có dịch. Nhiều trường hợp muốn bảo lưu, chúng tôi cũng hỗ trợ liên hệ với các trường để hoàn thành thủ tục. Tình hình phức tạp nên không đoán trước được, chỉ hi vọng các trường sớm có thông báo cụ thể" - chị Trang nói. 


Nhiều trường Singapore hoãn chương trình trao đổi đến Hàn Quốc

Trang Strait Times ghi nhận tối 25-2, ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore (NTU) gửi email cho sinh viên về việc tạm hoãn các chương trình trao đổi với những cơ sở giáo dục ở Hàn Quốc. Theo thống kê, khoảng 80 sinh viên của NTU dự kiến sang Hàn Quốc tham dự học kỳ mùa xuân tới đây.

Tương tự, các trường nổi tiếng khác như ĐH Quốc gia Singapore, ĐH Quản lý Singapore, ĐH Công nghệ và thiết kế Singapore cũng ra thông báo hoãn nhiều chương trình trao đổi sinh viên đến Hàn Quốc trong thời gian sắp tới. 

Theo tuoitre