Tôi vừa đọc được bài đăng trong một group mạng xã hội ở Mỹ kể về một du học sinh người Việt. Cậu bé có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên gia đình nhờ người chăm sóc hộ trong khi chờ thu xếp cho con về nước.

Tình huống nguy cấp đến độ phụ huynh phải lên nhóm kêu gọi giúp đỡ. Bài viết khiến những người có con đang du học ở xa như tôi không khỏi cảm giác như đang bị bóp nghẹt tim.

Cách đây không lâu, nghe tin anh bạn cho con gái đang học cấp III từ Mỹ về khi bên ấy đang cao điểm của mùa dịch đầu tiên, tôi cũng thấy nhẹ nhõm cùng vợ chồng anh. Đến lúc này, vợ anh mới thú thật rằng con chị không thích du học. Chỉ vì không muốn làm trái ý bố mẹ nên cô bé ngoan ngoãn lên đường theo mọi sự sắp đặt của anh chị. 

Vợ anh kể, trường con học nằm ở ngoại ô của một bang có thời tiết rất khắc nghiệt nên nếp sống ở đó rất buồn tẻ. Cô bé không hề khóc khi gọi điện về cho mẹ nhưng qua trò chuyện, chị đoán con không vui vì không thể thích nghi với cuộc sống bên ấy.

Khi chị vừa đề cập với chồng chuyện cho con về nước, anh đã gạt phăng, còn mắng chị nuông chiều kiểu đó con sẽ không tự lập được, sau này khó thành công. Chưa kể tài chính gia đình đầu tư cho việc học của con khá nhiều mà chưa "thu hoạch" được gì, giờ bỏ về xem như mất trắng.

Cũng vì chuyện này mà anh chị tranh cãi suốt. Anh bảo chị thương con mù quáng, chị trách anh không biết xót con. Chỉ đến khi du học sinh ào ạt về nước để tránh làn sóng COVID-19 tung hoành ở Mỹ, anh mới đồng ý đưa con về bằng chuyến bay giải cứu của Chính phủ.

Một người quen khác của tôi thì chủ động đưa con gái về hẳn sau vài tháng học trực tuyến để tránh dịch trên xứ người trong cảnh ở trọ một thân một mình, không người thân thích. Nghe cô bé giờ đã ổn định tại một trường quốc tế trong nước, ai cũng ủng hộ quyết định của vợ chồng anh.

Có phụ huynh nọ muốn con du học bằng mọi giá dù đứa con không muốn. Đến khi dịch giã hoành hành, họ bảo con về nước, ngưng luôn việc học bên ấy nhưng thằng bé không chịu về vì đã trót yêu cuộc sống bên đó. Họ khổ sở, đứng ngồi không yên. Chẳng những không nhận ra mình đã sai hết lần này đến lần khác, họ còn trách ngược con mình ngỗ nghịch, bất trị.

 

Viễn cảnh sống sang chảnh là niềm mơ ước của nhiều học sinh đang tắm ao ta dù cuộc sống của du học sinh xa nhà không chỉ toàn màu hồng (ảnh minh hoạ)
Viễn cảnh sống sang chảnh là niềm mơ ước của nhiều học sinh đang "tắm ao ta" dù cuộc sống của du học sinh xa nhà không chỉ toàn màu hồng (ảnh minh hoạ)

Những thông tin tiêu cực về chuyện cho con du học như thế ít khi xuất hiện rộng rãi vì nhiều lý do nên người ta chỉ thấy những điều đẹp đẽ của cuộc sống du học: những bức ảnh tốt nghiệp xênh xang áo mũ, những ngôi trường lộng lẫy tiếng tăm, những cô cậu du học sinh con nhà có điều kiện sang chảnh trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp với chương trình học nhẹ tênh...

Vì vậy, giấc mộng du học chưa bao giờ bớt đi sức hấp dẫn với một số người. Tuy nhiên, khách quan mà nói, ở tuổi này, trừ một số em thực sự xuất sắc, có định hướng học tập rõ ràng, còn thì ít học sinh nào nuôi mộng du học xa gia đình trong khi bản thân chưa đủ trưởng thành để hình dung cuộc sống tự lập nơi xứ người như thế nào. Có thể nói việc du học của các em phần lớn là do quyết định của cha mẹ.

Có những du học sinh bi trầm cảm khi phải sống xa gia đình từ rất nhỏ (ảnh minh hoạ)
Có những du học sinh bi trầm cảm khi phải sống xa gia đình từ rất nhỏ (ảnh minh hoạ)

Trải qua mấy mùa dịch, việc du học ở nước ngoài đã lộ ra nhiều khuyết điểm. Từ việc phân biệt chủng tộc, phản đối vắc xin, đề cao chủ nghĩa cá nhân cực đoan của dân bản xứ khiến môi trường sống trong thời dịch bệnh kém an toàn, trầm cảm ở du học sinh, kinh tế thế giới khó khăn do dịch bệnh, các nước từng là thiên đường không còn là vùng đất hứa nữa. Người ta nhận ra các giá trị tinh thần, các mối quan hệ gia đình, tình thân mới là điều quý giá. Hơn nữa, thế giới phẳng khiến cơ hội sở hữu bằng cấp quốc tế của các cư dân toàn cầu là như nhau nên làn sóng cho con du học xem chừng không còn mạnh mẽ như trước. 

Đến bao giờ thì chúng ta mới thôi sống giùm cuộc đời của con cái để rồi đau khổ khi con vượt khỏi khuôn khổ hoặc không đạt kết quả như mình kỳ vọng? Học là chuyện cả đời cũng như kết quả học tập sẽ quyết định cuộc sống của con sau này nên đừng lạm dụng quyền làm cha mẹ để tước đi quyền tự định đoạt đời mình của các con.

Theo phunuonline.com.vn