Trong 3 ngày (8-10/8) tại Hòa Bình, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức buổi bồi dưỡng chuyên đề Những quy định đối với lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới và an toàn sức khỏe phụ nữ trong thời kỳ Covid-19. 

Hội nghị có sự tham gia chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. 

Bảo đảm bình đẳng giới và sức khỏe phụ nữ trong thời kỳ Covid-19 - 1

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội nghị (Ảnh: N.Dũng).

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà hy vọng với những kiến thức cơ bản từ các chuyên đề của khóa tập huấn sẽ giúp chị em cán bộ nữ của ngành LĐTBXH vận dụng phù hợp vào thực tiễn công việc của mình để tham mưu, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ tại đơn vị, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nữ giới trong lao động, việc làm. Thứ trưởng cũng mong muốn qua lớp tập huấn, chị em sẽ có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe cá nhân và gia đình, đặc biệt trong thời kỳ hậu Covid-19, từ đó có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho xã hội.

Theo Thứ trưởng dịch bệnh Covid-19 diễn hơn 2 năm qua khiến phụ nữ phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. Những hệ lụy do dịch bệnh gây ra đã tác động không nhỏ đến việc bảo vệ sức khỏe và quyền của phụ nữ, đặt ra những thách thức mới trong thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ luật Lao động năm 2019 đã bổ sung khái niệm về chống phân biệt đối xử. Cụ thể, đây là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp. Trong đó loại trừ hành vi xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc hay để duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương. 

Bên cạnh đó, Bộ luật cũng thể chế hóa nghị quyết trung ương về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình chậm. Theo đó, đến năm 2028 độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62, của nữ sẽ là 60 vào năm 2035, tăng mỗi năm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Đồng thời cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn… Những người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu muộn hơn. 

Bộ Luật Lao động đã có riêng một chương quy định về bảo đảm bình đẳng giới. Trong đó, có nguyên tắc cấm phân biệt đối xử trong lao động; nguyên tắc trả lương bình đẳng, người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau. Trong đó, có những quy định riêng về lao động nữ. Trong đó, quy định rõ về bảo vệ thai sản, bảo vệ sức khỏe lao động nữ, bảo vệ việc làm với lao động nữ trong thời gian thai sản….

Tháng hành động vì bình đẳng giới và ứng phó với phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới sẽ diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 15/12.

Theo dantri.com.vn