Con đường để chinh phục con, làm bạn cùng con, để con có thể nói ra những điều thầm kín nhất, để cha mẹ có thể trợ giúp cho con trưởng thành luôn là con đường gian nan nhất.

Những câu chuyện buồn

Có một lần, từ một thông tin của cô học trò, tôi được tham dự một sự kiện bí mật. Sự kiện ấy do một nhóm học sinh tổ chức. Sau sự kiện, tôi bị ám ảnh một thời gian khá dài. Sau đó tôi đã thay đổi và cố gắng phải thay đổi.

Sự kiện ấy được tổ chức trong một căn phòng khá rộng, khi nó diễn ra, tất cả các nguồn phát sáng đều tắt, chỉ còn những dây phát sáng nhỏ không đủ nhìn rõ mặt người. 

Rồi bỗng nhiên có tiếng nức nở, tiếng kể nho nhỏ nhưng đủ nghe của một cô bé. Cô bé kể rằng cô đang đi du học, khi sang bên ấy cô bé rất cô đơn, rất áp lực, rất nhớ nhà nhưng không dám kể với cha mẹ. Cô bé sợ làm cha mẹ lo lắng, làm cha mẹ đau lòng. 

Nhiều lần bế tắc không biết hỏi ai, không dám nhờ ai, không dựa vào ai, áp lực bài vở, áp lực kinh tế, lý do sức khỏe, cô muốn được trở về bên gia đình nhưng cũng không thể khi cha mẹ đang kỳ vọng ở cô. Có những lúc tuyệt vọng, cô đã từng muốn chấm dứt những đau khổ của mình bằng quyết định dại dột.

Tiếp đó là giọng kể của một cậu bé 14 tuổi. Cậu yêu một cô bạn cùng lớp, cha mẹ bạn ấy biết, không chỉ cấm đoán nhốt cô bạn trong nhà, cha mẹ cô bé còn đến tận nhà cậu dọa dẫm, mạt sát. Cha mẹ cậu bé không bênh mà còn hùa theo mắng mỏ, cắt tất cả mọi liên lạc của cậu bé với bên ngoài từ điện thoại, Internet, ra ngoài có người giám sát đưa đón. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó mà lan ra toàn bộ bạn bè như một tấm gương xấu.

Cậu bé không hiểu tại sao người lớn lại có thể xử sự như vậy với cậu và với cô bé. Cậu nói: "Chúng em chưa làm gì sai cả, cả hai đều đang học tốt nhưng sao chỉ đọc được những lá thư bọn em viết cho nhau mà các bố mẹ đã cho chúng em là những tội đồ kinh khủng như vậy. Em muốn bỏ nhà đi tìm một nơi mà em được tôn trọng hơn, em sẽ tự kiếm sống bằng sức của mình. Em không muốn ở ngôi nhà ấy nữa, không muốn bố mẹ là những người thân nữa".

Đặt mình vào vị trí của con

Lâu nay, vì mưu sinh và vì rất nhiều lý do khác, nhiều bậc cha mẹ không nhận ra rằng mình mới chỉ đáp ứng được cho con những nhu cầu, dù rất cao nhưng mới chỉ là nhu cầu ở bậc thấp: được chăm sóc, được bảo vệ, được học hành, chứ chưa chú ý đến những vấn đề khác của con. Hoặc giả cha mẹ có biết đến nhưng lại cho đó là điều không quan trọng. Hoặc cha mẹ không biết cách để cho con vươn lên đạt được những nhu cầu cao hơn cho chính bản thân mình.

Con trẻ biết nhiều hơn, nhạy cảm hơn chúng ta đang nghĩ và cũng phức tạp hơn so với những gì cha mẹ hiểu về con. Con đường duy nhất để cha mẹ chăm sóc, giúp đỡ và nuôi dưỡng con tốt nhất chính là thấu hiểu, thông cảm, luôn bên cạnh con và làm bạn cùng con. 

Muốn làm được điều đó cũng chỉ có một cách: hãy đặt mình bên con và vào vị trí của con, hãy gạt tất cả mọi quyền uy, vai vế để có thể hòa mình vào thế giới của con, hiểu được tình yêu thương, ước mơ và mong muốn của con... 

Hãy đặt vào tay con quyền được lựa chọn và tin tưởng vào sự lựa chọn của con khi con đủ lớn bên cạnh tình yêu thương của cha mẹ.

Những câu chuyện, những minh chứng và những lời khuyên ấy không chỉ là những lời sáo rỗng mà nhiều khi là cả những sự trải nghiệm, trả giá, đúc rút để cuối cùng là quả ngọt về sự trưởng thành của con. 

Câu chuyện tại sao khi trẻ lớn lên một chút thì trẻ khép kín với cha mẹ, khi đứa trẻ trưởng thành không muốn trở về nhà hay một anh kỹ sư 27 tuổi người Trung Quốc đã phải khóc trong một chương trình truyền hình thực tế khi van xin mẹ hãy bớt cho mình một chút riêng tư... chắc chắn sẽ ít xảy ra nếu các bậc cha mẹ thấu hiểu và thực sự trở thành người bạn lớn tri kỷ cùng con.

Những con số biết nói

Năm 2006, một nghiên cứu về ảnh hưởng của gia đình đối với việc bảo vệ và chăm sóc con cái tại TP.HCM đăng tải trên tạp chí Khoa học nghiệp vụ sư phạm TP.HCM đã đưa ra những con số biết nói.

Trong số 945 học sinh của 10 trường THCS được khảo sát, 11,6% các em cho rằng cha mẹ thường trách mắng, không được cha mẹ yêu thương; 65,6% cho biết cha mẹ không bao giờ trò chuyện với con cái; 56,3% nói cha mẹ không lưu tâm đến hoàn cảnh học tập và làm việc của con cái mình; 76,2% cho biết cha mẹ không để ý bạn của con mình là ai, làm gì.

Đến nay, sau hơn 13 năm thay đổi, nếu làm một khảo sát tương tự chắc chắn tỉ lệ sẽ cao hơn ở các con số này. 

Theo tuoitre