leftcenterrightdel
 Người học trong lễ tốt nghiệp của ĐH Quốc lập Đài Loan hồi tháng 5

Đài Loan năm nay ghi nhận có 27.491 người Việt đến học, tăng 3.763 người so với năm 2022 và tiếp tục đứng nhất về số du học sinh từ 2020 đến nay. Đà tăng trưởng liên tục này đã bắt đầu từ 2007. Đến năm 2016, số du học sinh Việt cán mốc gần 5.000 người, năm 2018 đạt hơn 10.000 và năm 2023 lập kỷ lục ở mốc hơn 27.000 người, theo thống kê của cơ quan giáo dục Đài Loan.

Chi phí phải chăng, đầu vào đơn giản

Tiến sĩ Hoàng Vĩ Triết, nhiều năm kinh nghiệm cố vấn tuyển sinh cho các trường THPT, ĐH tại Đài Loan, nhận định một trong những nguyên nhân thu hút du học sinh Việt đến Đài Loan là nền giáo dục Đài Loan chất lượng nhưng chi phí lại phải chăng hơn so với những quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Úc, Canada... Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều nước nêu trên thắt chặt quy định visa du học thời gian gần đây.

"Đài Loan ưu ái cấp nhiều học bổng cho du học sinh, từ học bổng MOE, học bổng đào tạo sinh viên quốc tế (ICDF), chưa kể còn có học bổng riêng từ các trường ĐH. Chi phí và cơ hội chính là yếu tố thu hút du học sinh Việt đến tại Đài Loan", tiến sĩ Triết chia sẻ, cho biết thêm chi phí du học Đài Loan chỉ bằng 1/3 Úc, xấp xỉ 1/5 Mỹ.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Hằng, Giám đốc Công ty Hoa văn CLC (TP.HCM), cho biết số học sinh Việt đăng ký du học, xin học bổng thông qua đơn vị của bà nói riêng, các trung tâm tư vấn du học khác nói chung đều có xu hướng tăng trong những năm qua. Các nguyên nhân được bà Hằng chỉ ra là sự thu hút của nền ẩm thực, cảnh quan và văn hóa Đài Loan trong cộng đồng giới trẻ.

leftcenterrightdel
 Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Hằng, Giám đốc Công ty Hoa văn CLC (TP.HCM), nhận định số lượng người học đến các trung tâm tư vấn chuyên về Đài Loan tăng đều những năm gần đây

Theo nữ giám đốc, việc chuẩn bị hồ sơ du học Đài Loan khá đơn giản. Về ngoại ngữ, người học phải đạt IELTS tối thiểu từ 5.0 nếu muốn du học chương trình dạy bằng tiếng Anh, hoặc TOCFL tối thiểu A1 nếu chọn khóa dạy bằng tiếng Trung, song tốt nhất nên đạt mức C1 hoặc C2. Ứng viên học ĐH cần có bảng điểm THPT, hai thư giới thiệu của hiệu trưởng hay bất cứ ai trực tiếp giảng dạy. Ở bậc thạc sĩ, bạn phải có bằng tốt nghiệp ĐH hoặc giấy tờ chứng minh chuẩn bị tốt nghiệp nếu muốn xin học bổng.

Nhiều cơ hội việc làm ngay từ bậc phổ thông

Theo các chuyên gia, dù là điểm đến nói tiếng Trung, song du học sinh Việt vẫn có thể đăng ký nhiều chương trình cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ giảng dạy bằng tiếng Anh, là động thái nỗ lực quốc tế hóa của vùng lãnh thổ này. Người dân Đài Loan cũng nhiệt tình với người nước ngoài, sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ sinh viên quốc tế trong cuộc sống hằng ngày, theo Mohammad Soleh, người Việt gốc Chăm hiện học tập tại Đài Loan.

"Đài Loan cũng có rất nhiều sinh viên quốc tế bị hạn chế trong việc sử dụng tiếng Trung, chỉ có thể giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Anh nên du học sinh Việt hoàn toàn có thể nói tiếng Anh với các bạn. Ngoài ra, du học sinh sẽ được nhà trường và bộ phận hướng dẫn dặn dò rất kỹ lưỡng và nhiệt tình với những tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống nên việc học tập và làm việc cũng dễ dàng hơn nhiều", Mohammad Soleh chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Ông Trần Thiêm Vượng, Hiệu trưởng Trường THPT Trí Dụng (Đài Loan), chia sẻ trong một hội thảo du học mới đây

Ông Trần Thiêm Vượng, Hiệu trưởng Trường THPT Trí Dụng (Đài Loan), cho biết học sinh du học theo chương trình 3+4 (3 năm THPT, 4 năm cử nhân) tại trường ông có thể làm thêm và tăng ca tại công ty liên kết với trường. Trong 3 năm THPT, lương của học sinh dao động từ 600-800 USD/tháng. Mức lương cao hơn ở bậc cử nhân, lên tới 30.000 Đài tệ/tháng (23,1 triệu đồng).

Mức lương kể trên chỉ là mức trung bình. Nếu chọn làm việc chính thức tại Đài Loan ở những ngành mũi nhọn như y tế, marketing, IT, công nghệ bán dẫn... mức lương sẽ còn cao hơn nhiều, ông Vượng nhận định.

Cũng cần lưu ý, du học sinh đến Đài Loan theo hệ cử nhân, thạc sĩ bằng hình thức khác bị hạn chế số giờ làm thêm. Cụ thể, sinh viên quốc tế được làm tối đa 20 giờ/tuần, với mức lương trung bình là 200 Đài tệ/giờ và 16.000 Đài tệ/tháng (12,3 triệu đồng). Trong khi đó, chi phí sinh hoạt ở các thành phố nhỏ là 1.000 Đài tệ/tháng và các thành phố lớn là 2.500 - 3.000 Đài tệ/tháng, chủ yếu bao gồm tiền ăn và ở.

"Như vậy, có thể thấy du học sinh Việt sẽ còn dư kha khá để trang trải thêm nhiều khoản sinh hoạt phí khác và còn một ít để dành", thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Hằng phân tích.

Bên cạnh ở lại Đài Loan làm việc, du học sinh Việt cũng có thể về nước với cơ hội việc làm rộng mở. Bởi, hàng trăm dự án, công ty Đài Loan đang đến kết nối và hợp tác với thị trường lao động tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nhiều công ty và đơn vị tuyển dụng yêu cầu chứng chỉ năng lực tiếng Trung cơ bản, bên cạnh yêu cầu về tiếng Anh.

Theo Thanh niên