Trong 2 nhiệm kỳ Đại sứ Văn hóa đọc của TPHCM đều có những gương mặt nhí: Bùi Lưu Bảo Khánh (sinh năm 2009) và Huỳnh Anh Thư (sinh năm 2010).

Ngay khi nhận vai trò Đại sứ Văn hóa đọc nhiệm kỳ 2023-2024, Huỳnh Anh Thư đã có nhiều hoạt động thiết thực: vận động tủ sách trao tặng các trường vùng sâu, vùng xa; giao lưu, truyền cảm hứng đọc… Anh Thư cũng vừa tham gia chương trình Em yêu Tổ quốc Việt Nam - Âm vang Điện Biên (hành trình dành cho những đội viên xuất sắc) và trao tặng sách cho các trường học còn khó khăn tại tỉnh Điện Biên.

leftcenterrightdel
 Trong hành trình xây dựng thói quen đọc và niềm yêu thích sách cho trẻ nhỏ, người lớn chỉ có thể là những người truyền cảm hứng, dẫn dắt và khích lệ. Nguồn ảnh: Đường sách TPHCM

Các “đại sứ nhí” góp phần xây dựng thói quen đọc sách cho bạn bè cùng tuổi mình, từ việc chia sẻ những khó khăn, thử thách ban đầu khi đến với sách; đến việc giới thiệu những tác phẩm hay, phù hợp với lứa tuổi. Trong nhiều cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, các em nhỏ chọn tác phẩm yêu thích và trao gửi thông điệp ý nghĩa đến bạn bè. Qua những cảm nhận từ trang sách của trẻ thơ, người lớn cũng phần nào hiểu được tâm tư, khát vọng lẫn nỗi buồn, những khó khăn mà các em phải đối diện khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Sách như chiếc cầu nối cho những giao cảm và san sẻ. Khi được chính các bạn nhỏ lan tỏa, những thông điệp gửi cho bạn bè cùng trang lứa lại càng ý nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh những cảm xúc chân thật và hồn nhiên của trẻ thơ dành cho sách trong nhiều cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, cũng có những câu chuyện không vui như cho trẻ dự thi bằng văn mẫu, ra đề và có đáp án sẵn... Mới đây, thạc sĩ Vũ Thị Thanh Tâm (sáng lập dự án Ô cửa sách) phải ngậm ngùi lên tiếng về một cuộc thi mà chị có tham gia chấm giải. Đó là việc copy văn mẫu của các thí sinh nhí và vì sao chép nên một số tựa sách được các bé cấp I chọn dự thi không phù hợp lứa tuổi: Harvard - Bốn rưỡi sáng, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?...

Đại sứ Văn hóa đọc là cuộc thi thường niên, được tổ chức trong phạm vi cả nước, từ cấp trường đến cấp quận, thành phố. Khuyến khích trẻ nhỏ đọc sách và tạo cơ hội để các bé cùng lan tỏa giá trị của sách là điều rất tốt. Nhưng việc khiến cuộc thi hay câu chuyện trẻ nhỏ truyền cảm hứng đọc trở thành phong trào hình thức, làm cho có lệ… là điều người lớn rất không nên làm.
Trong một lần giao lưu truyền cảm hứng đọc sách, Đại sứ Văn hóa đọc Bùi Lưu Bảo Khánh bày tỏ: em từng là một đứa trẻ không thích đọc sách. Nhưng nhờ sự khích lệ từng ngày của ba mẹ, dần dần những câu chuyện trong trang sách thu hút em và việc đọc sách trở thành niềm yêu thích tự thân. Không thể bắt ép trẻ nhỏ làm những việc các em không thích hoặc chưa có khả năng. Trong hành trình xây dựng thói quen đọc và niềm yêu thích sách cho trẻ nhỏ, người lớn chỉ có thể là những người truyền cảm hứng, dẫn dắt và khích lệ.

Theo phụ nữ TPHCM