Sinh viên Trường ĐH Harvard trong ngày lễ tốt nghiệp - Ảnh: HBS
Ba sinh viên VN từng học và nghiên cứu tại ĐH Harvard (Hoa Kỳ) chia sẻ "bí kíp" viết luận cùng các bạn trẻ có ý định săn học bổng các trường nổi tiếng.
* Đâu là những yếu tố quan trọng nhất trong bài luận vào các trường top?
- NCS Trần Đắc Minh Trung (đồng sáng lập Công ty APUS, hiện sống tại Na Uy):
Tôi học ĐH ở UPenn (một trong tám trường thuộc Ivy League - nhóm ĐH nổi tiếng nhất nước Mỹ) và cao học ở ĐH Harvard, tiêu chí ở bài luận theo đó sẽ có khác biệt.
Đa số bài luận vào trường top cần chúng ta diễn đạt được một sự thay đổi và trưởng thành về mặt nhận thức. Dẫu vậy rất nhiều bạn lại sa đà vào việc miêu tả khó khăn, trắc trở và liệt kê thông tin hoàn cảnh.
Tôi nghĩ điểm rất quan trọng là bạn phải miêu tả đủ và sâu sắc khó khăn đó nhưng tập trung hơn vào cá nhân và nỗ lực vượt qua của bạn với một giọng văn và tầm nhìn nhẹ nhàng, tích cực.
- ThS giáo dục Trương Phạm Hoài Chung (đồng sáng lập Stella Education):
Với tỉ lệ thường dưới 5% tổng số ứng viên được nhận vào, ban tuyển sinh các trường cần biết thêm về con người thật, sự thú vị ở bạn thông qua những câu chuyện mà họ vẫn chưa biết. Bạn chỉ được chọn khi ban tuyển sinh thấy bạn phù hợp để làm mảnh ghép cho cộng đồng sinh viên mà họ đang có.
Vì thế ba yếu tố quan trọng nhất trong "bài luận chính" là trải nghiệm cá nhân của bạn đã hình thành nên đức tính của bạn ngày hôm nay, quan điểm thể hiện tư duy sâu sắc của bạn về một vấn đề bạn thực sự quan tâm, khả năng viết lách điêu luyện.
Ngoài ra, thông qua các "bài luận phụ", bạn có thể chứng minh bản thân đã tìm hiểu kỹ về trường, ngành.
* Một ví dụ cụ thể, một kinh nghiệm "đau thương" (nếu có) là gì?
- ThS Huỳnh Hạnh Phúc (sáng lập viên và giám đốc điều hành của Teach For Vietnam):
Qua bài luận cao học, trường muốn đánh giá những gì mà họ chưa thấy được rõ ở hồ sơ cá nhân. Với mình, tôi kể rõ hơn những dự án xã hội mà tôi đã khởi động và những tác động của dự án đó đến cộng đồng, lý do chọn hướng đi, những chặng đường trắc trở đã trải qua ở nhiều vị trí khác nhau không theo một đường thẳng và tại sao tôi vẫn quyết tâm đi theo nó.
Chẳng hạn từ một nhân viên kế toán, tôi nghỉ việc sau một năm để "làm tròn đầy" bản thân bằng những chuyến đi nhiều trải nghiệm và quá trình thành lập một dự án tạo điều kiện cho các bạn trẻ không có tài chính như tôi có thể đi du học với thông điệp rất rõ: cơ hội du học là dành cho tất cả những ai có sự nỗ lực. Tôi viết bằng giọng văn chân thực nhất có thể.
- ThS Trương PhẠm Hoài Chung: Thời điểm tôi nộp hồ sơ hệ ĐH vào Harvard thì có các chủ đề như: người có ảnh hưởng đến bạn, thất bại giúp bạn trưởng thành, hoặc trải nghiệm cho thấy bạn sẽ đóng góp vào sự đa dạng của trường.
Tôi đã viết về tám năm lớn lên ở vùng nông thôn, chứng kiến cảnh người nông dân chống chọi thiên tai, từ đó học được bài học lớn về sự nhẫn nại và lạc quan trong cuộc sống. Nhưng thời đó tôi không đậu, có thể vì câu chuyện này chưa phù hợp với những gì họ tìm kiếm.
Sau này nộp hồ sơ chương trình thạc sĩ giáo dục, tôi đã thành công khi viết về quá trình học hỏi khi quản lý và đào tạo giáo viên ở VN, và dự định chi tiết trong việc nghiên cứu các mô hình hiệu quả để áp dụng cho việc cải thiện môi trường giáo dục của VN.
* Liệu có thiệt thòi cho các bạn khi viết luận lúc còn băn khoăn về việc khó thể giỏi tiếng Anh bằng dân bản ngữ?
- ThS Huỳnh Hạnh Phúc: Bài luận tôi viết không màu mè, dùng những từ ngữ rất bình dân và thậm chí có đôi chỗ còn viết chưa chuẩn. Tôi không nhờ ai sửa bài luận cho mình hay xem giúp. Tôi viết rồi tự mình xem lại ngày hôm sau, xóa và viết lại nếu cần thiết.
Tôi luôn nghĩ về tính chân thực khi viết luận và có lẽ họ cảm nhận được điều đó.
- ThS Trương Phạm Hoài Chung: Sinh viên quốc tế cần trau dồi thêm việc đọc sách văn học tiếng Anh và viết văn kể chuyện để có thể mài giũa, chứng tỏ trình độ của mình. "Chân thật" là một điều luôn được đề cao, nhưng có nhiều cách để kể cùng một câu chuyện và diễn đạt cùng một ý tưởng.
Nếu bạn có thể làm cho ban tuyển sinh cảm động hoặc thán phục, bạn sẽ tăng cơ hội được chọn vào mảnh ghép cho cộng đồng sinh viên họ đang xây dựng.
- NCS Trần Đắc Minh Trung: Đa số hội đồng tuyển sinh chia các nhóm đối tượng ra và xét hồ sơ với các tiêu chí khác nhau. Tiếng Anh là một thứ ngôn ngữ toàn cầu và có rất nhiều quy chuẩn khác nhau. Điểm quan trọng nhất trong bài luận là nội dung, khả năng diễn đạt có chiều sâu, khả năng trình bày logic...
Sự khác biệt ở bài luận bậc ĐH và cao học?
- NCS Trần Đắc Minh Trung: Bài luận vào ĐH của tôi rất bay bổng và phá cách, viết về một cuộc họp hội đồng quản trị ở một công ty giả tưởng với các thành viên khác nhau.
Ở đó có một chú chim phượng hoàng, một thợ săn ma cà rồng, một tổng thống Mỹ, một ngôi sao bóng đá..., mỗi người trong đó chia sẻ cách nhìn về sự việc theo văn học, thần thoại, chính trị, thể thao - những khó khăn gì đang xảy ra và họ lên kế hoạch vượt qua như thế nào để bảo vệ thế giới.
Thú thật tôi lấy ý tưởng trên từ chương trình Táo quân của VN. Bởi vì việc thể hiện kiến thức, trình bày chính kiến và kể cả than thở thì sử dụng một (hoặc nhiều) nhân vật khác nhau đại diện cho các khía cạnh khác nhau của bản thân mình và để miêu tả hiện thực từ tầm vĩ mô vẫn thuyết phục, thú vị hơn nhiều so với viết bài văn đơn độc bằng ngôi thứ nhất.
Khi tôi vào cao học ở Harvard thì bài luận đơn điệu và bài bản hơn. Gần như là một bảng kế hoạch và phân tích những gì tôi muốn làm ở trong đời và những kỹ năng cũng như từng bước để đạt được.
Theo tuoitre