leftcenterrightdel
Học sinh Hàn Quốc tham gia kỳ thi năng lực quốc gia (CSAT) tại Seoul ngày 16/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Một đoạn video ghi lại cảnh một học sinh tát thầy hiệu phó tại một trường tiểu học nằm ở thành phố phía Tây Jeonju, Hàn Quốc đã được lan truyền rộng rãi trên mạng vào tháng trước, khiến cộng đồng mạng xôn xao, thậm chí có người bày tỏ sự bàng hoàng.

Theo nội dung được ghi lại trong video clip, do Liên đoàn giáo viên Jeonbuk công bố, một học sinh lớp 3 đã hành hung, lăng mạ thầy hiệu phó khi người thầy này cố gắng ngăn không cho cậu bé bỏ học.

Cậu bé này đã nhiều lần tát vào mặt thầy giáo, đập balô vào người ông trong lúc tuôn ra những câu chửi tục tĩu. Cậu bé thậm chí còn cắn và nhổ nước bọt vào người thầy giáo. Sau cùng, bất chấp sự cố gắng của thầy hiệu phó, cậu bé vẫn rời khỏi trường.

Trong đoạn phim, người thầy giáo có vẻ như không hề cố gắng để tự vệ, thậm chí còn chắp tay sau lưng sau khi bị đánh.

Động thái này khiến nhiều người dùng mạng xã hội ngạc nhiên. “Anh ta chắp tay sau lưng khi bị tát, tại sao vậy? Anh ta nên nắm tay đứa trẻ và cố gắng ngăn nó lại?” Một người nói.

Tình trạng giáo viên "sợ" học sinh

Đối với những người thuộc ngành giáo dục Hàn Quốc, thì cách phản ứng này của thầy hiệu phó không phải là hiếm. Kim Dong-seok, phụ trách bộ phận quyền lợi cho giáo viên tại Liên đoàn Các hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc, cho biết những nhận xét như trên cho thấy những người đưa ra bình luận này rất thiếu hiểu biết về tình hình giáo dục nước này.

Trên thực tế, các giáo viên Hàn Quốc thường rất sợ bị buộc tội lạm dụng, xâm hại trẻ em và bị kiện ra tòa, nơi mà họ khó có thể thắng kiện. “Nếu hiệu phó nắm tay đứa trẻ và để lại dấu vết thì sao? Đương nhiên, đây sẽ là bằng chứng về việc xâm hại trẻ em,” ông Kim cho biết.

Truyền thông địa phương cũng đưa tin mẹ cậu bé sau đó đã tới ngôi trường trên và hành hung giáo viên chủ nhiệm.

Ông Kim Dong-seok Kim cho biết các giáo viên Hàn Quốc thường bị học sinh và phụ huynh bạo hành. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, họ đều im lặng và không báo cáo vì sợ bị trả thù, cũng như do hiện tại các quy định vẫn chưa đủ để bảo vệ họ về mặt pháp luật. Chuẩn mực văn hóa cũng là một trong những nguyên nhân khiến họ lựa chọn giữ im lặng.

“Học sinh cư xử rất thiếu tôn trọng, như đóng sầm cửa hoặc có những cử chỉ tục tĩu. Nếu các giáo viên trình báo hết các vụ việc thì con số sẽ rất lớn,” ông nói thêm. “Thông thường giáo viên sẽ chịu đựng, vờ nhưng không nhìn thấy hoặc bỏ qua cho chúng.”

Tuy nhiên, nhiều sự cố thương tâm đã xảy ra khiến việc bảo vệ thể chất cũng như sức khỏe tâm thần của giáo viên trở thành tâm điểm chú ý.

Vào tháng 7 năm ngoái, một giáo viên lớp Một đã tự tử tại chính ngôi trường mà cô đang dạy, nằm ở khu Gangnam, khu vực thượng lưu của Seoul. Những dòng nhật ký và tin nhắn của cô giáo cho thấy phụ huynh tại trường tiểu học Seoi đã quấy rối cô trong nhiều tháng.

Giáo viên 26 tuổi này đã lựa chọn kết thúc cuộc đời sau khi đi dạy được 1 năm. Cô nằm trong số rất nhiều giáo viên tự tử - chủ yếu là giáo viên tiểu học – trên toàn đất nước.

Theo dữ liệu của chính phủ, khoảng 100 giáo viên trường công đã tự tử trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2023.

Cái chết của cô giáo 26 tuổi này đã dẫn đến cuộc biểu tình kéo dài 9 tuần của hàng chục nghìn giáo viên trên toàn Hàn Quốc nhằm kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi của giáo viên.

Vấn đề đã bắt rễ lâu đời trong xã hội

Vào tháng 9 năm ngoái, chính quyền đã thực hiện những thay đổi quan trọng nhằm giúp các giáo viên được bảo vệ nhiều hơn và có điều kiện làm việc tốt hơn.

Theo luật mới, các giáo viên sẽ không lập tức bị đình chỉ ngay khi bị cáo buộc lạm dụng trẻ em, mà sự việc còn cần phải được điều tra và cung cấp bằng chứng.

leftcenterrightdel
Học sinh Hàn Quốc tham gia kỳ thi năng lực quốc gia (CSAT) tại Seoul ngày 16/11/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Bên cạnh đó, giáo viên cũng được phép buộc những học sinh quậy phá phải ra khỏi lớp học.

Các trường tiểu học sẽ ghi âm các cuộc gọi điện từ phụ huynh, trong khi phòng họp giữa giáo viên và phụ huynh sẽ được đặt hệ thống giám sát bằng video.

Giáo viên cũng không còn là đối tượng chính bị phụ huynh khởi kiện, người chịu trách nhiệm chính là hiệu trưởng. Những vụ kiện đó cũng có thể được hỗ trợ về tài chính.

Phụ huynh cũng không được cung cấp các dữ liệu cá nhân của giáo viên như số điện thoại di động.

Sau khi luật mới có hiệu lực, số lượng các khiếu nại của phụ huynh đã giảm đáng kể. Từ tháng 9/2023 đến tháng 4 năm nay, chỉ có 385 trường hợp phụ huynh tố cáo về lạm dụng trẻ em, thấp hơn nhiều so với con số 1.702 trường hợp vào năm 2022 và 1.229 trường hợp vào năm 2021.

Trong khi Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc hoan nghênh các quy định mới, một số giáo viên cho biết tình hình thực tế vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Một cuộc thăm dò được thực hiện gần đây cho thấy 78% trong số 11.359 giáo viên được khảo sát không cho rằng tình hình đã được cải thiện.

“Việc giải quyết khiếu nại đôi khi không được tiến hành đúng quy trình do trường học thiếu nhân sự. Vì vậy khó có thể cảm nhận được sự cải thiện đáng kể nào,” một giáo viên tiểu học từng bị khiếu nại cho biết.

Giáo viên 30 tuổi này cho biết đã bị mẹ một học sinh kiện ra tòa vì cáo buộc lạm dụng, sau khi anh mắng đứa trẻ vì dùng ngôn từ tục tĩu và hành vi gây rối trong lớp học. Dù thắng kiện, anh vẫn phải đối mặt với hội chứng rối loạn căng thẳng trong một thời gian dài.

“Nỗi sợ hãi khi phải đối mặt với học sinh và phụ huynh đã gia tăng đáng kể. Trong quá trình bị cảnh sát điều tra, tôi cảm thấy thất vọng sâu sắc, dường như mọi nỗ lực của tôi với tư cách là một giáo viên đã bị phủ nhận hoàn toàn,” anh cho biết.

Vào tháng 4 năm ngoái, một cuộc khảo sát của hiệp hội giáo viên cho thấy 26,5% giáo viên đã được tư vấn hoặc điều trị các vấn đề tâm lý liên quan đến công việc, trong khi 87% đã cân nhắc nghỉ việc.

Các chuyên gia cho rằng đây là một vấn đề rất khó giải quyết, bởi một vấn đề đã bám rễ lâu đời trong xã hội Hàn Quốc.

Giáo sư Jung Jae-hoon thuộc Đại học Phụ nữ Seoul giải thích: “Xã hội Hàn Quốc có một khía cạnh rất đặc biệt, có thể được mô tả là thái độ lấy gia đình làm trung tâm, hoặc làm mọi thứ để mang lại lợi ích cho gia đình. Cha mẹ đầu tư rất nhiều vào con cái và không thể chịu đựng được cảm giác con mình bị đối xử bất công. Tư duy méo mó về đặc quyền của cha mẹ kết hợp với những đòi hỏi cao về việc giáo dục con cái họ dẫn đến sự vi phạm quyền giáo viên.”

Và với việc tỷ lệ sinh của Hàn Quốc thấp nhất thế giới, nghĩa là mỗi đứa trẻ ra đời là một món quà quý báu, các nhà quan sát cho rằng các bậc cha mẹ vẫn có thể sẽ bảo vệ con cái họ quá mức, và như vậy vấn đề này sẽ không dễ giải quyết.

“Ngày nay, người ta có ít con hơn nên mỗi đứa trẻ đều vô cùng quý giá đối với họ. Do đó, phụ huynh liên hệ với nhà trường thường xuyên hơn, ngay cả vì những vấn đề nhỏ nhặt,” Song Ji-ae, một bà mẹ hai con cho biết./.

Theo vietnamplus