|
|
Tín đang làm thêm công việc giao hàng tối đa 16 tiếng/tuần. |
"Hà Lan đang có tỷ lệ lạm phát tăng nhanh nhưng nhờ kiểm soát chi tiêu và làm thêm, tôi chưa bao giờ gặp cảnh 'cháy túi' hay chật vật đi vay tiền. Công việc giao đồ ăn đã giúp tôi có phí sinh hoạt ổn định", Nguyễn Trọng Tín - sinh viên ngành Truyền thông, ĐH Khoa học Ứng dụng HAN - nói.
Giao đồ ăn có thể kiếm được 700 euro/tháng
Du học Hà Lan bằng học bổng, Nguyễn Trọng Tín đã tìm hiểu nhiều công việc làm thêm khác nhau để kiếm thêm chi phí sinh hoạt. Thời gian đầu, Tín làm gia sư trực tuyến cho một số học sinh ở Việt Nam. Do trái múi giờ, gặp bất tiện trong học tập, vài tháng sau, Tín đã từ bỏ công việc này.
Hiện tại, ngoài công việc chỉnh sửa video cho ĐH Khoa học Ứng dụng HAN, nam sinh này còn là nhân viên giao đồ ăn.
Chia sẻ với Zing, Tín cho biết du học sinh quốc tế ở Hà Lan chỉ được phép làm thêm tối đa 16 tiếng/tuần. Vì vậy, công việc giao đồ ăn của Tín thường được thực hiện trong khoảng 3 đến 4 ngày/tuần. Khi nào không phải đến trường học, Tín sẽ tranh thủ đi giao hàng.
"Giao đồ ăn là công việc làm thêm có thu nhập cao nhất ở tất cả địa phương của Hà Lan. Mỗi tuần, tôi làm việc từ 14 đến 16 tiếng. Mức lương theo giờ của tôi là 12 euro (khoảng 288.000 đồng). Thu nhập trung bình hàng tháng từ công việc này là 600 euro (khoảng 14,4 triệu đồng). Tháng có thu nhập cao nhất là 700 euro (khoảng 16,6 triệu đồng). Ngoài ra, tôi còn nhận được thêm tiền tip của khách hàng", Tín nói.
Với mức thu nhập này, Tín đã có chi phí sinh hoạt ổn định. Trong đó, nam sinh dành 350 euro/tháng (khoảng 8,4 triệu đồng) để trả tiền thuê nhà. Nếu gia đình gửi thêm tiền, Tín sẽ chuyển vào thẻ ngân hàng.
|
|
Phần món ăn đã được đóng gói để Tín mang đi giao. |
"Tôi học ngành Truyền thông. Đặc điểm của ngành này là cần sự sáng tạo. Trong lúc đạp xe đi giao hàng, tôi có thể thả lỏng đầu óc một chút để có thêm ý tưởng. Khi nào nghĩ ra ý tưởng, tôi sẽ dừng lại và ghi chú trong điện thoại. Xong việc, về nhà, tôi sẽ triển khai ý tưởng thành sản phẩm. Thay vì ngồi một chỗ và suy nghĩ, tôi thích vừa chạy xe kiếm tiền vừa suy nghĩ hơn", Tín chia sẻ.
Ngoài giao đồ ăn, Trọng Tín cho biết du học sinh quốc tế ở Hà Lan còn có thể làm thêm ở các tiệm nails hoặc nhà hàng.
"Những bạn có tính cách tỉ mỉ có thể đi làm ở tiệm nails (làm móng). Các bạn không việc gì phải xấu hổ vì công việc này. Người Việt ở Hà Lan mở rất nhiều tiệm nails. Họ cũng nhiệt tình giúp đỡ du học sinh. Bên cạnh đó, trong trường hợp không giỏi tiếng Hà Lan, các bạn có thể làm phụ bếp, lau dọn, rửa chén. Ở các thành phố lớn, mức lương cho công việc này là từ 9 euro (khoảng 216.000 đồng) đến 12 euro/giờ (khoảng 288.000 đồng)", Tín nói.
Cải thiện kỹ năng giao tiếp nhờ làm phụ bếp
Sinh sống và học tập ở Hà Lan 3 năm, nhưng khi chuyển đến thành phố Amsterdam, Bùi Anh Thư - sinh viên ngành Thông tin và Truyền thông (ĐH Amsterdam) - mới đi làm thêm.
"Tôi du học Hà Lan tự túc. Mỗi tháng, tôi chỉ cho phép bản thân chi tiêu trung bình từ 800 euro (khoảng 19,2 triệu đồng) đến 1.000 euro (khoảng 23,9 triệu đồng), bao gồm cả tiền thuê nhà. Tỷ lệ lạm phát ở Hà Lan ngày càng tăng nhanh, bước vào thời kỳ bão giá, số tiền chi tiêu trung bình hàng tháng của tôi cũng tăng lên. Để có thêm tiền sinh hoạt, tôi đã đi làm thêm", Thư nói.
Công việc làm thêm đầu tiên của Anh Thư là phục vụ ở quán trà sữa, trong khoảng thời gian 6 tháng. Tuy nhiên, do gặp một số vấn đề với nhân viên và chủ quán, Thư nghỉ việc.
Thời gian sau đó, Anh Thư được bạn bè giới thiệu công việc ở một nhà hàng nấu món Việt Nam. Tại đây, Thư kiểm tra các món ăn khách hàng đã đặt và phụ bếp, giúp nhân viên chuẩn bị món ăn. Ngoài Thư, nhà hàng này còn có 3 du học sinh người Việt và nhiều sinh viên quốc tế người châu Âu.
|
|
Bùi Anh Thư làm phụ bếp ở nhà hàng tại thành phố Amsterdam. |
Mỗi tuần, Anh Thư thường làm việc trong 2 ngày. Công việc này trả lương theo giờ, cô được trả 11,5 euro/giờ (khoảng 275.000 đồng). Có tuần, cô chỉ làm 10 tiếng. Vì vậy, mỗi tháng, thu nhập trung bình của Thư khoảng từ 400 euro (khoảng 9,6 triệu đồng) đến 500 euro (khoảng 11,9 triệu đồng).
Công việc phụ bếp tốn nhiều thời gian và sức lực. Có ngày, đến 22h30, Thư mới tan làm về nhà. Sợ ảnh hưởng đến việc học, mỗi khi gần dịp thi cử hoặc kiểm tra, Thư lại xin nghỉ để tập trung ôn tập kiến thức.
"Đi làm phụ bếp rất cực. Nhưng ngoài có thêm thu nhập, tôi còn cải thiện được kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Công việc này đã giúp tôi hòa đồng hơn, dễ bắt chuyện được với những người xung quanh. Tôi chưa bao giờ nghĩ làm phụ bếp sẽ ảnh hưởng đến bề ngoài hay giá trị của bản thân", Thư nói.
Đối với những tân du học sinh muốn làm thêm ở Hà Lan, Anh Thư khuyên nên thử việc trong một tuần trước khi quyết định ký hợp đồng lao động. Sau khoảng thời gian này, nếu thấy không phù hợp, sinh viên có thể tìm kiếm công việc khác. Ngoài ra, du học sinh cần giữ vững tinh thần, không sợ sệt hay rụt rè.
Theo zingnews