Các đại biểu tham quan tại khu vực bãi cọc Cao Quỳ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng - Ảnh: TÔ THÀNH

Tại chuyến đi thực tế này, các đại biểu được giới thiệu về quá trình phát hiện, khai quật cũng như triển khai xây dựng khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Kết quả khai quật bước đầu đã phát hiện được 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc và 4 hố đất đen.

Các cọc này xuất lộ ở độ sâu khá tương đồng; được đóng, chôn trong khu vực chứa nhiều bùn cát mịn, mang tính chất địa tầng của trầm tích lòng sông và ven bờ. Khu vực bãi cọc có quy mô khá lớn với các cọc gỗ lớn/nhỏ xen kẽ, được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, nhiều lớp.

Các cọc có kích thước không đều nhau, loại nhỏ từ 10-18cm, loại lớn từ 28-32cm, đặc biệt có cọc đường kính từ 37-40cm; chủ yếu làm bằng gỗ sến nhựa và lim. Trên cơ sở kết quả khai quật, các chuyên gia khoa học kiến nghị trong thời gian tới cần tiếp tục khảo sát và xây dựng kế hoạch nghiên cứu mở rộng.

Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang thuộc khu vực Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức của huyện Thủy Nguyên là nơi tôn vinh các bậc anh hùng dân tộc. Nổi bật là các khu tưởng niệm Đức Vương Ngô Quyền, Hoàng đế Lê Đại Hành; Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan (giữa) tại buổi tham quan khu vực bãi cọc Cao Quỳ - Ảnh: TÔ THÀNH

Khu di tích Bạch Đằng Giang ấn tượng với "3 không" gồm: không thu phí dịch vụ gửi xe, không rác thải và không bán hàng rong, ăn xin hiện đang trở thành điểm đến của đông đảo du khách tới tham quan và tìm hiểu lịch sử dân tộc.

Theo kế hoạch, ngày 29-9, tại Trung tâm hội nghị TP Hải Phòng sẽ diễn ra hội nghị thông báo những phát hiện mới khảo cổ học toàn quốc năm 2020.

Đây là diễn đàn khoa học để thông báo, chia sẻ, giới thiệu các kết quả nghiên cứu, các phát hiện mới về lĩnh vực khảo cổ học năm 2020 tới các nhà nghiên cứu, khoa học và nhân dân trong cả nước.

Theo tuoitre