|
|
Mây hiện là sinh viên năm nhất ngành Quản lý Nhân sự, Đại học Quốc tế Tokyo. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Khoảng 23h ngày 7/10, khi chuẩn bị đi ngủ, Nguyễn Thị Kiều Mây, 21 tuổi, bỗng thấy nhà rung lắc, cửa kính va vào nhau dữ dội. Chưa kịp định hình chuyện gì xảy ra, Mây tiếp tục nghe âm thanh lạ trong điện thoại vang lên. Dù bối rối cô vẫn cố chú ý nghe nội dung cảnh báo bằng tiếng Anh.
"Ôi đang có động đất", Mây nhận ra, vội vơ ba lô chui xuống gầm giường trú ẩn. Từ dưới gầm giường, cô thấy sách trên giá rơi lộp bộp xuống sàn, tiếng bát đũa xô vào nhau loảng xoảng. Những hình ảnh thảm khốc về thảm họa động đất năm 2011 hiện lên trong đầu khiến Mây run rẩy. Nữ sinh cố gắng giữ chặt điện thoại.
"Em không biết phải làm gì, cảm giác thật khó tả. Lúc đầu, khi không nghe rõ cảnh báo trên điện thoại, em đã định gọi về cho bố mẹ ở Việt Nam", Mây, hiện sống ở thành phố Saitama, ngoại ô Tokyo, kể.
Khoảng ba phút sau, động đất kết thúc, nữ sinh Đại học Quốc tế Tokyo nghe tiếng loa sơ tán từ bên ngoài. Cô ra khỏi gầm giường, chạy một mạch tới điểm sơ tán ở trường em cách đó năm phút đi bộ. Ngoài đường, cảnh sát, lính cứu hỏa và thợ sửa ống nước đã có mặt.
Tới sân trường, Mây thấy rất đông người Nhật, ai cũng mang theo một túi nhỏ, gương mặt lo lắng. Một số du học sinh không mang theo gì ngoài điện thoại. Khung cảnh khi ấy khiến Mây liên tưởng tới những bộ phim về thảm họa: trời tối đen, mọi người hốt hoảng, bàn tán về những gì vừa xảy ra.
Sau vài tiếng chờ đợi, mọi người được phép về nhà. Nhưng Mây không sao chợp mắt nổi vì nghe thông báo có thể còn động đất lớn hơn trong tuần này. Trận động đất hôm ấy mạnh 5 độ richter khiến nhiều đường ống nước ở thành phố Tokyo bị vỡ, một đoàn tàu ở tỉnh Chiba bị chệch đường ray nhưng may mắn không có thương vong.
Ba tuần sau, vào lúc 6h ngày 1/11, Mây đang làm việc trong phòng thì nghe tiếng cửa kính va vào nhau, dây công tắc đèn xoay tròn, lắc lư. Biết có động đất, em ôm túi chui xuống nơi trú an toàn. Mây không còn hoảng loạn mà nằm im đợi thông báo sơ tán.
Lần này động đất cường độ yếu hơn, khoảng 4 độ Richter nên không cần sơ tán.
Trong hơn hai năm ở Nhật, nữ sinh thường xuyên trải qua các cơn rung chấn vài giây nhưng cường độ nhẹ và hầu như không cảm giác gì. Mây cho hay hai trận gần đây mới là động đất thực sự.
Sang Nhật du học từ năm 2019, Mây từng được mọi người nhắc nhở về động đất nhưng em không quá quan tâm. Trận động đất hôm 7/10 khiến Mây "bừng tỉnh", nhận ra mình không thể chủ quan. Sau hôm đó, cô gái Hải Dương tìm hiểu thêm về động đất, xem kỹ lại thảm họa năm 2011 để phản ứng nhanh hơn khi gặp sự cố tương tự.
Mây cho hay cảnh báo của chính phủ Nhật được cài sẵn vào điện thoại của người dân, không phát trước mà sẽ rung lên gần như đồng thời với động đất. Ở tuần đầu tiên của đại học, các du học sinh như Mây thường được trường trang bị kiến thức, giúp chuẩn bị tâm lý khi có động đất. Các em được yêu cầu sắp sẵn một túi đồ gọn nhẹ đựng đồ ăn và giấy tờ quan trọng.
Sống một mình trong căn hộ đi thuê, Mây để sẵn trên đầu giường chiếc balô có nước uống, đồ ăn khô cho 2-3 ngày, hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân và thẻ ngoại kiều. Lâu lâu, em lôi đồ ra kiểm tra hạn sử dụng.
"Động đất không phải chuyện đùa và khi nó xảy ra, cảm giác thật kinh khủng. Thế nên, các du học sinh khi đi ngoài nên chú ý biển báo về nơi sơ tán động đất, sóng thần gần nhất", Mây nói.
|
|
Mây trong chuyến đi Tokyo ngắm cảnh gần đây. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Ngoài ra, nữ sinh cũng khuyên chuẩn bị túi cứu hộ khẩn cấp, giày, găng tay, pin dự phòng và tiền. Nếu có động đất, du học sinh cần tìm vật chắc chắn để che đỡ mình an toàn, đến khi cơn rung lắc kết thúc mới được chạy ra khỏi tòa nhà.
"Bạn nên tránh xa những đồ vật được để ở trên cao, đặc biệt là giá sách, và chui xuống nấp dưới những thứ chắc chắn như giường, bàn. Trong trường hợp đang nấu ăn, bạn cần khóa gas ngay lập tức và tắt cầu dao (nếu có thể)", Mây chia sẻ.
Theo vnexpress