Huỳnh Hữu Cảnh trong ngày nhận bằng tốt nghiệp cao học tại Úc - T.N
Chọn thái độ sống tích cực để vươn lên
Năm 9 tuổi, trong một lần Cảnh cùng người anh họ vào khu vực sau trường học tìm sắt vụn để bán, bất ngờ trái bom nằm sâu dưới lòng đất phát nổ cướp đi vĩnh viễn đôi mắt của anh. Tai nạn khiến Cảnh không thể tiếp tục đến trường. Cho đến năm 12 tuổi, Cảnh mới đi học lại và học chương trình lớp 1 bằng chữ nổi.
Cảnh trong một buổi đi chơi ở Úc - T.N
Trong thời gian đầu bị tai nạn, Cảnh đau khổ, buồn chán khi phải sống trong bóng tối, không thể tự mình làm những việc mà một người bình thường vẫn làm. Không nhận biết được màu sắc, ánh sáng, không thể hình dung người đối diện có gương mặt như thế nào… Việc học tập cũng vô cùng khó khăn.
Khủng hoảng suốt nhiều năm, nhưng một lần, Cảnh chợt nghĩ: “Mình vui thì cũng phải sống, buồn thì cũng phải sống. Vậy tại sao mình không chọn vui?”. Chàng trai này cuối cùng cũng chọn được thái độ và tư duy sống tích cực cho mình. Cậu thoát khỏi mặc cảm và buốn chán, bắt đầu đi học đàn piano, ghi ta, tham gia các hoạt động tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, dạy đàn cho trẻ khiếm thị… Học xong THPT, Cảnh được tuyển thẳng vào ngành giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Năm 2012, Cảnh tốt nghiệp ĐH với tấm bằng giỏi trên tay và về làm việc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang.
Không ai nghĩ chàng trai khiếm thị ấy lại nuôi giấc mơ du học từ rất lâu. Cảnh miệt mài tự học tiếng Anh ở nhà. Rồi giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực khi tháng 12.2017 Chính phủ Úc đã quyết định cấp học bổng toàn phần cho Cảnh khi thấy thành tích học tập cũng như năng lực chuyên môn và đóng góp của Cảnh cho các hoạt động xã hội quá tốt. Trước khi sang Úc, Cảnh phải tham gia khóa học tiếng Anh 9 tháng để đảm bảo đủ năng lực tiếng Anh, thật bất ngờ khi chàng trai này thi IELTS đạt 6.0.
Tấm bằng thạc sĩ "không tưởng" thành hiện thực
Huỳnh Hữu Cảnh trở về Việt Nam sau đúng 2 năm đi du học. Cầm tấm bằng thạc sĩ ngành công tác xã hội trên tay trong buổi lễ phát bằng tốt nghiệp của Trường ĐH Flinders, Cảnh không thể diễn tả được cảm xúc. “Vừa tự hào về bản thân mình, vừa cảm thấy hạnh phúc. Nhận được học bổng đã là điều không tưởng, đến khi nhận được tấm bằng thì mình càng khó tưởng tượng hơn. Trong 2 năm du học ở Úc đã có lúc mình muốn bỏ cuộc vì quá khó khăn, và rồi mình đã vượt qua”, Cảnh rưng rưng.
Cảnh được người vợ yêu thương luôn đồng hành bên mình - NVCC
Cảnh kể, những ngày đầu mới qua Úc, do thay đổi môi trường, văn hóa, cách sống và nhất là tư duy cũng phải thay đổi, Cảnh mất khá lâu mới có thể thích nghi. Chưa kể, đối với một người bình thường giỏi tiếng Anh, qua nước ngoài thì ngôn ngữ vẫn còn là rào cản, huống chi Cảnh khi giao tiếp chỉ có thể nghe mà không thể nhìn ngôn ngữ cơ thể của người đối diện. Trước khi lên giảng đường, Cảnh phải đọc tài liệu để nắm nội dung, và khi nghe giáo sư giảng bài thì phải… đoán. Tài liệu bằng tiếng Anh lại rất dài, viết theo kiểu học thuật nên càng khó. Đến khi làm bài thi, Cảnh phải chạy theo deadline, phải viết văn phong đúng chuẩn…
“Mình stress đến mức chán ăn, nhức đầu. Nhiều lúc muốn bỏ cuộc lắm. Nhưng rồi lại nghĩ, mình đang giống một vận động viên thể thao, thường khi gần tới đích thì rất mệt. Lúc này mình đang mệt nghĩa là mình sắp tới đích rồi, ráng chút nữa là sẽ thành công. Hơn nữa thấy các bạn xung quanh mình ai cũng cố gắng, cùng động viên chia sẻ, đã tiếp năng lượng cho mình để mình nỗ lực hơn”, Cảnh cho biết. Cũng nhờ tại trường ĐH có rất nhiều dịch vụ hỗ trợ cho những người khiếm thị nên giúp Cảnh thuận lợi hơn trong quá trình học tập.
Tình yêu đẹp giúp Cảnh có thêm nghị lực - NVCC
Trở về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang làm việc, Cảnh thấy mình đã khác mình của 2 năm trước, tư duy, cảm xúc đến cách nhìn nhận vấn đề. “Trước đây bản thân mình vẫn nghĩ những người có khiếm khuyết cơ thể và tinh thần, những người yếu thế trong xã hội khi được các trung tâm bảo trợ đón về chăm sóc là họ đang được xã hội ban ơn. Giờ mình nhận ra, họ chính là những người có quyền đó. Ở các nước phát triển, người khuyết tật được hưởng rất nhiều quyền và họ không phải là người yếu thế. Họ vẫn học tập, làm việc và cống hiến cho xã hội”, Cảnh chia sẻ.
Chính vì vậy, Cảnh mong muốn mình sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối cộng đồng để rút ngắn khoảng cách giữa người khuyết tật, người kém may mắn với xã hội, nâng cao nhận thức về quyền của người khuyết tật, rằng họ đáng được hưởng những hỗ trợ chứ không phải đi “xin”. Tuy nhiên, Cảnh cho rẳng bản thân người khuyết tật cũng cần tự mình thấy bình đẳng với người khác, bằng cách không hạ thấp mình để lấy lòng thương hại của mọi người, không e dè sợ hãi, phải có ý thức học tập, lao động và vươn lên trong cuộc sống. Cảnh còn lập kênh YouTube Mr Cảnh - Cuộc sống người khiếm thị chia sẻ về cuộc sống hằng ngày, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người.
Tổ ấm ngọt ngào Năm 2017 cũng chính là năm Huỳnh Hữu Cảnh tìm được người bạn đời cho mình. Đó là Huỳnh Tố Nga. Nga là cán bộ đoàn. Trong một buổi giao lưu đàn hát để gây quỹ từ thiện, Nga bắt gặp hình ảnh chàng trai khiếm thị nhưng đàn hát quá hay nên “mê” luôn. Trong quá trình Cảnh học tập ở Úc, Huỳnh Tố Nga được đi cùng chồng với vai trò hỗ trợ. Mới đây, tổ ấm nhỏ của Cảnh và Nga trở nên ngọt ngào và tuyệt vời hơn bao giờ hết khi xuất hiện thêm thành viên mới. Theo Cảnh, con trai bé bỏng chính là “thành công nhất trong cuộc đời”. Cảnh hạnh phúc bên vợ con - NVCC |
Theo thanhnien