Lê Tâm Vy (thứ hai từ phải sang) và cả lab sau khi thuyết trình tổng kết xong - Ảnh: N.V.
Từng sang Mỹ thực tập tại trường Y thuộc Trung tâm Khoa học Sức khỏe ĐH Texas tại Houston (McGovern Medical School, The University Of Texas Health Science Center), Lê Tâm Vy - sinh viên ngành công nghệ sinh học ĐH Tân Tạo, chia sẻ cô ấp ủ ước mơ được thực tập ở nước ngoài từ khi vào năm nhất đại học.
Nhờ chuyến đi ấy, không chỉ vốn tiếng Anh tăng vọt, cô còn nhận được nhiều điều tuyệt vời khác. Đầu tiên là được tham gia vào một công trình nghiên cứu lớn về khuẩn than - loại vi khuẩn có thể làm hoại tử các tế bào trên cơ thể. "Nghiên cứu này nếu thành công còn có thể ứng cử giải Nobel", cô hào hứng "khoe".
Cô còn được làm việc với rất nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ sinh học và thật sự được "truyền lửa". "Làm nghiên cứu không hề đơn giản, chỉ một số liệu thôi bạn cũng có thể thất bại hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Nhưng những người trong nhóm chưa bao giờ bỏ cuộc. Chính họ đã truyền cho bọn mình nguồn năng lượng tích cực để luôn sẵn sàng đối diện với những thử thách trong quá trình làm nghiên cứu", cô nói.
"Đặc biệt, đợt thực tập này còn giúp mình kết nối với một 'thần tượng' của mình trong ngành. Và rất có thể, sau khi tốt nghiệp mình sẽ được cùng làm việc với thầy trong các dự án nghiên cứu", cô thêm.
Vậy làm thế nào để tìm được những cơ hội thực tập quốc tế? Cô "bật mí":
Tận dụng các mối quan hệ bên trong trường học
Cơ hội thực tập ở nước ngoài rất nhiều, điều quan trọng là bạn phải tìm đúng cách. Ngoài việc săn lùng thông tin từ website trường và các thông báo của phòng hỗ trợ sinh viên, nên tận dụng mối quan hệ với các giảng viên trong trường.
Là những người trong ngành, thầy cô sẽ có nhiều thông tin về các kỳ thực tập ở nước ngoài. Họ cũng có thể tư vấn để bạn tìm được một cơ quan thực tập phù hợp. Như trường hợp của mình chẳng hạn, nhờ các thầy cô trong trường có mối liên hệ với nhiều trường ĐH trên thế giới, nhờ vậy mình đã dành được cơ hội làm việc như một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học tại ĐH Texas.
Đặc biệt, nhờ thầy trưởng khoa giới thiệu, mình còn được một thầy trong trường tài trợ toàn bộ chi phí cho chuyến đi. Như vậy, mình vừa được thực tập, vừa được tận hưởng cuộc sống ở thiên đường Mỹ trong suốt gần ba tháng mà không phải lo lắng bất kỳ điều gì.
Tham gia các tổ chức phát triển kỹ năng lãnh đạo và kinh nghiệm làm việc
Một kênh thông tin nữa mà bạn không thể bỏ qua là các tổ chức phát triển kỹ năng lãnh đạo và kinh nghiệm làm việc thông qua các chương trình trao đổi thực tập quốc tế như: tổ chức phát triển tiềm năng lãnh đạo trẻ (AIESEC), tổ chức trao đổi sinh viên khoa học kỹ thuật (IAESTE)...
Với mối liên kết chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn uy tín trên thế giới, các tổ chức này sẽ giúp bạn chọn lọc những cơ quan phù hợp với lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi.
Ngoài ra, họ còn có những chương trình đào tạo, tư vấn về cách chuẩn bị CV cũng như cách trả lời phỏng vấn gây ấn tượng trước nhà tuyển dụng. Nhờ vậy, hồ sơ của bạn sẽ dễ được chú ý hơn hàng ngàn hồ sơ đến từ các quốc gia khác.
Tâm Vy cùng bạn đến tham quan Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) - Ảnh: N.V.
Tìm thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng
Hiện nay có rất nhiều website, trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải thông tin về các chương trình thực tập quốc tế. Một số địa chỉ bạn có thể tham khảo như: wayup.com, usaintern.com, scholarships.com…
Nếu được, bạn hãy tìm cho mình một mentor (người hướng dẫn) cùng chuyên ngành đã từng thực tập ở nước ngoài. Với những kinh nghiệm của người đi trước, chắc chắn cơ hội trúng tuyển của bạn sẽ rất cao.
Đặc biệt, nếu có ý định thực tập ở nước ngoài, bạn nên xác định mục tiêu càng sớm càng tốt. Có như vậy bạn mới có nhiều sự lựa chọn và tìm ra cơ hội phù hợp nhất.
Chuẩn bị kỹ tiếng Anh, tích lũy kinh nghiệm
Có nhiều yếu tố để hồ sơ của bạn gây được sự chú ý với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của mình, việc bạn có điểm GPA (điểm trung bình tất cả các môn học) thật tốt và kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm tham gia những dự án liên quan đến chuyên ngành bạn theo đuổi sẽ là hai yếu tố được chú ý đầu tiên.
Còn về tiếng Anh, chắc chắn bạn phải có được các chứng chỉ quốc tế như Toefl hoặc Ielts mới đủ điều kiện xét tuyển. Trường hợp các bạn đang theo học trường quốc tế thì không phải nộp các chứng chỉ như trên.
Nhưng dù có chuẩn bị thế nào chăng nữa thì bạn cũng luôn nhớ sự tự tin mới là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của bạn trong cả vòng nộp hồ sơ lẫn vòng phỏng vấn.
Theo tuoitre