leftcenterrightdel
Sinh viên quốc tế gặp khó khăn khi tìm nhà ở Anh. 

Khi anh Nazmush Shahadat từ Bangladesh đến London, Anh, theo học ngành Luật, anh không có nơi nào để ở. Kí túc xá đại học quá đắt trong khi các nhà trọ bên ngoài trường học đã hết sạch chỗ. Cuối cùng Nazmush phải thuê một căn hộ 2 phòng ngủ với 20 người đàn ông khác.

Họ chen chúc nhau trên những chiếc giường tầng giữa những bộ chăn ga ẩm mốc, đầy rệp. Những buổi tối, Nazmush chỉ ngủ chập chờn vì bị đánh thức bởi tiếng ồn từ bạn cùng phòng. Trên người anh vẫn còn lưu lại những vết rệp cắn.

Trong vài tháng đầu, Nazmush không thể gọi video về cho gia đình vì không muốn mọi người thấy cuộc sống bên này. Phải mất nhiều thời gian và công sức, Nazmush mới tìm được một phòng trọ nhỏ và chuyển ra ở riêng. Anh nhận thấy việc tìm chỗ ở có giá phải chăng tại London là vô cùng khó, nhất là với sinh viên quốc tế vì họ thiếu giấy tờ cần thiết để thuê nhà.

Tương tự, chị Giulia Tortoricei, 19 tuổi, đến từ Italy, hiện đang sống cùng 2 người bạn trong một căn nhà cho thuê. Ba người đã mất cả năm ngoái để tìm được căn phòng phù hợp.

“Giá cho thuê nhà ở London quá đắt. Năm ngoái tôi đến đây mà không có chỗ thuê, phải ở nhờ nhà của một người bạn cả tháng trời. Việc tìm nhà ở London rất căng thẳng”, chị Giulia cho hay.

Các trường đại học ở thủ đô London đang mở rộng với tốc độ cao hơn so với khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng địa phương. Điều này dẫn đến nhiều sinh viên quốc tế không thể tìm được phòng trọ hoặc thuê phải những nơi ở kém chất lượng. Nếu có thể thuê phòng trọ, sinh viên quốc tế cũng phải trả giá cao hơn sinh viên trong nước, gây áp lực lên khả năng tài chính của nhóm này.

Bà Nehaal Bajwa, thành viên Liên minh Sinh viên quốc gia (NUS), cho biết: Sinh viên quốc tế nhiều khả năng phải thuê nhà mà không có hợp đồng, trả trước một số tiền lớn hoặc phải chấp nhận những điều kiện không phù hợp. Nếu không chấp thuận, họ sẽ trở thành người vô gia cư.

Người phát ngôn của Bộ Giáo dục Anh, cho biết: “Thu hút nhân tài quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho các trường đại học và nâng cao sự phát triển trong nước. Bộ Giáo dục khuyến khích các trường đại học, nhà cung cấp chỗ ở tư nhân xem xét nhu cầu phòng ở của sinh viên quốc tế và có biện pháp hỗ trợ phù hợp”.

Không chỉ sinh viên quốc tế, sinh viên Anh cũng gặp khó khăn khi tìm nhà tại thủ đô. Nhiều người phải thuê phòng trọ ở xa trường, nằm ở ngoại ô thành phố nên việc di chuyển đến trường xa và tốn kém.

Trước tình hình trên, các tổ chức sinh viên Anh đã kêu gọi chính phủ nói chung và chính quyền địa phương nói riêng kiểm soát giá nhà ở cho thuê ở mức phải chăng để mọi sinh viên đều có khả năng tiếp cận dịch vụ nhà ở. Bên cạnh đó, các trường đại học cần tăng cường sắp xếp chỗ ở cho sinh viên trước khi nhập học, hỗ trợ các em qua bộ phận lưu trú của trường.

Theo Cơ quan Thống kê Giáo dục đại học (HESA), trong năm học 2015 - 2016, hơn 113.000 du học sinh theo học tại các trường ở thủ đô. Con số này đã tăng 59% lên gần 180.000 du học sinh vào năm 2020 - 2021. London cũng là thành phố có đông sinh viên quốc tế tại Anh.

Theo giaoducthoidai